Trong chương trình tọa đàm với chủ đề "Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới", bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ về các giải pháp Bộ Công Thương đã và đang triển khai để hỗ trợ phát triển sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
+ Đến nay việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực. Xin bà chia sẻ cụ thể hơn về những giải pháp Bộ Công Thương đã triển khai để hỗ trợ phát triển sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?
Có thể nói ngành Công Thương đang rất nỗ lực trong việc hỗ trợ để đưa hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vào các hệ thống phân phối, từ cách truyền thống là các chợ, các cửa hàng tạp hóa cho đến các hệ thống phân phối hiện đại. Đây là nơi mà người tiêu dùng đến là tiếp cận được đầu tiên để có thể ưu tiên mua sắm và biết được đến bản sắc văn hóa của các cái sản phẩm hàng hóa đến từ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong vòng 10 năm từ 2010 - 2020, chúng tôi đã làm được rất nhiều hoạt động để lồng ghép vào các Chương trình và Đề án phát triển kinh tế xã hội, kết nối hàng hóa sản xuất trong nước, thúc đẩy để tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể kể đến đó là 4 Chương trình lớn do Thủ tướng Chính phủ ký mang tầm quốc gia.
Một là, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với những hoạt động về hội chợ, về các chuyến hàng quảng bá sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước hay đào tạo, tập huấn. Cùng với đó những chương trình truyền thông liên quan đến xúc tiến thương mại cho hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu chương trình.
Hai là, Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và đây một trong những điểm rất mạnh của hàng hóa đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, Chương trình Chương trình khuyến công quốc gia.
Theo Chương trình khuyến công quốc gia, các hộ kinh doanh, hộ sản xuất muốn ứng dụng khoa học công nghệ, muốn ứng dụng thiết bị máy móc ở quy mô nhỏ được nhận vốn từ cơ quan quản lý nhà nước xét duyệt và cung cấp. Qua đó là hoàn thiện được bao bì, mẫu mã, hoàn thiện được quy trình công nghệ, sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa rất đặc trưng đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng lại bảo đảm chất lượng, vệ sinh toàn thực phẩm và có mẫu mã bao bì hấp dẫn với người tiêu dùng.
Bốn là, Chương trình mà phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2015 và tiếp tục hoạt động cho đến năm nay là giai đoạn thứ hai, kéo dài đến năm 2025.
Chương trình này cũng đã phát huy nhiều hiệu quả khi tổ chức được rất nhiều hoạt động để kết nối được hàng hóa từ vùng đồng bào của dân tộc thiểu số, miền núi và có được những hạ tầng thương mại rất tốt. Sản phẩm hàng hóa đặc sản đặc trưng vùng miền của đồng bào dân tộc thiểu số được quảng bá đến các thị trường trong nước và quốc tế; kết nối được doanh nghiệp phân phối ở các thị trường lớn cho đến các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa đi thị trường nước ngoài, tìm kiếm thị trường.
+ Được biết Bộ Công Thương cũng có những đề án triển khai hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa, xin bà chia sẻ thêm thông tin này?
Chúng tôi có cả những đề án quốc gia, cấp quốc gia cũng đang triển khai rất tốt. Đề án nổi bật nhất mà theo chúng tôi đánh giá là có hết sức lan tỏa rất lớn, là đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giai đoạn từ năm 2014 - 2020 và nay là giai đoạn 2021 - 2025. Qua Đề án này, chúng tôi cũng đã thiết lập được trên toàn quốc các mô hình điểm bán hàng Việt, trong đó ưu tiên những vị trí rất đắc địa cho sản phẩm, hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai là Đề án 23 được phê duyệt năm 2010 và được triển khai tích cực trong giai đoạn 2010 - 2015 ở cấp TƯ và sau đó thì được chính quyền địa phương sử dụng ngân sách địa phương của mình để nhân rộng các mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân ở khu vực nông thôn; đồng thời đặc biệt ưu tiên cho bà con dân tộc thiểu số, có thể đến các tỉnh như Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La hay Trà Vinh…
Các địa phương đều có những sản phẩm đặc sản được tiêu dùng có nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đến từ vùng canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số và những sản phẩm đặc trưng làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số như sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Thêm một đề án có đóng góp rất lớn cho việc phát triển và tiêu thụ hàng hóa là đề án về ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến. Nhờ đó đã có rất nhiều sản phẩm hàng hóa tốt, được kiểm soát về an toàn thực phẩm đã được đưa ra thị trường. Đây cũng là một bước để đưa được sản phẩm, hàng hóa vùng miền của đồng bào dân tộc thiểu số vào trong các kênh tiêu thụ trong nước.
+ Thưa bà, trong thời gian tới, Bộ Công Thương có những giải pháp gì để góp phần giảm nghèo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số?
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030 và Quyết định số 1719 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được thực hiện, với những mục tiêu hết sức cụ thể, rõ ràng. Trong đó ngành Công Thương chúng tôi rất quan tâm đến mục tiêu: Hằng năm sẽ giảm nghèo được 3% cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi và đồng thời đạt được mục tiêu vào giữa năm 2025 phải tăng gấp đôi thu nhập của người dân tại khu vực này so với năm 2020.
Chúng tôi nghĩ rằng thời gian tới sẽ phải triển khai rất nhiều giải pháp mà Bộ Công Thương vừa ban hành kịp thời trong năm 2022. Đó là hướng dẫn cho các địa phương ngay lập tức phải vào cuộc để triển khai kích cầu kinh tế trong nước, tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa trong nước và sản phẩm hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
+ Xin bà cho biết trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động như thế nào để hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi?
Bộ Công Thương được giao 2 nhiệm vụ:
Nhiệm vụ thứ nhất là xây dựng hệ thống chợ của đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động có bản sắc, có hiệu quả kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và giúp cho cuộc sống của đồng bào đủ đầy với những sản phẩm thiết yếu tiêu dùng hàng ngày.
Thứ hai là hỗ trợ để kết nối tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số đi được các vùng miền trên toàn quốc và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Hai nhiệm vụ này luôn được đưa lên hàng đầu, triển khai bằng những giải pháp truyền thống như kết nối cung cầu, truyền thông bằng các chương trình nhận diện cho những nhóm sản phẩm hàng hóa đặc thù này.
Bên cạnh đó là các chương trình kết nối cung cầu, là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Đây cũng là nơi đồng bào dân tộc thiểu số có thể tới để trình diễn văn hóa của mình cho khách trong nước, khách quốc tế; giới thiệu đặc sản vùng miền; đặc biệt là ẩm thực, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm dược phẩm chữa bệnh. Đây là những đề xuất của chúng tôi năm nay, mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng và tham gia.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn