Những tiến bộ của Y học Việt Nam
Trong những năm qua, ngành y tế Việt Nam đã có nhiều đổi thay rõ rệt, y tế cơ sở ngày càng phát triển, tỷ lệ người dân đến thăm khám tại trạm y tế tăng cao. Nhiều ca bệnh khó được chữa khỏi, một số kỹ thuật mới trên thế giới được cập nhật, thậm chí có kỹ thuật chỉ Việt Nam mới có khiến không ít chuyên gia nước ngoài đến học hỏi.
Cụ thể, năm 2011 BV Bỏng Quốc gia đã ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tổn thương bỏng sâu và tạo hình sẹo bỏng, khuyết hổng mất da. Kỹ thuật này điều trị hiệu quả cho những trường hợp bị bỏng hơn 90% diện tích cơ thể, bỏng sâu đến 55%, giảm tỷ lệ tử vong xuống còn 1,5%. Kỹ thuật này của BV đã được Bộ Y tế xếp là một trong 10 thành tựu y - dược học Việt Nam trong năm.
Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống. Ca ghép diễn ra ngày 21/2/2017, do các bác sĩ BV Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Thành công ca ghép phổi đầu tiên đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên tầm cao mới. Sau đó, BV Việt Đức cũng đã ghép phổi thành công cho 2 bệnh nhân, hiện tại các bệnh nhân đã trở về gia đình và có thể hoạt động bình thường.
Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên các chuyên gia Việt Nam thực hiện ghép phổi thành công và tiến hành lấy đồng thời 6 tạng từ cùng một người cho chết não để ghép cho 5 bệnh nhân. Theo đó, ngày 12/12/2018, kíp mổ đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam đã thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não và đã tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận) và kết hợp điều phối "xuyên Việt" 1 thận cho bệnh nhi ở TP Hồ Chí Minh.
Hiện nay, dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới gây bệnh tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm hơn 70.000 người mắc, trong đó hơn 2.500 trường hợp đã tử vong. Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận 16 trường hợp mắc, hàng ngàn trường hợp được cách ly, theo dõi. Chính phủ cùng cả hệ thống chính trị đã phải vào cuộc quyết liệt, thậm chí phong tỏa xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) để ngăn ngừa bệnh lây lan. Trước tình hình cấp bách ấy, để giúp giảm thời gian chờ kết quả xét nghiệm, ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus Corona mới, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm. Đây là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine phòng, chống loại virus này trong tương lai.
Không chỉ các BV tuyến TƯ, với sự chuyển giao kỹ thuật của các BV tuyến trên, hiện nay nhiều BV tuyến dưới đã thực hiện thành công các ca phẫu thuật phức tạp như điều trị ung thư, phẫu thuật robot, ghép tạng. Năm 2019, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ của BV Việt Đức, BV Đa khoa Phú Thọ trở thành BV tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện ghép thận không cùng huyết thống và nhóm máu.
Lấy người bệnh làm trung tâm
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, các thầy thuốc của Việt Nam hiện nay đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua các nước có nên y học tiên tiến. Điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán...
Sự phát triển về kỹ thuật y tế này không chỉ giúp bệnh nhân trong nước hưởng lợi mà còn thu hút nhiều Việt kiều về nước điều trị. Theo thống kê, năm 2019 Bv các tuyến đã thăm khám và điều trị cho 90. bệnh nhân người nước ngoài. BV tuyến TƯ được người nước ngoài tìm đến khám chữa bệnh nhiều nhất như BV ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh, BV Chợ Rẫy, BVĐK TƯ Huế cơ sở, BV Phổi TƯ, BV Bạch Mai,… Các bệnh nhân chủ yếu điều trị các bệnh về da, viêm phổi, viêm phế quản, chấn thương do tai nạn giao thông, gãy xương, khám sức khỏe, sản phụ khoa, ung bướu, tim mạch.
Khi sử dụng các dịch vụ y tế, điều khiến nhiều người dân băn khoăn là chi phí khám chữa bệnh, bởi có những trường hợp chi phí điều trị vượt quá sức với gia đình bệnh nhân. Và BHYT đã trở thành "chiếc phao cứu sinh" cho nhiều người dân không may mắc trọng bệnh. Thực tế, có những bệnh nhân bị bệnh ung thư, bệnh về máu,... đã được quỹ BHYT thanh toán từ vài trăm triệu lên đến hàng tỷ đồng. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đến nay tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam đã đạt khoảng 89,8% (năm 2019). Điều đáng mừng là tỷ lệ BHYT tăng nhanh hàng năm. Nếu như năm 2009, tỷ lệ BHYT chỉ đạt 45% thì năm 2015 đã tăng lên 71% và nay là gần 90%, trong đó có 24 tỉnh, thành có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt hơn 90% số dân.
Để có được kết quả ấy, là sự đầu tư nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của ngành y nói chung và các BV nói riêng. Trước đó, trao đổi với báo chí nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc củng cố hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân, bảo đảm để người dân được thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách Nhà nước và BHYT chi trả.
Việt Nam đã tiến hành cải tổ cơ chế tài chính, đầu tư hạ tầng và đào tạo lực lượng y, bác sĩ ở các trung tâm y tế cơ sở để bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho toàn dân. Đồng thời, các chính sách cải cách của Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu lấy người bệnh là trung tâm khiến người đi khám chữa bệnh ngày càng yên tâm và hài lòng. Theo kết quả nghiên cứu độc lập mới công bố gần đây, tỷ lệ bệnh nhân hài lòng với dịch vụ y tế ở Việt Nam là 81%.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với ngành y tế Việt Nam là tìm ra cơ chế tài chính phù hợp đối với công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân ở tuyến cơ sở bởi hiện các nguồn lực vẫn tập trung vào các dịch vụ chữa bệnh là chủ yếu trong khi ngân sách dành cho các dịch vụ y tế cơ sở và y tế phòng ngừa còn rất hạn chế.
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 345.000 nhân viên y tế, trong đó nữ chiếm trên 70%. Chỉ riêng số lượng bác sĩ là trên 55.000 người, tương ứng với tỷ lệ 7,2 bác sĩ/1 vạn dân, còn số y tá và hộ lý là 105.000 người, tương ứng 13 điều dưỡng, hộ lý/1 vạn dân. Số cán bộ y tế trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tới trên 50%; số cán bộ y tế có trình độ đại học chiếm khoảng 1/3 và số cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên khoảng 10%.
Theo thống kê, nhân lực ngành y phân bố không đều. Số lượng y bác sĩ có trình độ, tay nghề tập trung chủ yếu tại các TP. lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Tại vùng sâu, vùng xa, các BV tuyến dưới và các trạm y tế tại địa phương tình trạng thiếu y bác sĩ diễn ra từ lâu. Theo khảo sát mới nhất của Bộ Y tế tại 26 trạm y tế mô hình điểm cũng cho thấy, chỉ có 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Yên Bái có đầy đủ bác sĩ tại các trạm y tế. Còn 8/26 trạm y tế chưa có bác sĩ làm việc tại trạm tế; 9/26 trạm chưa có y sĩ y học cổ truyền, 7/26 trạm chưa có dược sĩ; cơ cấu chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu.
Tôi cho rằng, việc thăm khám ban đầu tại y tế cơ sở rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay nhân lực trình độ cao cho y tế cơ sở còn nhiều hạn chế. Thực tế, có những cơ sở y tế nhiều năm không tuyển nổi một bác sĩ đào tạo chính quy của các trường y dược, chứ chưa nói gì đến bác sĩ học tại Đại học Y Hà Nội. Bộ Y tế cũng có triển khai mô hình thí điểm đưa nhân lực trình độ cao về y tế cơ sở nhưng mới thực hiện được ở vài địa phương và bác sĩ cũng chỉ xuống đến BV huyện. Lý do các y bác sĩ trình độ cao không "mặn mà" về cơ sở là bởi thu nhập thấp, không có điều kiện trao dồi tay nghề. Vì vậy, họ tập trung ở các TP. lớn để phát triển sự nghiệp. Tôi đề nghị Bộ Y tế thời gian tới có thêm chính sách đưa nhân lực trình độ cao về cơ sở; đồng thời tham mưu đề xuất Chính phủ có thêm các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các y bác sĩ trình độ cao về công tác tại các trạm y tế xã, phường.
Bác sĩ Bùi Thị Thuy, Giám đốc Trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh
Lương của nhiều cán bộ y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, thậm chí người mới ra trường chỉ được 3-4 triệu đồng/tháng bao gồm cả phụ cấp. Với thu nhập như thế, các y bác sĩ sống ở TP. phải tằn tiện mới đủ chi tiêu. Trong khi đó, các y bác sĩ phải làm việc vất vả, có người trực 2-3 đêm/tuần.
Bản thân tôi, thời gian ở BV nhiều hơn ở nhà nên không có nhiều thời gian dành chăm sóc con cái và cho bản thân. Tôi cũng chẳng dám ra ở riêng, mà phải ở cùng bố mẹ để còn nhờ chăm sóc cháu. Do đó, tôi đề nghị ngành y có cách nào giảm bớt áp lực, thời gian trực cho các y bác sĩ; cải cách chế độ tiền lương theo hiệu suất công việc chứ không phải theo thâm niên như hiện nay. Khi chế độ tốt hơn thì các y bác sĩ sẽ an tâm cống hiến hơn.
Bác sĩ Đồng Thu Trang, Khoa Đẻ A2, BV Phụ sản Hà Nội
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn