Trước đó, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ" được trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 6 không quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX). Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết, qua ý kiến góp ý của một số đại biểu, cơ quan soạn thảo đã phân tích, đánh giá và nhận thấy "việc quy định điểm, trừ điểm GPLX vào dự luật là cần thiết".
Theo cơ quan này, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp GPLX đang bị buông lỏng, cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý phù hợp, nhất là việc chấp hành pháp luật của người lái xe. Các nước tiên tiến như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc đều có quy định trừ điểm GPLX đối với lái xe vi phạm, nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Việc trừ điểm GPLX cũng tương đồng với quy định quản lý nhà nước như trong lĩnh vực y tế, dược.
Pháp luật quy định biện pháp quản lý hành chính nhà nước tương tự thu hồi chứng chỉ hành nghề. "Đây sẽ là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông", Bộ Công an nêu.
Cũng theo Bộ Công an, biện pháp này giúp quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho đến quá trình chấp hành pháp luật, vi phạm, tái phạm. Trừ điểm GPLX còn nhằm cải thiện hành vi, nâng cao ý thức, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Về cách thức thực hiện, khi xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể để trừ điểm. Trường hợp GPLX còn điểm, người lái xe tiếp tục được phép điều khiển phương tiện. Sau 1 năm kể từ lần trừ điểm gần nhất nếu GPLX còn điểm thì được phục hồi 12 điểm.
"Việc này không tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân, vẫn quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe…", Bộ Công an cho hay.
Trước đó, tại Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông hồi tháng 4/2020, Bộ Công an đề xuất mỗi GPLX có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm trên hệ thống quản lý mỗi khi vi phạm giao thông. Trường hợp bị trừ hết điểm, GPLX bị coi không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp GPLX mới thì phải học và thi trong ít nhất 6 tháng kể từ ngày GPLX cũ hết hiệu lực.
Vào năm 2003, cơ quan chức năng cũng đã áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng cách "bấm lỗ". Nếu GPLX bị đánh dấu 2 lần thì tài xế phải thi lại "Luật Giao thông đường bộ" khi đổi GPLX.
Nếu bị đánh dấu 3 lần, GPLX sẽ hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp GPLX mới. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ. Theo Bộ Công an, việc bấm lỗ trên GPLX không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái lem nhem, thiếu thẩm mỹ. Ngoài ra, việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì tìm mọi cách "chạy" GPLX mới.
Đồng tình với việc trừ điểm trên GPLX, anh Nguyễn Văn Chung (32 tuổi, trú tại Thái Bình) cho rằng, có 2 điểm mà cơ quan chức năng cần lưu ý khi thực hiện quy định này. Đó là thay đổi thói quen và phân loại các nhóm hành vi vi phạm khi thực hiện.
"Nhiều người hiện nay vẫn quen với kiểu vi phạm, nộp phạt nên khi chuyển sang quy định mới, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, thực hiện từng bước để người dân thay đổi nhận thức. Bên cạnh đó, trong các lỗi dự kiến áp dụng trừ điểm, cơ quan chức năng cần chia thành các nhóm vi phạm cố ý và vô ý", anh Chung cho biết.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Lựu (35 tuổi, trú tại Hải Phòng) lại cho rằng, cơ quan chức năng cần nâng cấp hệ thống biển báo, vạch kẻ đường và các yếu tố khác giúp tài xế có thể quan sát tốt hơn, tránh vi phạm.
"Tôi lấy ví dụ ở các tuyến đường nội đô, các biển giới hạn tốc độ đôi khi được đặt ở các vị trí khó quan sát nên tài xế rất khó quan sát", chị Lựu chia sẻ.
Đồng tình với quy định trừ điểm trên GPLX, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho rằng từ trước đến nay, chúng ta chưa có hình thức nào để quản lý việc chấp hành quy định của các tài xế khi tham gia giao thông.
"Hiện nay, chúng ta chỉ đang dừng ở mức xử phạt, giữ giấy phép lái xe. Khi trừ điểm và quản lý vi phạm, chúng ta sẽ biết rằng trong đội ngũ lái xe của chúng ta, mỗi cá nhân đang ở ngưỡng nào, chấp hành tốt hay không chấp hành tốt quy định khi lái xe", ông Tạo phân tích.
Đánh giá việc trừ điểm trên GPLX là một đề xuất hay, theo ông Tạo, cơ quan chức năng cần cân nhắc nhiều yếu tố khi thực hiện để đạt được mục tiêu chung là giảm thiểu tai nạn giao thông.
"Thứ nhất là làm rõ thế nào là trừ điểm GPLX. Tôi ví dụ ở nước Đức, người ta sẽ cấp một số điểm nhất định với mỗi GPLX. Số điểm này được dùng trong cả thời gian GPLX đó có hiệu lực. Đối với những hành vi vi phạm giao thông, người ta sẽ quy định rõ xem hành vi này sẽ bị trừ bao nhiêu điểm.
Tiếp đó, cơ quan chức năng cũng sẽ quy định thời gian người vi phạm được phục hồi điểm, xóa lỗi. Ví dụ, chạy quá tốc độ bị trừ 3 điểm thì thời gian phục hồi, xóa lỗi sẽ lâu hơn những lỗi bị trừ ít điểm", ông Tạo chia sẻ.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, việc trừ điểm trên GPLX nên tập trung vào những hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, những hành vi bị cấm.
"Đây là giải pháp giáo dục hữu hiệu đối với tài xế, khắc phục được những nhược điểm của biện pháp xử phạt bấm lỗ, thu giữ bằng lái trước đây. Tuy vậy, cần cân nhắc cách thức tính điểm, trừ điểm, phục hồi điểm cho phù hợp với tình hình thực tế", ông Thủy nêu ý kiến.
Về mức điểm và cách thức trừ điểm, ông Thủy cho rằng, Bộ Công an cần nghiên cứu một cách phù hợp, công bằng, cần áp dụng công nghệ để đảm bảo các quy định, không gây phiền hà cho người dân trong quá trình xử lý.
Ngoài ra, việc xử lý vi phạm tai nạn giao thông cần đánh giá nhiều yếu tố để xem xét trừ điểm hay xử phạt hành chính.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn