Tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp dưới có thể ảnh hưởng tới đường thở như viêm phế quản hoặc các túi khí cuối đường thở như viêm phổi.
Các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp dưới khác nhau ở mỗi tình trạng bệnh nhân hay nói cách khác là mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
Nhiễm trùng ít nghiêm trọng có thể có các biểu hiện tương tự như cảm lạnh thông thường như:
- Nghẹt/ngạt mũi hoặc chảy nước mũi
- Ho khan
- Sốt nhẹ
- Đau họng nhẹ
- Đau đầu âm ỉ.
Nhiễm trùng nặng/nghiêm trọng hơn có thể có các triệu chứng bao gồm:
- Ho dữ dội có thể là ho có đờm
- Sốt
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Thở nhanh
- Tức ngực
- Thở khò khè.
Điểm khác biệt đầu tiên giữa nhiễm trùng đường hô hấp trên với nhiễm trùng đường hô hấp dưới là khu vực của đường hô hấp bị ảnh hưởng. Trong khi nhiễm trùng đường hô hấp dưới có liên quan tới đường dẫn khí bên dưới thanh quản thì nhiễm trùng đường hô hấp trên lại xảy ra ở các cấu trúc trên thanh quản.
Những người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên sẽ cảm thấy các triệu chứng chủ yếu ở phía trên vùng cổ chẳng hạn như hắt hơi, đau đầu và đau họng hoặc cũng có thể là các đau nhức cơ thể, nhất là nếu như bị sốt.
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới bao gồm: Viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản và bệnh lao. Nhiễm trùng đường hô hấp trên thì bao gồm: Cảm lạnh thông thường, viêm xoang, viêm amidan, viêm thanh quản.
Bệnh cúm không được xếp vào hàng nhiễm trùng đường hô hấp do có thể ảnh hưởng tới cả đường hô hấp trên và dưới.
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới chủ yếu là hệ quả của:
- Virus chẳng hạn như virus bệnh cúm hay virus hợp bào hô hấp (RSV)
- Vi khuẩn chẳng hạn như Streptococcus hay Staphylococcus aureus
- Nhiễm nấm
- Nhóm vi khuẩn Mycoplasma.
Trong một số trường hợp thì các chất từ môi trường có thể gây kích ứng và viêm đường thở hay phổi và dẫn tới nhiễm trùng bao gồm:
- Khói thuốc lá
- Bụi mịn
- Hóa chất
- Khói đốt
- Ô nhiễm không khí.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp dưới bao gồm:
- Cảm lạnh hoặc cúm thời gian gần đây
- Người có hệ miễn dịch suy yếu do tuổi tác hoặc bệnh lý
- Người trên 65 tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi
- Người mới phẫu thuật gần đây.
Một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới có thể tự khỏi mà không cần điều trị, chẳng hạn như một số bệnh nhiễm virus ít nghiêm trọng có thể được đối phó tại nhà bằng các thuốc trị ho và sốt OTC, nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
Trong các trường hợp khác thì bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp bổ sung như kháng sinh cho dạng nhiễm trùng do vi khuẩn hay các điều trị đường thở như ống hít.
Nếu nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể phải nhập viện để truyền thuốc qua tĩnh mạch, chỉ định kháng sinh và các biện pháp hỗ trợ thở.
Đặc biệt lưu ý, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh nếu bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới có thể cần các điều trị bổ sung nhiều hơn so với trẻ lớn hay người trưởng thành. Nhất là nguy cơ nhiễm trùng nặng hơn phổ biến với trẻ sinh non hay gặp các khuyết tật tim bẩm sinh.
Thời gian hồi phục do nhiễm trùng đường hô hấp dưới sẽ khác nhau ở mỗi người. Với người trưởng thành khỏe mạnh bị viêm phổi có thể hồi phục sau 1 tuần nhưng với người lớn tuổi thì có thể cần nhiều hơn vài tuần.
Để ngăn chặn nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới bạn cần:
- Rửa tay thường xuyên, nhất là khi tới những nơi công cộng và tiếp xúc với các bề mặt thường xuyên có người chạm vào. Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng dung dịch khử khuẩn chứa ít nhất 60% cồn
- Tránh chạm tay vào mặt nếu như chưa rửa
- Tránh xa những người có các triệu chứng đường hô hấp
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt nói riêng và nhà cửa nói chung
- Tiêm vaccine như vaccine phế cầu, MMR, đặc biệt là vaccine cúm hàng năm
- Tránh các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, hóa chất,...
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới nếu can thiệp đúng sẽ không biến chứng. Tuy nhiên khi các biến chứng xảy ra thì chúng thường nghiêm trọng, có thể là:
- Suy tim xung huyết
- Suy hô hấp
- Ngừng thở
- Nhiễm trùng huyết
- Áp xe phổi.
Nhìn chung với nhóm người có nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới cần đặc biệt cẩn trọng với các triệu chứng và cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn phù hợp. Nhóm có nguy cơ biến chứng cao là những người có các tình trạng sức khỏe mãn tính, người suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn