Đại úy Lê Thị Hiền - người có hành vi gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất cách đây hơn 2 tháng, Thượng úy Nguyễn Xô Việt - người lấy xúc xích không trả tiền sau đó ném xúc xích vào nữ nhân viên và tát nam nhân viên trạm dừng nghỉ, Thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Lai Châu sử dụng bằng giả trong công tác. Cả ba người đều bị xử lý ở hình thức có thể coi là nghiêm khắc nhất. Sau khi thi hành những quyết định kỷ luật, cả ba đều không còn là người của ngành công an.
Những quyết định xử lý này cho thấy quyết tâm của lãnh đạo ngành công an làm trong sạch đội ngũ loại bỏ những sĩ quan, cán bộ không đủ năng lực phẩm chất và trên hết cải thiện hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân trong mắt đông đảo người dân.
Chắc chắn đây là những quyết định hợp lý, hợp tình và trên hết hợp lòng dân.
Điều tất yếu trong cuộc sống, bất cứ ai cũng có thế có những sai lầm ở những mức độ khác nhau. Và tất nhiên, dù ở mức độ nào, sai lầm ấy không có nghĩa phủ nhận hoàn toàn người có hành vi sai phạm, với tư cách là một cá nhân trong xã hội. Ở góc độ nào đó, mỗi người dù phải trả giá cho sai lầm của mình nhưng họ vẫn có quyền được thay đổi, được sửa chữa và được bắt đầu lại.
Nhưng ở một góc độ khác, công an nhân dân, từ khi được thành lập vẫn là lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn, sự bình yên cho cuộc sống người dân. Nhiệm vụ ấy không chỉ thể hiện bằng những hoạt động nghiệp vụ phòng chống tội phạm, mà nó còn phải thể hiện bằng việc xây dựng niềm tin nơi người dân. Xác lập trật tự và trên hết là xây dựng nhà nước pháp quyền là ở đó mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật cũng như gương mẫu trong việc thực hiện tuân thủ pháp luật.
Trong xã hội văn minh, không có bất cứ một cá nhân nào được quyền đứng trên pháp luật. Muốn người khác tuân thủ pháp luật, hơn ai hết, những người đại diện cho bộ máy công quyền cần phải thực hiện nghiêm những gì mà luật pháp đòi hỏi.
Cũng giống như một số ngành đặc thù, khi đã tình nguyện lựa chọn một công việc nào đó cũng là lúc cá nhân phải chấp nhận có những hy sinh nhất định. Đó là sự nhập thân và cống hiến, nghĩa là phải hạn chế phần nào những tự do cá nhân vì công vụ của mình.
Khi đã khoác trên mình chiếc áo của cán bộ chiến sĩ công an nhân dân, đó cũng là lúc mỗi người hành động không chỉ vì chính mình, không chỉ là tuân thủ nghĩa vụ của cá nhân mình mà họ còn hành động vì chính danh dự kỷ luật của ngành công an. Lúc này, ở mức độ nào đó, cuộc sống của người cán bộ chiến sĩ công an nhân dân đã gắn liền với công vụ.
Khi một cá nhân mắc sai lầm, người đó hoàn toàn có quyền được sửa chữa, được thay đổi, được “làm lại”. Nhưng trên phương diện kỷ luật công vụ, những cá nhân có hành vi vi phạm làm xấu đi hình ảnh người công an phải bị loại bỏ.
Biểu hiện của đại úy Hiền và thượng úy Xô là cách cư xử không đúng mực và có thể khẳng định ít nhiều dựa vào ngành nghề cũng như vị trí công tác của mình để hành xử một cách trịch thượng, tùy tiện thiếu tôn trọng người khác. Với Thượng tá Hoài đó là hành vi gian dối giả mạo trong công tác nhằm đạt cho mình những vị trí, những chức vụ cao hơn.
Đương nhiên tất cả những biểu hiện những sai phạm đó đều phải được xử lý một cách nghiêm khắc.
Xét cho đến cùng, dù công tác ở lĩnh vực nào và nắm giữ chức vụ gì, mỗi cán bộ vẫn xuất phát từ chính nhân dân, vẫn quan hệ mật thiết với nhân dân và đến một thời điểm nhất định họ cũng sẽ lại trở về làm quần chúng nhân dân.
Người dân không vui và cũng không muốn thấy những sĩ quan phải bị kỷ luật phải ra khỏi ngành hay tước quân tịch, trên hết họ muốn thấy những sĩ quan chiến sĩ công an tận tụy vối công việc, kính trọng lễ phép với nhân dân...