Cư dân mạng lại có thêm một món ăn mới. "Chửi" cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ.
Trong vô vàn những điều để xỉ vả nhiều khi chỉ để cho "sướng mồm" đó là cuộc thi thơ vừa kết thúc trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam .
Tâm điểm của cuộc "tổng xỉ vả" này là 3 bài thơ của tác giả người thiểu số ở Điện Biên tên là Tòng Văn Hân. Tôi không biết anh này, nhưng đoán chắc là người Thái, hoặc Tày. Các tác phẩm được trao giải B, không có giải A. Nghe đâu, đó là giải thưởng cao nhất cho tổng số đến một vạn bài thơ gửi về dự giải trong hai năm 2019, 2020. Một số lượng bài vở khổng lồ, đủ để biết mức quan tâm của người làm thơ xứ mình đối với cuộc thi của tờ báo văn nghệ được xem là số một Việt Nam .
Tôi cũng chỉ là một người viết và là một người viết thuộc cộng đồng thiểu số nên có những cái nhìn có thể gọi là thấu hiểu nhất định về văn hóa và ngôn ngữ của người thiểu số khi đọc các bài thơ được giải B trên báo Văn nghệ vừa qua.
Bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" và "Làm rể" của tác giả Tòng Văn Hân
Đêm qua khi có những luồng ý kiến đầu tiên về sự "dở tệ", sự "không xứng đáng" của những tác phẩm được trao giải cao nhất, tôi đã hình dung đến một điều là sẽ có những mổ xẻ về sự phi lý, thậm chí phi logic của các thi phẩm được bàn đến. Điều này phần nào đó đang xảy ra.
Điều đó hoàn toàn dễ hiểu vì thực sự mà nói đại bộ phận những người viết ở Việt Nam hôm nay không mấy ai am tường một cách thực sự về ngôn ngữ, cách tư duy của các cộng đồng thiểu số. Và những bài thơ của Tòng Văn Hân được viết bằng tiếng Việt, không phải tiếng Tày, Thái dịch Việt. Không phải thơ dịch. Những bài thơ đó mang lại cảm giác tác giả cũng đang mắc một lối mòn lâu nay khá thịnh hành là cứ cố gắng diễn đạt tiếng Việt một cách cho nó đặc biệt, thậm chí ngô nghê sẽ được mặc định là "đồng bào", là "dân tộc", dù có thể người viết thuộc cộng đồng thiểu số và am tường văn hóa bản địa.
Khá khẩm hơn một chút, đó là diễn giải những lối nghĩ, lối biểu đạt của người thiểu số khiến có chút ít lạ tai, lạ mắt với người không biết tiếng người thiểu số và thế là… thành thơ. Cách viết này cũng đang được chấp nhận khi các văn nhân, thi nhân đang cạn đề tài. Nó khiến những người thuộc một trường văn hóa khác với cộng đồng người thiểu số cảm thấy "hay", "đẹp"...
Phải chăng đó là lý do khiến các sáng tác được trao giải?
Nếu theo góc nhìn như thế để giải mã việc các thi phẩm vì sao được trao giải cao thì người đọc vẫn cứ có quyền đặt câu hỏi liệu đó đã thơ chưa? Hay chỉ là một lối nghĩ được dịch ra tiếng Việt, một câu chuyện được ngắt câu, xuống dòng cho nó giống thơ… tự do?
Những ai am tường về ngôn ngữ và văn hóa của người thiểu số thì có thể chấp nhận được câu chuyện bà mẹ chửi kẻ trộm bằng cách cầu mong cho họ được giàu có. Đây chỉ là một cách gửi gắm ước vọng giàu sang, khấm khá của người miền núi qua lời "mắng yêu" của bà cụ. Rồi đoạn sau bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm, có vẻ phi logic. Nhưng không phải khó gặp trong lối tư duy dân gian đôi khi chỉ cho hợp vần điệu. Chúng ta không nhận ra khi nó đã được chuyển ngữ và không biết ngôn ngữ gốc.
Nhưng dù sao thì các bài thơ chỉ mới dừng lại ở một câu chuyện kể. Nó không có sức gợi hay cao hơn là tầm tư tưởng vốn được kỳ vọng ở tác phẩm ăn giải cao.
Và bài thơ Làm rể cũng vậy. Đó chỉ đơn giản là một câu chuyện kể. Ở đó có chút ít không gian của sinh hoạt, tập tục người miền núi từ thời xa lắc xa lơ nào.
Tóm lại ở một cuộc thi, người ta kỳ vọng lớn thì những tác phẩm được sáng tác theo kiểu diễn nôm, hoặc dịch không khéo những nét văn hóa, phong tục người thiểu số được trao giải cao khiến gây nhiều hụt hẫng. Nhất là có nhiều người chỉ chửi theo phong trào thì càng khiến sóng dư luận ảo thêm dập dềnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn