Huyện Đồng Hỷ được biết đến là một trong những địa phương có diện tích, sản lượng chè lớn của tỉnh Thái Nguyên, với gần 4.000ha chè, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 45.000 tấn; doanh thu bình quân ước đạt trên 300 triệu đồng/ha.
Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung, với trên 2.000 ha được áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, trong đó có 44 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với tổng diện tích trên 600ha; có 32 sản phẩm OCOP trà được xếp hạng 3 đến 4 sao.
Nhiều sản phẩm từ trà đã được chế biến sâu, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, với giá tiêu thụ ổn định nâng cao thu nhập của người trồng, chế biến chè, tạo thêm việc làm, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng chất lượng nâng cao, bền vững.
Ông Ngô Xuân Huy, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, cho biết: Ngày hội văn hoá trà không chỉ là dịp để huyện Đồng Hỷ quảng bá tiềm năng thế mạnh kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch triển vọng phát triển bền vững mà còn là cơ hội để duy trì và phát triển những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; nhằm tôn vinh các hộ nông dân, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề sản xuất chè trên địa bàn. Đồng thời tạo ra cơ hội kết nối cung cầu nông sản, hợp tác liên kết, trao đổi kinh nghiệp trong quá trình sản xuất, tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp hữu cơ, bền vững.
Đây là dịp các hợp tác xã sản xuất chè quy mô lớn trong huyện tham gia các phần thi hái chè; thi trưng bày và thuyết trình về không gian văn hoá trà; pha trà và mời trà; giao lưu văn nghệ. Đó là: Hợp tác xã Thương mại và dịch vụ Nông nghiệp Hoà Bình; Hợp tác xã Tâm Hoàng Trà, Hợp tác xã Tình Hoan, Hợp tác xã chè Văn Hán, Hợp tác xã Thái Minh, Hợp tác xã chè Tuyết Hương, Hợp tác xã BKQ Organic, Hợp tác xã chè an toàn Nguyên Việt và Làng nghề chè truyền thống xóm Trại Cài. Qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu trong ngày hội, các sản phẩm trà hàng Việt Nam chất lượng cao, tinh hoa hàng Việt Nam tiếp cận gần hơn đến khách hàng.
Các sản phẩm trà được trưng bày tại Ngày hội văn hóa trà huyện Đồng Hỷ. Ảnh: donghy.thainguyen.gov.vn
Hợp tác xã Thái Minh là 1 trong 9 hợp tác xã tham gia Ngày hội. Đại diện hợp tác xã, bà Trần Thị Phương Thảo, chia sẻ: "Hợp tác xã được thành lập từ năm 2020, với mục tiêu để phát triển sản phẩm chè, đặc biệt là vùng chè Văn Hán ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động.
Hợp tác xã chè Thái Minh đã quy tụ được các thành viên là những người có kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, chế biến chè truyền thống và tổ chức sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Sản phẩm chè của hợp tác xã đã được cấp chứng nhận OCOP và ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, hợp tác xã đã ký kết được nhiều hợp đồng với nhiều tỉnh thành trong cả nước..."
Tham dự Ngày hội văn hóa trà không chỉ là cơ hội để các hợp tác xã giao lưu, học hỏi các đơn vị bạn mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trà, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè của hợp tác xã. Từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn