PGS.TS Đào Duy Hiệp, nguyên giảng viên khoa Ngữ Văn trường ĐHKHXH&NV, là người thường đưa ra những nhận xét có tính chuyên sâu về cái được và chưa được cho đề thi môn Ngữ Văn sau các kỳ thi tuyển sinh ĐH&CĐ.
Lần này, trước đề thi Ngữ văn vào lớp 10 chuyên (khóa đầu tiên tuyển sinh) tại ngôi trường mình đã từng gắn bó nhiều năm, thầy Đào Duy Hiệp cũng đã có ý kiến riêng của mình. Thầy nói ra những ý kiến này với mong muốn "trường sẽ có một đội ngũ trí thức thực sự, được rèn luyện để có những suy nghĩ độc lập thực sự, có phản biện của chính mình, chứ không phải nơi ươm gà nòi, nơi học vẹt lại những giáo điều đã cũ, trả bài thuộc lòng qua các kì thi".
Thầy Đào Duy Hiệp cũng nhấn mạnh, muốn có được một thương hiệu Trường Chuyên như vậy, phải nghiêm túc ngay từ khâu ra đề, giáo trình giảng dạy, người dạy...
Dù hiện tại cũng có nhiều ý kiến cho rằng đề thi Ngữ Văn này có thể tìm được những học sinh cá tính, sâu sắc. Cũng không ít ý kiến khác cho rằng đề thi khó hoặc có những bất cập với học sinh lớp 10. Nhưng ý kiến của thầy Đào Duy Hiệp thì lại có một góc nhìn rất khác.
Xin trích đăng về phần nhận xét đề thi Ngữ văn vào lớp Chuyên trường ĐHKHXH&NV năm nay của PGS.TS Đào Duy Hiệp:
"Câu 1 - "Nghị luận xã hội: "Phải chăng lắng nghe người khác là đánh mất cơ hội thể hiện bản thân?". Trước câu hỏi này, học sinh sẽ phải đặt ra vấn đề: mình và "người khác". Vậy, "người khác" ở đây là ai? Có phải tất cả những người ngoài mình không? Bạn bè, thầy cô, người dưng, thậm chí cả anh chị em ruột thịt, cha mẹ liệu có phải đều là "tha nhân", ngoài mình hay không?
Với các cháu 15, 16 tuổi, cái tuổi đang phát triển tâm, sinh lí, đang muốn "thể hiện mình", thì đề thi như thế này dễ gây hiểu lầm do lỗi Sư phạm. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, khá ương ngạnh này, rất khó để các cháu đủ tinh tế, đủ từng trải để "lắng nghe người khác" mà vẫn không "đánh mất cơ hội thể hiện bản thân".
Đa phần các cháu chỉ muốn "thể hiện bản thân" theo ý cá nhân. Ví dụ: một học sinh nam thích chơi game, say mê chơi, muốn "chiến" với bạn bè, liệu học sinh này có "lắng nghe người khác" khuyên nhủ để "đánh mất cơ hội thể hiện bản thân" không? Cũng như, một học sinh nữ, thích tô son, nhuộm tóc, ăn mặc theo mốt để "thể hiện bản thân" thì sẽ thế nào trước lời khuyên của cô giáo, của gia đình? Hay cháu chỉ "lắng nghe" trước mặt, vì sợ bị kỷ luật, bị mắng, nhưng vẫn "thể hiện bản thân" ở chỗ khác ? (Nên lấy một câu nói của danh nhân nào đó làm đề thi để vừa đủ tin cậy về sự chặt chẽ của tư duy, vừa đúng nguyên tắc trường quy hơn).
Câu 2 - Trích câu nói của Xuân Quỳnh: "Thơ đối với cuộc sống ví như người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh". Và câu lệnh: "Từ trải nghiệm văn học của bản thân, em hãy bàn luận về ý kiến trên".
Câu "Nghị luận văn học" nhưng không có văn học, hoặc nếu cố tình bắt nó có văn học thì lại sai.
Trước hết, ta có công thức từ câu nói trên: thơ = người con gái; người con gái hoặc có nhan sắc (chỉ để làm quen) hoặc có đức hạnh (để sống với nhau lâu dài). Như vậy, sẽ có thơ "nhan sắc" và có thơ "đức hạnh"!? Học sinh sẽ phải phân biệt ra nội hàm của 2 khái niệm không hề có tính văn học này, bởi chỉ có thơ hay hay không hay không có thơ "nhan sắc" và thơ "đức hạnh"!
Nếu cứ tạm hiểu thơ "nhan sắc" là thơ có những từ ngữ lấp lánh, lung linh, nói tóm lại là thơ đẹp, thì những "Tràng giang", "Lời kỹ nữ", "Ông đồ", "Tiếng thu", "Mưa xuân", v.v. có phải là thơ chỉ "để cho người ta làm quen" không? Còn thơ "đức hạnh" có phải là thơ tốt, có đạo đức, có lập trường vững vàng, hoặc thương người, ví dụ (tôi bịa): Thương thay tổ trưởng Phường ta/ Vừa sống rất khỏe đã ra từ trần! Tôi khẳng định là 2 câu thơ trên của tôi rất "đức hạnh", chỉ có mỗi tội nó không phải là thơ! Đã phi thơ thì có "sống với nhau lâu dài" được không?
Tôi rất quý Xuân Quỳnh cũng như vô cùng đau xót về sự ra đi bất ngờ của gia đình chị, nhưng từ một phạm trù đời sống của người phụ nữ, chị đưa nó sang thơ theo ý "văn dĩ tải đạo", "nội dung quyết định hình thức", "tốt gỗ hơn tốt nước sơn...", thì có lẽ chỉ đúng khi nói chuyện vui với nhau, thì được. (Tôi rất mong bạn nào có bài hoặc đường link của "Văn nghệ Quân đội", 9/1973 làm ơn cho tôi xin để biết được ngữ cảnh của câu nói. Xin cảm ơn). Tôi nói chỉ đúng khi nói vui là bởi, trong Thơ, hình thức chính là nội dung. Hình thức (thể thơ, nhịp điệu, cách gieo vần,...), hoặc ngay âm vang của một từ trong một bài thơ hay là không thể thay thế bằng một từ khác có nghĩa tương đương.
Ví dụ: không thể thay thế "sông dài" trong "Sóng gợn tràng giang..." ; không thể thay thế "biên giới" trong "Rải rác biên cương..."; không thể thay thế "hai năm mươi" trong "Trăm năm trong cõi người ta" được! (Bởi vậy, nói thêm, thơ "dịch" từ tiếng Việt ra tiếng Việt đã không thể, thì thơ dịch từ tiếng nọ sang tiếng kia càng không thể. Không nhớ ai đã nói đại ý: đọc một bản dịch giống như chiêm ngưỡng người đẹp qua một tấm rèm. Có được một người đẹp mờ mờ nhân ảnh thế còn hơn không có gì! Đành chấp nhận tạm vậy). Tôi không hiểu với lứa tuổi của các cháu thì đã "trải nghiệm văn học của bản thân" như thế nào để làm được câu này?
Tóm lại, có người con gái nhan sắc, có người con gái đức hạnh. Nếu được cả hai trong một thì càng quý. Nhưng không có thơ "nhan sắc" hay thơ "đức hạnh".
Việc ra đề thi ở những kỳ thi quan trọng hoặc có tính dấu mốc luôn có nhiều ý kiến trái chiều là điều vẫn xảy ra. Tuy nhiên, cách nhìn nhận dưới góc nhìn của người có chuyên môn cao như PGS.TS Đào Duy Hiệp cũng là một góc nhìn đáng lưu ý.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn