Tính đến ngày 30/6/2024, toàn tỉnh Yên Bái có 777 HTX, trong đó có 167 HTX do phụ nữ tham gia quản lý với 12.420 thành viên, chiếm 21,5% tổng số HTX.
Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch cộng đồng, đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng trên 2.000 lao động và hàng nghìn lao động thời vụ với thu nhập bình quân khoảng 5.000.000 đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, số HTX do phụ nữ tham gia quản lý hiện gặp một số khó khăn, hạn chế như số lượng HTX do phụ nữ tham gia quản lý hiện còn ít, nguồn lực nội tại của HTX còn yếu, chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra như vốn, tài sản, KHCN, năng lực lãnh đạo, quản lý...
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, Bà Trần Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đã giới thiệu Đề án "Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ tỉnh Yên Bái đến năm 2030" do UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 26/3/2024, trình bày các nội dung, nhiệm vụ của Đề án và đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm phối hợp để Đề án được thực hiện hiệu quả.
Ở phần tham luận, các chuyên gia, nhóm nghiên cứu đến từ Viện FNF đã trình bày nghiên cứu đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX do phụ nữ tham gia quản lý trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đánh giá điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức của việc phát triển HTX do phụ nữ tham gia quản lý dựa trên các nhóm chỉ tiêu: quy mô và kinh nghiệm, sử dụng lao động, quản lý tài chính, thị trường, quản lý nội bộ, phân phối và marketing cho sản phẩm... Nhóm nghiên cứu cũng đưa những đánh giá tổng hợp, các nhóm giải pháp cơ chế chính sách đối với một số mô hình HTX: HTX tổng hợp giun trùn quế Anh Tú (huyện Yên Bình), HTX nông nghiệp Quyết Tiến (huyện Trấn Yên), HTX Quỹ tín dụng nhân dân phường Nguyễn Phúc (TP Yên Bái).
Đại diện một số HTX tham luận tại Hội thảo, HTX Hiền Vinh (huyện Yên Bình), HTX sản xuất chè Suối Giàng (huyện Văn Chấn), HTX Gia Hưng (TP Yên Bái) đã chia sẻ kinh nghiệm, cách thức hoạt động, thành tựu đạt được của HTX, nhận định các khó khăn, hạn chế còn tồn tại đồng thời đưa ra kiến nghị đối với các cơ quan chức năng trong tư vấn, hỗ trợ xây dựng sản phẩm, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, quan tâm tập huấn, nâng cao trình độ cho hội đồng quản trị, thành viên hợp tác xã…
Phát biểu tại Hội thảo, TS Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Viện FNF Việt Nam khẳng định: Đề án "Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ tỉnh Yên Bái đến năm 2030" sẽ mở ra nhiều cơ hội đối với các HTX do phụ nữ tham gia quản lý. Qua các hoạt động nghiên cứu, phân tích, phỏng vấn chuyên sâu... nghiên cứu đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX do phụ nữ tham gia quản lý trên địa bàn tỉnh Yên Bái do nhóm chuyên gia Viện FNF thực hiện đã nhận định một số hạn chế, vấn đề đối với các HTX và đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX do phụ nữ tham gia quản lý trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Bên cạnh đó, TS Phạm Hùng Tiến kỳ vọng Viện FNF Việt Nam - với các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm - sẽ hỗ trợ khắc phục các hạn chế, phát huy hơn nữa vai trò, tiềm năng của các HTX cũng như góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án trên.
Bế mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái - ghi nhận, tiếp thu và giải đáp 7 ý kiến của chuyên gia, đại diện các HTX; đề nghị Liên minh HTX, các sở, ngành, UBND cấp huyện phối hợp hỗ trợ các HTX tháo gỡ các khó khăn, hạn chế trong quá trình hoạt động và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ tỉnh Yên Bái đến năm 2030" .
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm cũng khẳng định sự cần thiết, tầm quan trọng của Hội thảo và Nghiên cứu đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX do phụ nữ tham gia quản lý trên địa bàn tỉnh Yên Bái do nhóm chuyên gia Viện FNF thực hiện đồng thời đề xuất Viện FNF Việt Nam tiếp tục quan tâm phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho thành viên HTX, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm OCOP.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn