Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu (THƯ VIỆN PHÁP LUẬT) tư vấn như sau:
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009, lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Theo Điều 4 Luật Lý lịch tư pháp 2009, nguyên tắc quản lý lý lịch tư pháp như sau:
- Lý lịch tư pháp chỉ được lập trên cơ sở bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; quyết định của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản đã có hiệu lực pháp luật.
- Bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân.
- Thông tin lý lịch tư pháp phải được cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý đầy đủ, chính xác theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin trong Phiếu lý lịch tư pháp.
Căn cứ vào quy định nêu trên và khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019, không có quy định nào bắt buộc người lao động phải nộp lý lịch tư pháp cho người sử dụng lao động. Miễn sao người lao động thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động là được.
Đặc biệt, tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Lao động 2019, Nhà nước nghiêm cấm việc phân biệt đối xử trong lao động. Do đó, nếu người sử dụng lao động dựa vào lý lịch tư pháp của người lao động để phân biệt đối xử (như là: không tuyển dụng người có án tích, trả lương thấp cho người có án tích,…) thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn