Xuân về, tản mạn chuyện Rồng - biểu tượng sống động trong văn hoá người Việt

23:23 | 05/02/2024;
Trong phong thủy, rồng được coi là một trong bốn tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng.

Rồng là con vật không có thật, là sản phẩm tưởng tượng duy nhất trong 12 con giáp. Tuy nhiên, rồng lại là sự kết hợp của nhiều loài vật khác nhau làm nên sự mạnh mẽ, uy nghiêm mà không con vật nào sánh được. Trong văn hóa người Việt từ hàng nghìn năm nay, rồng đã trở thành biểu tượng của nguồn cội, của văn hóa tâm linh hết sức đặc sắc...

Đa dạng các vỉa tầng quan niệm

Rồng sớm xuất hiện trong huyền thoại, truyền thuyết cũng như nghệ thuật tạo hình của nhiều dân tộc trên thế giới. Xoay quanh con vật này, xưa nay tồn tại khá nhiều lý giải về xuất xứ của nó: có quan niệm rồng là sản phẩm của văn hóa Trung Hoa; có nhận định rồng có nguồn gốc từ văn hóa Ấn Độ; lại có ý kiến cho rằng rồng có nguồn gốc từ văn hóa Cận đông Ai Cập - Lưỡng Hà và cũng có quan niệm xem rồng xuất phát từ văn hóa Việt Nam...

Ở phương Tây, rồng được mô tả giống như một con thằn lằn khổng lồ, có cánh như dơi và biết phun lửa, là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ. Ngược lại, trong kinh Phật, rồng là linh vật nằm trong bát bộ Thiên Long. Trong phong thủy, rồng được coi là một trong bốn tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng. Trong tiềm thức văn hóa Á Đông nói chung thì rồng lại là linh vật mang trên mình sức mạnh thiên nhiên đại diện cho 4 yếu tố cấu tạo nên vũ trụ: đất, nước, lửa, gió.

Dù tiếp cận ở góc độ nào chăng nữa, từ xưa đến nay, con rồng luôn được xem là biểu tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Chính vì thế, chúng ta vẫn thường suy tôn nguồn gốc của mình là "con Rồng, cháu Tiên" cùng với niềm tự hào về cội nguồn, dòng giống. Ở "chức năng tâm linh" này, rồng là một biểu tượng thần thánh, làm nên ý thức bền vững và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Được biết đến như một linh vật huyền bí, đại diện cho quyền lực, sự may mắn, thịnh vượng và thăng tiến; tổ tiên người Việt đã tạo ra biểu tượng rồng như là một hình ảnh tráng lệ đại diện cho khát vọng vươn lên chinh phục tự nhiên và chinh phục chính mình. Cùng với thời gian, biểu tượng rồng được biến chuyển và sử dụng cho phù hợp với nhiều mục đích khác nhau song vẫn vẹn nguyên những giá trị tốt đẹp như một sự đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của nó.

Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng- Ảnh 1.

Một biểu tượng sống động trong văn hóa - tín ngưỡng người Việt

Trở lại với góc nhìn và tâm thức của người Việt chúng ta, không ai là không biết đến truyền thuyết Lạc Long Quân (vốn là rồng) lấy bà Âu Cơ (dòng dõi tiên). Bà Âu Cơ sinh được trăm trứng, nở ra trăm con, năm mươi con theo cha xuống biển, năm mươi con theo mẹ lên non. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, lập nên nước Đại Việt, lấy hiệu là Hùng Vương. Từ đó, người Việt Nam luôn tự hào về dòng dõi tiên rồng của mình.

Ngoài ra, hình ảnh rồng luôn được gắn liền với các bậc đế vương, thể hiện quyền uy cùng năng lực tâm linh siêu nhiên. Vì thế, rồng luôn hiện diện trên hoàng bào, đồ dùng của vua và chỉ có vua mới được sử dụng hình tượng này để khẳng định vị trí tôn quyền của mình. Rồng chính là biểu trưng cho sự mạnh mẽ, bất bại trước mọi kẻ thù. Mỗi triều đại, hình tượng rồng có thể được khắc họa khác nhau nhưng tựu trung vẫn thể hiện được sự tự do, phóng khoáng, hào hiệp của dân tộc Việt.

Bên cạnh đó, rồng cũng là linh vật gắn liền với Đức Phật, là thần thú được Phật Bà Quan Âm cưỡi đi khắp muôn phương phổ độ chúng sinh. Với ý nghĩa đó, rồng phổ biến trong những không gian tín ngưỡng như chùa chiền, lăng tẩm, miếu thờ, luôn trong tư thế nằm chầu, cuốn quanh xà cột hoặc nằm uốn lượn trên mái đình. Hình ảnh này chính là biểu tượng cho sự che chở, phục vụ, sẵn sàng bảo vệ trước mọi gian nguy.

Rồng là linh vật hội tụ các yếu tố tự nhiên, do đó được coi như một linh vật biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn, trí tuệ mà dân gian gửi gắm những ước vọng trong đời: cầu nắng, cầu mưa, cầu phồn thực... Nơi có thế rồng uốn được coi là long mạch, vượng khí nên nhà cửa, mồ mả tọa lạc trên những khu đất này sẽ được coi là đất đẹp, giúp con cháu đời đời phồn thịnh. Bởi vậy, trong đời sống hiện đại ngày nay, con rồng hiện diện trên các vật phẩm phong thủy, những món đồ trang sức với đức tin khi mang theo nó bên mình sẽ thu hút được may mắn, tài lộc cũng như khẳng định được giá trị bản thân.

Từ sự tôn kính, trọng vọng, rồng đã đi vào những địa danh, những vùng địa lý như một minh chứng cho triết lý âm dương cùng ý nghĩa thiêng liêng làm nên sức mạnh, sự uy nghiêm và thịnh vượng của một dân tộc. Chúng ta có Thăng Long (rồng bay), Hạ Long (nơi rồng đáp xuống), Cửu Long (chín rồng)... ngoài ra còn vô số những tên gọi gắn liền với biểu tượng rồng như Bạch Long Vĩ, Hàm Rồng, Hàm Long...

Đón năm Thìn, mạo muội nhàn đàm đôi dòng về con rồng thay lời nghênh đón con vật uy nghiêm này trở lại và đồng hành với con người trong năm mới. Tin rằng, biểu tượng thiêng liêng, cao quý của rồng sẽ làm nên khí phách, tinh thần của người Việt để được chứng kiến một diện mạo mới xán lạn hơn, huy hoàng hơn của đất nước, con người Việt Nam trong vận hội mới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn