"Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì" nhắm đến những người trẻ

16:05 | 17/11/2021;
Chiến dịch triển khai từ nay đến 15/12 nhằm nâng cao nhận thức về dự phòng HIV và loại bỏ những kỳ thị liên quan đến HIV, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2021.

Ngày 17/11, Cục Phòng, Chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC US), Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về HIV/AIDS (PEPFAR), Tổ chức Hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) chính thức khởi động chiến dịch về dự phòng HIV tại Việt Nam với chủ đề “Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì”.

"Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì" nhắm đến những người trẻ - Ảnh 1.

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), thông tin tại chiến dịch

Chiến dịch "Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì" quảng bá các biện pháp dự phòng HIV mới nhất - so sánh sự tương phản giữa những khó khăn của tình yêu với sự dễ dàng, an toàn và hiệu quả trong việc áp dụng các phương pháp mới nhất hiện nay trong sử dụng các thuốc kháng virus để dự phòng HIV. 

Chiến dịch giúp thúc đẩy nhận thức của người dân nói chung và nhóm người trẻ có hành vi nguy cơ cao rằng: với những loại thuốc an toàn và hiệu quả trong dự phòng lây truyền HIV, không có lý do gì để e ngại khi biết về tình trạng HIV của một ai đó; và chiến dịch cũng muốn chuyển tải thông điệp là: chúng ta đang sống trong một thời đại khi mà tình trạng HIV không còn là vấn đề gây cản trở khi nói về các mối quan hệ, tình yêu và chăm sóc sức khỏe. 

"Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì" nhắm đến những người trẻ - Ảnh 2.

Các khách mời tại tòa đàm

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), chia sẻ về bối cảnh xã hội của chiến dịch này: "Trong gần 40 sự kiện mà Cục cùng các đối tác thực hiện, có một chiến dịch quan trọng  "Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì" nhắm đến những người trẻ, đặc biệt là những người đang có nguy cơ cao đối với HIV. Chiến dịch này quảng bá một thông điệp then chốt là: hiện nay, việc phòng ngừa và điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV) là an toàn và hiệu quả hơn bao giờ hết… Vì thế, mọi người có nhu cầu cần tiếp cận dịch vụ này càng sớm càng tốt để được tư vấn và nhận dịch vụ".

Chiến dịch cũng kêu gọi chăm sóc y tế dành cho mọi người một cách bình đẳng, bất kể tình trạng HIV, với sự tiếp cận an toàn và hiệu quả với các thuốc ARV để giữ sức khỏe và dự phòng lây truyền. Cách tiếp cận này giúp bình thường hóa các xét nghiệm HIV thường quy và tạo điều kiện cho các chăm sóc không kỳ thị dành cho cả người có H lẫn không có H.

Chiến dịch bao gồm các hoạt động truyền thông xã hội, một triễn lãm nghệ thuật có tựa đề "Bảo tàng tan vỡ", video âm nhạc chủ đề "Yêu mới khó" - một sản phẩm âm nhạc hợp tác cùng rapper Kimmese - để những người đang sống và chịu ảnh hưởng của HIV được chia sẻ tiếng nói của mình; và trang web của chiến dịch "yeumoikho.com". 

"Bảo tàng tan vỡ" trưng bày mười tác phẩm đến từ các nghệ sĩ đương đại dựa trên hơn 1000 câu chuyện từ cộng đồng về đời sống và tình yêu của những người có HIV, mở cửa đón khách tham quan vào ngày 11 và 12/12 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại (Q.2, TPHCM). 

Sự kiện khởi động chiến dịch "Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì" nối tiếp sau chiến dịch gần đây của VAAC nhằm khuyến khích người có H tiêm phòng vắc-xin COVID-19, "Tin bác sĩ, đừng tin vịt". Chiến dịch được thực hiện nhằm loại bỏ những thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19 và cung cấp thông tin khoa học về vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam. Cả hai chiến dịch đều thuộc chuỗi các sự kiện trong Tháng Hành động Quốc gia về HIV và Ngày Thế giới Phòng chống AIDS để quảng bá cho chủ đề "Chấm dứt đại dịch HIV: Bình đẳng trong tiếp cận, tiếng nói từ cộng đồng".

Hiện nay toàn quốc có khoảng 1.300 cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm, 201 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh. Triển khai tư vấn xét nghiệm cho khoảng 1.700.000 lượt người, trong đó số lượt xét nghiệm có kết quả dương tính với HIV là khoảng 12.000 trường hợp.

Hiện cả nước đang điều trị HIV/AIDS cho khoảng 161.000 người. Trong đó có hơn 85.000 bệnh nhân điều trị ARV thanh toán qua nguồn BHYT chiếm khoảng 53% tổng số bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV.

HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Ước tính có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống. Mỗi năm phát hiện mới hơn 12.000 người nhiễm HIV và khoảng 2000 người nhiễm HIV tử vong hàng năm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao tuy có giảm nhưng riêng trong nhóm MSM (quan hệ tình dục đồng giới nam) lại tăng mạnh trong những năm gần đây.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn