"Quay rồi đem lên mạng chỉ để câu "like". Đó là hành động cần phải nghiêm trị để bảo vệ nhân phẩm cho người bị hại" - một người tên Lê Hào bức xúc khi được hỏi.
Không ít người có quan điểm như anh Hào.
Xem lại clip sẽ thấy, đối tượng nhiều lần tìm cách uy hiếp cô gái để thực hiện hành vi hiếp dâm có thời gian kéo dài tới 6 phút. Trong thời gian đó, cô gái luôn chống cự, van xin và tìm cách thoát ra. Còn đối tượng khi thì dụ dỗ, lúc đe dọa, đánh và dùng cả hung khí uy hiếp để mong thực hiện được mục đích của mình. "Với khoảng thời gian dài như vậy, hành động đối tượng ngày càng nguy hiểm hơn, thậm chí đe dọa cả tính mạng của cô gái mà người quay có vẻ như thản nhiên quay mà không có hành động gì để cứu giúp người bị hại là không chấp nhận được" - bà Trần Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN quận 5 (TPHCM) - có ý kiến. Bà nghi vấn: "Quay xong rồi đăng lên mạng xã hội. Đăng để làm gì? Kêu gọi sự cứu giúp của cộng đồng hay chỉ để câu "like"? Cơ quan công an cần làm rõ mục đích của anh này".
"Tôi không chấp nhận hành vi ghi lại toàn bộ vụ việc của người quay!" - Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia - không ngần ngại bày tỏ quan điểm cá nhân ngay sau khi xem clip. Theo tiến sĩ Thúy, đây là tình huống gây nguy hiểm cho người phụ nữ trong hoàn cảnh không có gì để tự vệ. Chỉ cần 1, 2 phút thôi, anh ta có thể biết được, đây có thể là hành vi hiếp dâm mà anh ta vẫn quay. Như vậy là anh ta không coi trọng sự an toàn của con người, đặc biệt đây là phụ nữ. "Nếu anh ta có lương tri, có hiểu biết, thì anh ta dừng quay ngay lập tức và tìm cách cứu phụ nữ đó bằng cách tri hô hay làm thế nào để đối tượng dừng hành động lại. Nhưng anh ta lại không làm. Anh ta sai về mặt đạo đức con người. Và ở góc độ tâm lí còn cho thấy, người quay bị chi phối, thôi thúc bởi tâm lí tò mò về dục tính" – Tiến sĩ Thúy phân tích thêm.
Tuy nhiên, theo luật sư Võ Thanh Khương (Hãng Luật Logic và Cộng sự, Đoàn luật sư TPHCM) có góc nhìn khác. Luật sự cho rằng, pháp luật không có quy định chế tài để xử lí người quay đối với hành vi như trong clip. Hành vi đó chỉ mới "bỏ người khác trong cảnh nguy hiểm". Trong khi pháp luật quy định, chỉ chế tài trong trường hợp "không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" quy định tại Điều 132 của Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đó là "người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm". "Như vậy chỉ có trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng và phải bao gồm 2 yếu tố là "tuy có điều kiện mà không giúp" và "dẫn đến người đó chết" thì mới xử lí hình sự" – Luật sư Khương phân tích và có ý kiến thêm, việc quay clip mặt nào đó có ích khi đã giúp cơ quan chức năng có nguồn chứng cứ, góp phần phát hiện tội phạm để xử lí theo quy định pháp luật. Còn xét về góc độ đạo đức, việc ghi hình trong tình huống chưa đến mức gây hậu quả và thiệt hại nghiêm trọng đối với người bị hại. Do đó, hành động của người quay là chấp nhận được. Trong tình huống người bị hại không còn khả năng chống cự dẫn đến hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác thì người quay mới đáng bị chỉ trích. "Xét về nhiều góc độ khác nhau, hành vi của người quay clip không có gì là quá đáng hay vô tâm hoặc vi phạm pháp luật cả" – Luật sư Khương khẳng định.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng Luật Hưng Yên, Đoàn Luật sư TPHCM) cũng đồng ý với ý kiến của luật sư Khương, đồng thời phân tích thêm: "Người quay vào thời điểm 1, 2 giờ sáng và chưa biết việc gì xảy ra, lo ngại dàn cảnh, khi người quay ra khỏi nhà để can thiệp là hợp lý. Pháp luật hiện nay cũng chỉ mới quy định phải cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có khả năng cứu giúp thôi. Do vậy, người quay clip không vi phạm pháp luật. Quay để đưa ngành chức năng làm bằng chứng thì không coi là vi phạm pháp luật".
Không đồng tình với 2 luật sư trên, luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Chi hội luật sư thuộc Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM, có góc nhìn khác. Vị này đặt vấn đề, có hơn 6 phút cho sự việc (theo thời lượng của clip). Như vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ, với khoảng thời gian đó, một người quay có đủ để báo gọi cho công an hay không? Trong lúc quay, ngoài người quay còn có ít nhất 1 người nữa bên cạnh khi âm thanh trong clip cho thấy tại vị trí quay có ít nhất 2 giọng người trao đổi với nhau (1 nam, 1 nữ). Vậy, cứ cho là người quay bận thu toàn bộ hình ảnh để làm bằng chứng nhưng tại sao người quay không nhờ hay yêu cầu người nhà tìm cách báo công an. Người quay có đủ thời gian và có đủ năng lực hành vi. Trong khi người bị hại đang ở trong tình huống cấp bách. "Tôi điểm ra một tình huống sẽ thấy, khi đối tượng dùng tuốc nơ vít đe dọa và trong clip cũng có tiếng nói một người nữ ở gần vị trí quay thốt lên: "Tội nghiệp cho cô ấy quá!". Như thế không đủ để người quay sực tỉnh, nghĩ tới việc cô gái sẽ bị uy hiếp đến tính mạng hay không? Hình ảnh trong clip cũng cho thấy, có người ở trong hẻm đi ngang. Lúc đó sao người quay không lợi dụng để hô hoán hay làm gì đó để can thiệp? Cơ quan cảnh sát điều tra cần phải triệu tập người này để làm rõ có "che giấu tội phạm" hay không?" - luật sư Thanh nêu ý kiến.
Dù ý kiến trái ngược nhau về hành vi quay clip có phạm tội hay có phù hợp hay không, nhưng các luật sư cũng như các chuyên gia và giới bảo vệ quyền phụ nữ đều cho rằng, hành vi tung clip lên mạng của người quay "kêu gọi sự ủng hộ để giải quyết" là hoàn toàn không chấp nhận được. Luật sư Nguyễn Văn Quynh nói: "Người quay đăng tải clip lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của người bị hại (hoặc người giám hộ). Và việc này làm tổn hại đến cô gái trong clip thì tùy mức độ bị coi là vi phạm pháp luật". "Còn theo tôi, luật An ninh mạng có hiệu lực rồi. Hành vi của người quay cần phải được xử lí bằng biện pháp chế tài đúng quy định luật pháp để tạo sự răn đe cho cộng đồng. Vì khi hình ảnh đáng thương của cô gái bị hại trong clip được phát tán nhanh chóng trên mạng như vậy, nhân phẩm của cô và tinh thần của gia đình cô bị tổn hại nghiêm trọng" - Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, Chuyên gia tham vấn tâm lý, nhận xét.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo PNVN, gia đình người bị hại rất đau lòng khi sự việc đổ ập xuống người thân. Cô gái vốn có bệnh tâm thần, qua sự việc này, bệnh của cô càng xấu hơn. Nhất là hình ảnh đáng thương của cô được phát tán nhanh chóng trên mạng xã hội trước khi ngành chức năng yêu cầu tháo gỡ đã gây tổn thương lớn về mặt tinh thần, danh dự cho gia đình. Hiện gia đình đã đưa cô gái đến một nơi yên tĩnh để chăm sóc. Trước những tổn hại cho cô gái cũng như người thân của cô, gia đình mong muốn, ngành chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ, xử lí đúng người, đúng tội.
18 giờ ngày 20/4, phóng viên báo PNVN đến khu vực cô gái bị xâm hại. Đường Lão Tử ngắn, nhỏ, có rất ít phương tiện lưu thông. Nhiều nhà đóng cửa, không ra ngoài tuân thủ biện pháp chống dịch. Khu vực hẻm số 10 và trước nhà của người quay clip không có ai hiếu kì. Anh T.C.H. (43 tuổi; người quay clip) tiếp phóng viên với tâm trạng bình tĩnh. Anh nói: "Tôi không muốn tiếp xúc với ai và trả lời bất cứ điều gì cả. Tôi muốn được yên tĩnh và không bị làm phiền".
"Anh mong bản thân được bình yên. Nhưng giá như, khi đối tượng vừa biểu hiện hành vi, cô gái phản kháng, thảng thốt trong tuyệt vọng, anh trắc ẩn đặt camera (điện thoại) xuống, rồi chỉ cần ném vật gì ra ngoài cửa sổ để có tiếng động thôi. Có khi bình yên thật sự đã đến với cô gái, với anh và với cả người có hành vi hiếp dâm như lời anh mong muốn" - một luật sư sau khi biết được ý kiến của anh T.C.H đã thốt lên như vậy.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn