Bẻ ngón tay thấy kêu răng rắc hay khớp gối kêu lục cục khi di chuyển không phải là tình trạng hiếm gặp. Đôi khi đây chỉ là dấu hiệu khớp bị cứng, áp lực được giải phóng bên trong khớp nhưng xương khớp kêu lục cục cũng có thể là dấu hiệu bệnh khớp hoặc vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn.
Tiếng khớp kêu răng rắc hay khớp kêu lục cục được mô tả là những âm thanh được nghe thấy từ bên trong khớp khi di chuyển. Vị trí thường xảy ra tình trạng này là ngón tay, đầu gối, hông, khuỷu tay, vai, ngón chân, cổ, mặt sau, cổ tay. Tùy từng tình trạng mà tần suất khớp kêu lục cục ở các vị trí sẽ khác nhau.
Theo Health, có một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới xương khớp kêu lục cục mà bạn có thể tham khảo:
Các khớp có thể bị cứng do viêm khớp hoặc giữ cố định một tư thế trong thời gian dài dẫn tới áp lực bị tích tụ trong các khớp. Khi chuyển động trở lại, bao khớp giãn ra làm giảm áp suất bên trong khớp đưa đến hiện tượng thoát các bong bóng khí (oxy, nitơ và carbon dioxide) nhỏ tích trong khớp và gây ra tiếng khớp kêu răng rắc hoặc lộp cộp.
Giai đoạn trơ ì này (refractory period - cơ thể bị kích thích nhưng chưa kịp phản ứng) có thể kéo dài khoảng 20 phút. Sau đó khớp sẽ giảm tình trạng cứng và việc di chuyển sẽ dễ dàng hơn.
Là tình trạng khớp mất tính ổn định, có thể xảy ra do rách dây chằng hoặc bong gân. Trong đó lỏng khớp gối là tình trạng khá phổ biến. Các khớp có thể phát ra tiếng kêu răng rắc hoặc xương khớp kêu lục cục khi di chuyển nếu chúng bị trật một phần (trật khớp), được gọi là bán trật khớp hoặc trật khớp toàn phần.
Tùy tình trạng lỏng khớp mà tiếng kêu ở khớp có thể thỉnh thoảng xảy ra hoặc trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, tiếng kêu ở khớp phát ra mỗi khi vận động.
+ Sụn khớp bị mòn hoặc tổn thương do chấn thương, thoái hóa khớp, viêm xương khớp: Sụn đóng vai trò như một lớp đệm giữa các bề mặt xương của khớp. Khi sụn bị mòn khiến xương cọ xát vào nhau và phát ra tiếng lục cục, lạo xạo.
Các dấu hiệu thoái hóa khớp bao gồm: Đau nhức khớp trong hoặc sau khi vận động; cứng khớp, đặc biệt là cứng khớp vào buổi sáng khi thức dậy; cảm giác nóng ran ở khớp kèm theo tiếng các khớp kêu lục cục, lách cách khi di chuyển; sưng tấy hoặc biến dạng cơ bị tổn thương. Theo thời gian có thể gây teo cơ, lệch khớp.
+ Khô khớp: Ngoài cứng khớp thì khô khớp do thiếu dịch bôi trơn khớp cũng có thể là nguyên nhân khiến xương khớp kêu lục cục. Thiếu dinh dưỡng dẫn đến bệnh loãng xương, giảm tiết dịch khớp; lười vận động, thừa cân, béo phì, tuổi cao... có thể làm tăng nguy cơ bị khô khớp.
+ Viêm bao hoạt dịch: Viêm bao hoạt dịch là tình trạng màng hoạt dịch bao quanh khớp bị viêm. Các khớp thường gặp phải tình trạng viêm bao hoạt dịch có thể kể đến như khớp vai, khớp gối, khớp háng và khớp cổ tay.
Viêm bao hoạt dịch khiến khớp bị khô và cứng, có thể phát ra tiếng kêu ở khớp, có cảm giác như khớp lỏng lẻo hơn khi di chuyển hoặc vận động. Đặc biệt, viêm nhiễm khiến vùng khớp sưng tấy, đau đớn khi ấn vào thậm chí là bầm tím tại khớp viêm.
+ Rách hoặc chấn thương sụn chêm: Rách sụn chêm là một trong những dạng chấn thương đầu gối thường gặp nhất khiến khớp gối lỏng lẻo và phát ra tiếng xương khớp kêu lục cục hoặc khớp kêu răng rắc. khi duỗi chân hoặc xoay vặn đầu gối.
Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị chấn thương dạng này, đặc biệt là những người chơi các môn thể thao tiếp xúc và va chạm mạnh thân dưới.
+ Hội chứng Plica: Hay còn gọi là tình trạng viêm nếp gấp hoạt dịch trong khớp gối do sử dụng quá mức khớp gối dẫn tới chấn thương. Hội chứng này khiến khớp gối bị đau nhức, giảm phạm vi chuyển động và phát ra tiếng kêu lục cục khớp gối.
+ Vôi hóa ổ khớp: Gây ra tình trạng khớp kêu lạo xạo hoặc lục cục khi vận động. Vôi hóa ổ khớp xảy ra khi canxi bị lắng đọng ở các mô sụn ở ở xương dưới sụn, phổ biến nhất là vôi hóa ổ khớp gối.
Canxi là khoáng chất chủ yếu cấu tạo nên xương. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể nhưng canxi lại tồn tại đến 99% trong xương, răng, móng; 1% còn lại có ở trong máu, tổ chức tế bào và dịch ngoài tế bào.
Vai trò của canxi không chỉ là giúp cơ thể phát triển xương, làm chắc xương, răng, chống loãng xương, còi xương, nhuyễn xương, mà còn giúp duy trì hoạt động của cơ bắp, thông máu, phát tín hiệu cho các tế bào thần kinh và giúp tiết chế một số kích thích tố (hormone). Ở người trưởng thành, xương thiếu canxi có thể làm tăng nguy cơ mất xương, loãng xương mà hậu quả là đau nhức, vận động khó khăn, nặng nề nhất là gãy xương khó hồi phục, dẫn tới tàn phế và tử vong sớm.
Có một số triệu chứng nhận biết cơ thể thiếu canxi cần chú ý như: Thường xuyên bị chuột rút; hay mệt mỏi, chóng mặt; các cơn đau nhức xương; móng tay yếu, mỏng giòn và dễ gãy; co thắt cơ khi ngủ; các vấn đề về đại tràng,...
Như vậy có thể thấy, xương khớp kêu lục cục không nhất thiết là dấu hiệu của việc thiếu canxi, nhưng thiếu canxi có thể là một trong nhiều nguyên nhân gây ra các vấn đề về xương khớp. Cần thăm khám bằng các xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh và đánh giá mật độ xương để chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Tùy từng tình trạng mà điều trị khớp kêu lục cục hay lạo xạo ở khớp sẽ có sự khác biệt. Vận động là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng khớp kêu lục cục hoặc bị tổn thương. Một số loại bài tập có thể giúp ích cho các loại viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp gối như: Bài tập aerobic, bài tập dưới nước, luyện tập thăng bằng, bài tập cải thiện cơ lõi,...
Nhẹ nhàng kéo giãn khớp bị ảnh hưởng và các cơ xung quanh có thể làm giảm tiếng kêu ở khớp nhờ giảm độ cứng khớp. Đồng thời khi vận động thể thao, cố gắng bảo vệ các khớp thường xuyên sử dụng để tránh nguy cơ chấn thương.
Một số thực phẩm tốt cho xương khớp có thể được thêm vào chế độ ăn như một cách hỗ trợ nếu bạn đang thắc mắc ăn gì tốt cho khớp, có thể kể đến như: Thực phẩm giàu omega-3 (cá hồi, hạ lanh, hạt chia), các loại quả mọng, các loại rau có lá màu xanh thẫm, các loại nấm, các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa, đậu phụ,...
Mặc dù tiếng xương khớp kêu lục cục không phải là một tình trạng đáng lo ngại nhưng nếu khớp không chỉ phát ra tiếng răng rắc hay lạo xạo mà còn kèm theo đau đớn dữ dội, sưng đỏ, yếu cơ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và vận động thì cần thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân là gì. Đây có thể là dấu hiệu của trật khớp hoặc rách dây chằng hay gân. Trật khớp là tình trạng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp với các dấu hiệu nhận biết trật khớp như sau:
- Vùng da ở khớp bị bầm tím, sưng nề rõ rệt.
- Cảm giác đau và cứng khớp, khi di chuyển sẽ khiến cơn đau nghiêm trọng hơn. Dù dù cố ý kéo hay đẩy khớp về vị trí bình thường thì khớp vẫn sẽ bật trở lại tư thế trật.
- Hõm khớp bị rỗng, thường gặp ở khớp vai hoặc khớp khuỷu. Đồng thời thấy chòm xương bị trật gồ lên trên.
- Biến dạng cơ thể nếu bị trật khớp háng, trật khớp vai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn