Hồi chuông cảnh báo về đại dịch
Covid-19 vẫn đang là nỗi ám ảnh đáng sợ của mọi người dân trên thế giới. Trung Quốc, nơi khởi nguồn của Covid-19, đã phần nào kiểm soát thành công được đại dịch. Giờ đây, mỗi ngày Trung Quốc chỉ ghi nhận vài chục người nhiễm mới, con số vô cùng nhỏ so với kỷ lục hơn 14.000 ca mà quốc gia này ghi nhận ngày 13/2.
Từ một trong những quốc gia tự tin có thể ngăn cản được dịch Covid-19, giờ đây Ý đã trở thành tâm điểm của đại dịch tại châu Âu và là quốc gia có số ca dương tính với SARS-CoV-2 nhiều thứ hai thế giới với 74.386 ca.
Giới phân tích cho rằng Ý đang rơi vào cuộc suy thoái sâu rộng nhất do dịch Covid-19. Trong ngày 25/3, nước này ghi nhận thêm 683 ca tử vong, 5.200 ca nhiễm bệnh mới. Số ca tử vong do Covid-19 ở Ý tiếp tục tăng đáng lo ngại, lên con số 7.503 người, tức là gấp hơn 2 lần con số tương ứng của Trung Quốc đại lục (3.281 người). Ý đang là quốc gia có tỷ lệ người chết vì viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 cao nhất thế giới, gấp 12 lần trung bình toàn cầu.
Việc quốc gia phát triển hàng đầu "lục địa già" trở thành một ổ dịch khiến rất nhiều người cảm thấy bất ngờ. Chỉ mới 1 tháng trước, với 3 ca nhiễm, Ý không hề lo lắng, thậm chí là tự tin rằng Covid-19 sẽ không gây ảnh hưởng gì tới nước này. Giờ đây, "đất nước hình chiếc ủng" có số ca tử vong do Covid-19 tăng đáng lo ngại.
Theo Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm và rối loạn miễn dịch thế giới (Waidid), nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự không thống nhất trong các phương pháp điều trị trên toàn lãnh thổ Ý. Mặt khác, sự yếu kém trong khả năng truy xuất nguồn gốc nhiễm bệnh đối với các trường hợp dương tính không có triệu chứng và không được xét nghiệm nhanh đã đẩy nhanh tình trạng lây lan dịch bệnh ở quốc gia này. Ngoài ra, từ trước khi chính phủ Ý tiến hành phong tỏa toàn quốc, nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng đã được tự do đi lại.
Sự bùng phát dịch trên diện rộng và khó kiểm soát thực sự khiến ngành y tại Ý quá tải, từ thiếu hụt nhân lực, cơ sở vật chất, cho đến vật tư y tế. Tờ Business Insider cho biết, một số bác sĩ đã phải "chọn lựa bệnh nhân để điều trị" vì số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng không ngừng.
Những bác sĩ làm việc theo ca thậm chí còn phải gánh cả phần việc của các đồng nghiệp không may mắc bệnh, khiến họ chịu áp lực lớn. Mặt khác, dân số già chính là gánh nặng của Ý trong cuộc chiến chống Covid-19 bởi đây chính là đối tượng dễ bị virus corona tấn công nhất.
Công đoàn hưu trí Ý (Spi-CGIL) kêu gọi chính phủ, Cơ quan Bảo vệ dân sự, các vùng, các thành phố cần sớm triển khai các sáng kiến, biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19 tại các viện dưỡng lão, tránh kịch bản xấu nhất.
Tung gói cứu trợ kinh tế thứ 2 trị giá 25 tỷ euro
Một mối lo ngại lớn nữa cho Ý vào lúc này là số người nhiễm và tử vong vì dịch Covid-19 đã bắt đầu gia tăng tại các tỉnh miền Trung và miền Nam Ý. Các dấu hiệu mới làm dấy lên quan ngại hệ thống chăm sóc y tế của vùng này, vốn không được trang bị tốt như phía Bắc giàu có, có thể sẽ sớm bị quá tải.
"Đến lúc này có một nguy cơ là bi kịch của Lombardy sẽ trở thành bi kịch của vùng phía Nam. Chúng ta đang trên bờ vực của một sự lây lan khó kiểm soát", ông Vincenzo De Luca, lãnh đạo của vùng Campania quanh Naples, viết trong lá thư công khai gửi đến Thủ tướng Giuseppe Conte. Ông Luca than phiền rằng chính quyền trung ương đã không cung cấp đủ lượng máy thở và các thiết bị y tế thiết yếu khác cho vùng này.
Để ngăn dịch lây lan, chính phủ Ý đã thực thi các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt toàn quốc từ 2 tuần nay, bao gồm cấm người dân đi lại giữa các khu vực và chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết như mua lương thực, thuốc men, các nhà hàng và cơ sở kinh doanh không thiết yếu đều phải đóng cửa đến đầu tháng 4.
Ngày 23/3, chính phủ đã đóng cửa tất cả các doanh nghiệp không được coi là thiết yếu đối với chuỗi cung ứng quan trọng của quốc gia. Thủ tướng Giuseppe Conte vừa nâng mức phạt đối với người chống lệnh cách ly từ 400 euro lên 3.000 euro. Ý đang trong tình trạng phong tỏa đất nước và ông Conte hy vọng sẽ dập dịch càng sớm càng tốt để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Ông Conte cho biết, ngoài việc gấp rút đặt mua các thiết bị y tế và đồ bảo hộ, chính phủ nước này cũng sẽ sớm tung ra một gói cứu trợ kinh tế thứ 2 trị giá 25 tỷ euro để cứu các công ty và người lao động nước này. Ông Conte cũng tự tin tuyên bố Ý sẽ không phải kéo dài lệnh phong tỏa đến tận cuối tháng 7 như lo ngại.
Giới chuyên gia đánh giá, lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước được dự đoán sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế Ý, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Ý sẽ giảm khoảng 2% trong năm 2020. Cú đánh vào GDP sẽ lớn hơn rất nhiều nếu lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước được kéo dài đến cuối tháng 6. Ngoài ra, ngành du lịch Ý có thể mất khoảng 8,3 tỷ USD doanh thu do dịch Covid-19.
Ý - Đất nước được mệnh danh là cái nôi của nền văn minh châu Âu - vẫn đang cố gắng từng ngày vượt qua thảm họa này. Với những thành công đạt được ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, cùng với sự hỗ trợ không ngừng từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và những quốc gia khác, mong rằng Ý và cả thế giới sẽ sớm vượt qua được đại dịch này.
Đại dịch đã lây lan ra 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tổng số ca mắc bệnh Covid-19 là 468.644 người, số ca tử vong là 21.191 người.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn