Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do UBND tỉnh Yên Bái và TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động, phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế"; "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ" đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả tới 100% cơ sở Hội.
Trong giai đoạn 2017-2023, phong trào phụ nữ giúp nhau có địa chỉ giảm nghèo bền vững được tập trung chỉ đạo tới 100% cơ sở xã, phường, thị trấn với các hoạt động khảo sát, nắm danh sách, xác định nguyên nhân nghèo, xây dựng kế hoạch đăng ký giúp hộ nghèo, có xác nhận của chính quyền địa phương.
Bằng nhiều hình thức hỗ trợ, chị em đã giúp nhau 45.700 ngày công lao động, 42.383 cây, con giống các loại, 135 tấn gạo, ngô, lúa và trên 2 tỷ tiền mặt cho vay không lãi.
Kết quả đã có 4.727 hộ phụ nữ nghèo được công nhận thoát nghèo, ổn định cuộc sống, một số hộ đã vươn lên làm giàu và có điều kiện giúp đỡ các hộ khác cùng thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 12,92% (giảm 9,05% so với năm 2017).
Đồng thời, các cấp Hội đã tranh thủ khai thác, vận động nguồn lực ủng hộ xây dựng nhà "Mái ấm tình thương" cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ năm 2017 đến nay, đã vận động làm mới và sửa chữa được 154 nhà "Mái ấm tình thương" cho phụ nữ nghèo trị giá 4.677.800.000 đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Yên Bái đã phối hợp tổ chức 198 lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 5.700 lao động nữ, trên 3.100 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt…, xây dựng 513 mô hình sinh kế giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế có hiệu quả; ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ đến tháng 3/2023 là 1.335 tỷ đồng cho phụ nữ vay vốn; hỗ trợ trên 1.300 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp…
Đến nay, trong toàn tỉnh Yên Bái có 7.674 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, trong đó có 2.026 mô hình kinh tế có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, đã có hàng trăm mô hình có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên.
Các mô hình đã phát huy các giá trị sản phẩm bản địa, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây trồng vật nuôi có năng suất, thu nhập cao vào sản xuất, từ đó nhân rộng ra địa bàn, tạo sức lan tỏa đến cộng đồng.
Hiệu quả của mô hình được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân đánh giá cao. Từ đó đã nâng tỷ lệ thu hút hội viên lên 76,9%. Vai trò, uy tín của tổ chức Hội từng bước được nâng lên. Thông qua phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi" đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi.
Nhân dịp này, 50 điển hình phụ nữ tiêu biểu, xuất sắc trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu với mô hình có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm đã được biểu dương (trong đó, 10 điển hình được UBND tỉnh khen thưởng và 40 điển hình được Hội LHPN tỉnh khen thưởng). Đây là những cá nhân điển hình đã nỗ lực vươn lên trong lao động, sản xuất kinh doanh, trở thành những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ trong toàn tỉnh về phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội, từ thiện…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn