Vốn là những cư dân sống bằng nghề nông nghiệp, với trồng trọt và chăn nuôi làm kế sinh nhai chính, nhưng từ hàng chục năm trở lại đây, người dân tộc Dao ở xã Vũ Linh đã chuyển mình phát triển du lịch cộng đồng rất mạnh mẽ, đạt được nhiều thành quả khả quan.
Tại thôn Ngòi Tu, có hơn chục hộ gia đình làm mô hình du lịch homestay, mỗi tháng đón hàng ngàn lượt khác trong và ngoài nước về nghỉ dưỡng. Các dịch vụ như đón khách, cung cấp các dịch vụ đi lại, thăm quan, ăn ngủ, nghỉ... đều được người dân làm rất thuần thục, chuyên nghiệp.
Anh Tưởng Văn Hoàn, một trong những người tiên phong xây dựng mô hình du lịch homestay ở thôn Ngòi Tu, cho biết: Từ cách đây hàng chục năm, nhận thấy tiềm năng du lịch cộng đồng ở địa phương mình, tôi đã thuyết phục gia đình chuyển hướng làm mô hình homestay. Sau đó, thấy du khách rất thích khám phá văn hóa truyền thống của người dân tộc Dao, đặc biệt là khách nước ngoài, tôi đã vận động mọi người trong thôn tập trung khai thác các giá trị văn hóa truyền thống để đáp ứng nhu cầu của du khách".
Cho đến nay tại thôn Ngòi Tu, người dân chỉ dựng nhà sàn truyền thống, bài trí các đồ vật mang đậm bản sắc của dân tộc mình như khung dệt vải, công cụ lao động sản xuất, các bộ sách cổ của thầy cúng... Như vậy cũng trở thành những sản phẩm trưng bày phục vụ nhu cầu khám phá của du khách.
Đặc biệt, chị em phụ nữ người Dao ở thôn Ngòi Tu cũng đã thành lập đội văn nghệ, chuyên phục vụ biểu diễn cho du khách khi họ có nhu cầu. Để làm việc đó, chị em đã tổ chức phục dựng các làn điệu múa, hát dân ca truyền thống của người Dao, từ đó tập luyện thuần thục để biểu diễn mỗi khi du khách đến nghỉ dưỡng.
Cảnh sắc ở điểm du lịch Ngòi Tu
Chị Lý Thị Sung chia sẻ: “Hiện nay chị em trong thôn tham gia đội văn nghệ khá đông đúc, lên tới hơn 40 người. Chúng tôi chủ yếu khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời sáng tạo thêm các làn điệu mới cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu của du khách. Mỗi khi biểu diễn, chúng tôi đều nhận được sự cổ vũ của du khách. Nhờ đó mà mỗi chị em cũng có thêm nguồn thu nhập, mỗi đêm biểu diễn cũng được vài trăm nghìn/người, ai cũng phấn khởi”.
Du khách đến với thôn Ngòi Tu không chỉ được khám phá cảnh đẹp của vùng đất nằm bên bờ hồ thủy điện Thác Bà đầy thơ mộng, mà còn được thưởng thức những làn điệu dân ca, những điệu múa, điệu nhảy, tiếng nhạc của những người dân tộc Dao bản địa. Điều này đã níu giữ chân du khách, khiến nhiều người chọn quay trở lại với Ngòi Tu thêm nhiều lần nữa.
Ông Huỳnh Văn Tới, du khách đến từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: “Cái độc đáo ở bản du lịch này đó là nét văn hóa truyền thống. Họ đã vận dụng các phong tục tập quán, những thứ diễn ra trong đời sống lao động sản xuất, biến nó thành sản phẩm du lịch độc lạ, khiến du khách vừa muốn tò mò, vừa muốn khám phá trải nghiệm. Tôi và gia đình đã đến đây lần thứ hai rồi, thực sự nó là mô hình nghỉ dưỡng rất lý tưởng đối với chúng tôi”.
"Có thể nói, mô hình làm du lịch cộng đồng của người Dao ở thôn Ngòi Tu gặt hái được khá nhiều thành quả một phần do họ đã ứng dụng khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để tạo thành các sản phẩm độc đáo, mang đậm những nét riêng biệt, không phải nơi nào cũng có được. Từ đó họ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chi hội trưởng Chi Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Yên Bái, nhận định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn