Bán nhà để theo đuổi tâm nguyện
Cụ Phước sinh ra ở Đà Nẵng nhưng lại lớn lên ở Phú Yên. Năm 1950, cụ đã bắt đầu hoạt động thiếu sinh quân ở thị xã Tuy Hòa. Đến năm 1953, cụ nhập ngũ thuộc Sư đoàn 305, hoạt động chính tại mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau ngày đất nước thống nhất, cụ chuyển ngành và được giao giữ chức Trưởng phòng Bảo tồn của Bảo tàng tỉnh Phú Khánh (2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa bây giờ). Năm 1989, khi tách tỉnh, cụ được cử giữ chức Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1995.
Khi còn nhỏ, cụ Phước được học về Bác và rất ngưỡng mộ Bác Hồ. Bắt đầu năm 1976, cụ quyết định đi sưu tầm những tư liệu, hiện vật liên quan đến Bác. Hồi ấy, nghe ở đâu có hiện vật hay các tư liệu liên quan đến Bác là cụ tìm đến để xin được in sao thành nhiều bản, đưa về trưng bày ở bảo tàng nơi mình làm việc, số còn lại cụ mang về tích lũy ở nhà.
Sau ngày nghỉ hưu, không lựa chọn ở nơi phố thị ồn ào, cụ Phước lui về giữa vùng quê xã Phước Đồng, mua lô đất rộng hơn 2.000m2 để thực hiện tâm nguyện xây KTN Chủ tịch Hồ Chí Minh của mình. Trước khi bắt đầu xây KTN, cụ ngược xuôi khắp các địa phương trong cả nước để sưu tầm hình ảnh hiện vật về Bác, cũng như học tập cách trưng bày, thuyết minh về Bác ở các bảo tàng khác để về xây dựng và áp dụng tại KTN.
Sau khi được tư vấn, giúp đỡ của các cựu đồng nghiệp, các chuyên gia về bảo tàng, tháng 10/1997, cụ bắt đầu khởi công xây dựng từng bước theo quy hoạch. Những ngày đầu khởi công xây dựng, cụ gặp muôn vàn khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí. Rồi khi công trình được xây dựng hơn một tháng thì vợ cụ bị bệnh nặng phải đi cấp cứu. Hàng ngày, cụ vừa có mặt để kiểm tra công trình, vừa tất tả ngược xuôi chăm lo cho vợ.
Vợ bệnh nặng, công trình dang dở vì thiếu kinh phí, buộc cụ phải bán đi căn nhà ở đường Trương Định (TP.Nha Trang) để có tiền chi trả cho công việc. Nhưng bán căn nhà cũng không đủ tiền trang trải, cụ phải bàn với người con gái bán đi mảnh đất mà vợ chồng cụ đã hứa cho con trước đó.
Miễn phí cho người dân đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ
Năm 2002, cụ Phước hoàn thành công trình đầu tiên của KTN là đền thờ Bác Hồ. Tiếc thay, không lâu sau thì vợ cụ qua đời. Nén nỗi đau, cụ dồn hết tâm sức hoàn thiện KTN. Mãi đến năm 2010, cụ mới chính thức khánh thành KTN Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà theo cụ lúc này đã đủ khái quát những điểm son về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác.
Đến KTN Chủ tịch Hồ Chí Minh, du khách sẽ nhìn thấy tượng Bác Hồ đứng trên hoa sen ở trước sân. Bên trong là không khí trang nghiêm với bàn thờ Bác luôn tỏa khói hương. Ở đó có tượng chân dung Bác bằng đồng được Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng năm 2016.
Ở KTN, cụ Phước trưng bày hơn 150 hình ảnh, tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác được sắp xếp theo cụm chủ đề, gồm: quê hương, gia đình và thời niên thiếu; những ngày đầu tham gia phong trào yêu nước; hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp; lãnh đạo sự nghiệp xây dựng miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp hòa bình, hữu nghị, phát triển vì tiến bộ của Việt Nam và thế giới; Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà văn hóa kiệt xuất. Tất cả những hình ảnh, hiện vật này được cụ cất công sưu tầm, phiên bản, xếp đặt trang trọng trong khung kính, tủ kính với chú thích rõ ràng.
Bên cạnh đó, trong KTN còn có mô hình ngôi nhà sàn được phục chế từ chính ngôi nhà sàn Bác đã sống và làm việc ở Phủ Chủ tịch sau năm 1954; mô hình tàu Amiral Latouche Tréville, người thanh niên Văn Ba - Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911; mô hình ngôi nhà số 9 ngõ Compoint mà Bác đã sống và làm nghề thợ ảnh những năm 1921 - 1923; bản sao micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng để đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội)…
Tư liệu cụ Phước tâm đắc nhất ở KTN là tấm ảnh thời khắc Bác lâm chung. Tấm ảnh được cụ phục chế khổ lớn rồi trưng bày ở gian chính của KTN. Đây là tấm ảnh do một cán bộ cao cấp gần gũi với Bác chụp. Khi người này mất, người vợ biết được nguyện vọng của cụ Phước sưu tầm kỷ vật về Bác nên đã tặng lại cho cụ.
Ở KTN Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài các hiện vật, hình ảnh về Bác Hồ được đặt trang trọng trong gian chính, cụ Phước còn xây dựng một tượng về các đồng đội năm xưa và một bức tượng về Mẹ Việt Nam Anh hùng đặt phía trước sân KTN để quanh năm hương khói, tưởng nhớ, nhất là vào các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước.
Từ năm 2002, khi đền thờ Bác Hồ trong KTN hoàn thành cho đến nay, cụ Phước luôn mở cửa đón mọi người khắp nơi đến dâng hương, tưởng nhớ Bác Hồ. Sau khi chính thức khánh thành vào năm 2010, du khách đến KTN Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày một đông.
Đặc biệt, lớp lớp học sinh các cấp trên địa bàn TP.Nha Trang, các thầy cô thường liên hệ cho học sinh đến đây học ngoại khóa. Sau mỗi buổi học, học sinh lại thích thú được nhìn tận mắt, nghe tận tai về những gì mà các em chỉ mới biết đến trên những trang giấy, qua lời truyền đạt nên rất thích thú.
"Khi tôi qua đời, KTN sẽ giao lại cho con cháu quản lý. Ý nguyện của tôi là mọi người dân đều có quyền tới đây tham quan, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, và tất cả đều được phục vụ miễn phí. KTN cũng góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục các thế hệ trẻ về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Bác Hồ", cụ Phước chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn