Để giảm thiểu khí thải từ các loại xe gắn máy cũ, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 172/KH-UBND về thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Kế hoạch này nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ích lợi của việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy và thu hồi xe máy cũ. Mục đích là gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân, bước đầu hình thành thói quen về bảo dưỡng và kiểm định khí thải xe máy định kỳ. Bên cạnh đó, với xe máy cũ không đảm bảo an toàn kỹ thuật và môi trường (khí thải) sẽ phải thải bỏ. Việc làm này góp phần giảm thiểu ảnh hưởng xấu tới chất lượng không khí trên địa bàn.
Theo thống kê, hiện Hà Nội có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ - đăng ký trước năm 2000) và trên 730.000 ô tô. Số này chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.
Việc thu gom, loại bỏ các phương tiện giao thông cơ giới cũ nát gây ô nhiễm môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, cần áp dụng theo đúng nghĩa là thu hồi sản phẩm gây ô nhiễm môi trường để xử lý, không phải là tịch thu tài sản. Trong đó Nhà nước cần quản lý chặt về an toàn kỹ thuật và môi trường của phương tiện, kiên quyết không để phương tiện không đủ điều kiện lưu thông. Đồng thời, cần phối hợp với nhà sản xuất thu hồi sản phẩm cũ nát, với sự đồng thuận của chủ phương tiện.
TS. Khương Kim Tạo – chuyên gia giao thông
Theo UBND TP. Hà Nội, khí thải từ các phương tiện cũ nát, bao gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí oxit carbon (CO), hidrocarbon (HC), các dạng oxit nitơ (NOx) và các chất khác, gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép, gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường không khí đô thị cũng như sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ hiệu quả của việc kiểm tra khí thải để thực hiện bảo dưỡng xe thường xuyên cũng như thay thế xe cũ nát giúp giảm khí thải, giảm thiểu tai nạn. Ngoài ra, việc thu gom và xử lý xe máy thải bỏ chưa đúng chuẩn quy cách cũng là tác nhân gây nên ô nhiễm không khí, đất và nước.
Kế hoạch cũng đưa ra các nội dung cụ thể như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc kiểm soát khí thải xe máy, trách nhiệm và quyền lợi của ngưòi dân. Đánh giá hiện trạng phát thải khí thải của xe máy đang lưu hành trên địa bàn Thành phố. Thí điểm thu hồi và xử lý xe máy thải bỏ từ người tiêu dùng và hỗ trợ chuyển đổi xe máy mới. Khảo sát, đánh giá tác động kinh tế xã hội của việc kiểm soát khí thải xe máy tới người dân, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan. Đề xuất các giải pháp, chính sách kiểm soát khí thải xe máy gắn kết với các giải pháp giao thông bền vững...
Kế hoạch này của Hà Nội được xem là một trong những bước cụ thể hóa Chỉ thị của Thủ tướng. Trước đó, vào ngày 18/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Trước đó, ngày 31/12/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản 7442/BTNMT-TCMT yêu cầu hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh việc ban hành, thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.
Về việc thực hiện kế hoạch này, lãnh đạo của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT TP Hà Nội) cho biết, sẽ đo kiểm ngẫu nhiên về khí thải khoảng 5.000 xe máy cũ để từ đó có kế hoạch quản lý đối với loại xe này bảo vệ môi trường. Kế hoạch dự kiến thực hiện từ tháng 9/2021 đến đầu năm 2022. Tuy nhiên lộ trình này còn phụ thuộc vào tình hình phòng chống dịch bệnh Covid – 19 trên địa bàn.
Theo vị này, bên cạnh việc tiến hành đo khí thải ngẫu nhiên, Hà Nội khuyến khích người dân tự nguyện mang xe để đo kiểm, bảo dưỡng. Trả lời về vấn đề liệu có đổi xe cũ lấy xe mới hay không, vị này cho biết hiện thành phố chưa có chính sách này. "Với những xe vượt chỉ số khí thải sẽ có những biện pháp bảo dưỡng tại chỗ chứ không phải thu hồi. Nói thu hồi là không đúng. Kế hoạch này nhằm kiểm tra xem nồng độ khí thải của xe cũ với xe mới như thế nào, từ đó TP sẽ có những chính sách cụ thể, chứ chưa có chế tài xử phạt hay thu hồi", đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường thông tin.
Để thực hiện kế hoạch này, trước mắt Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội và lực lượng kiểm soát giao thông trên đường sẽ phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong đó chủ yếu là các hãng sản xuất mô tô là Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM tiến hành "lập chốt" tại các đại lý của các hãng này để kiểm tra ngẫu nhiên 3.000 - 5.000 xe máy cũ lưu thông trên đường. Khi triển khai chính thức, các đơn vị được giao sẽ lập 8 trạm đo khí thải; lập 30 đại lý hỗ trợ, tư vấn người dân hoán đổi xe cũ, mua xe mới nếu có nhu cầu.
Như vậy, trước mắt, Hà Nội vẫn chưa thực hiện việc thu hồi xe máy cũ nát của người dân, dù đây cũng là nguyện vọng của nhiều người bởi tình trạng ô nhiễm không khí đang tăng cao. Một trong những nguyên nhân đó chính là do khói từ những chiếc xe "nhiều không": Không còi, không phanh, không giấy tờ, không đảm bảo an toàn...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn