Tại thị trấn nhỏ Chiba, cách Tokyo 32 dặm, Naoki Iwabuchi đang mặc bộ vest đen và làm việc trong một văn phòng không có gì đặc biệt. Khi được hỏi về công việc đang làm, người đàn ông, bằng một chất giọng trầm và đều đều, mô tả chi tiết về dịch vụ kinh doanh có tên “yonigeya” hay “di chuyển trong đêm”.
Vào năm 2021, trang Statista thông báo có khoảng 80.000 người bị báo cáo mất tích ở Nhật Bản. Những người này được gọi là “jouhatsu-sha” hay “người bốc hơi”. Có người biến mất do sự cố, tai nạn, nhưng cũng có chủ động chọn biến mất, lý do có thể là trốn nợ, trốn tránh trách nhiệm cuộc sống, hoặc thoát khỏi bạo lực gia đình. Họ muốn bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi hoàn toàn khác, không giữ liên lạc nào với gia đình, bạn bè.
Khu ổ chuột Kamagasaki ở Osaka, Nhật Bản là nơi sinh sống của rất nhiều “người bốc hơi”. Tuy nhiên, rất nhiều người tại đây là dân lao động nghèo hoặc vô gia cư.
Nhà xã hội học Hiroki Nakamori nói với BBC rằng vì quyền riêng tư được đánh giá cao ở Nhật nên cảnh sát sẽ không can thiệp trừ khi họ phạm tội hoặc gây tai nạn. Bởi vậy, họ thoải mái rút tiền ở ATM mà không bị truy dấu. Nếu muốn tìm người, gia đình hoặc là chờ đợi, hoặc phải bỏ tiền túi để thuê thám tử tư.
Công việc kinh doanh của Iwabuchi là giúp mọi người trốn thoát khỏi cuộc đời cũ, đặc biệt là phụ nữ bị lạm dụng và nạn nhân bị theo dõi. Khi biến mất khỏi xã hội, họ sẽ bí mật được đưa đến một nơi an toàn. Điểm chung của nhóm người này là họ có sẵn sự chuẩn bị tài chính, nên cuộc đời họ sẽ không kết thúc ở những khu ổ chuột tồi tàn.
Công việc của Iwabuchi luôn tiềm ẩn rủi ro và hiểm nguy. Anh luôn mang theo bên mình một chiếc “cặp tự vệ” màu đen, bên trong có thể mở ra như một lớp áo giáp. Ngoài ra, Iwabuchi cũng mang theo một thiết bị bảo vệ trông như một cái dùi cui gấp gọn. “Di chuyển vào ban đêm luôn vội vã và dễ nảy sinh đủ loại vấn đề. Mỗi ngày trôi qua tôi đều có khả năng gặp rắc rối”, anh Iwabuchi nhận thức rõ rủi ro nghề nghiệp của mình.
16 năm trước, Iwabuchi quyết định dấn thân vào công việc “có một không hai” khi phát hiện ngày càng có nhiều phụ nữ đang đối mặt với bạo hành gia đình, nhưng vì nhiều lý do, họ buộc phải chấp nhận số phận đày ải. Anh quyết định can thiệp và giúp họ biến mất, hay nói cách khác là làm lại cuộc đời.
Khoảng 90% khách hàng của Iwabuchi là phụ nữ và 10% là nam giới. Và hiện nay, số người tìm cách biến mất nhiều gấp ba lần so với hồi trước đại dịch COVID-19, anh nhận định.
Yoniyega ban đầu tập trung hỗ trợ khách hàng chạy trốn khỏi chủ nợ, bởi họ là nạn nhân của đợt khủng hoảng kinh tế bậc nhất, diễn ra trong năm 2008-2009. Về sau, số lượng khách hàng là người bị lạm dụng hoặc gặp vấn đề gia đình tăng lên. Chị S., người điều hành một dịch vụ hỗ trợ trốn thoát, cho biết có 80% khách hàng của chị là người gặp vấn đề gia đình như vậy.
Các dịch vụ của chị dường như được “thiết kế” khá cẩn thận, tỷ lệ hỗ trợ khách hàng “tẩu thoát” thành công là 100%. “Có những trường hợp chúng tôi sơ tán chỉ trong vòng 15 phút”, chị S. tự hào kể lại. Giúp đỡ khách hàng hết mình nhưng điều nghịch lý là đôi khi, cả những người làm việc trong “ngành” cũng có nhu cầu được trốn thoát.
Hồi 30 tuổi, chính chị S. là nạn nhân của một mối quan hệ độc hại, chị bị lạm dụng và ngược đãi. Thoát khỏi mối quan hệ rồi, chị tự nhủ mình giúp đỡ những người đang mắc kẹt trong địa ngục giống như mình đã từng.
Dịch vụ yonigeya thực tế đã xuất hiện từ đầu những năm 2000. Theo tờ Los Angeles, vào năm 2003, giá của dịch vụ này từ khoảng 2.000 đô (47 triệu VND) đến 20.000 (470 triệu VND) đô, tuy nhiên sau 20 năm thì giá của các khoản phí lại giảm xuống, tại công ty của S. thì chi phí chỉ dao động từ 50.000 yên (khoảng 9 triệu VND) đến 300.000 yên (53 triệu VND), tùy vào rủi ro và mức độ phức tạp của “nhiệm vụ”. Họ phải ngụy trang dưới nhiều hình thức, như giả làm người lau cửa sổ hoặc bán chiếu để không bị nghi ngờ.
Về cơ bản, có ba quy tắc được áp dụng để quyết định tỉ lệ thành công của một “ca trốn thoát”. Thứ nhất, khách hàng phải quyết tâm chạy trốn, thứ hai, cảnh sát địa phương cần được thông báo về quyết định ra đi của họ, và ba là để lại một lá thư nêu rõ lý do vì sao muốn bỏ đi. Hai điều sau được coi là bắt buộc, vì như vậy thì người quen của khách hàng sẽ không thể nộp báo cáo mất tích cho cảnh sát.
Một khách hàng gần đây của S. là một người phụ nữ khoảng chừng 40. Con trai cô từ nhỏ thường bị chồng ngược đãi, bản thân cô chưa bao giờ bị hành hạ thể xác nhưng cô thật sự không thể chấp nhận chuyện con bị đánh đập, cảm giác không khác gì một sự tra tấn tinh thần.
Thế rồi, cô mang con đi và để lại bức thư đoạn tuyệt cho chồng: “Em phải rời đi. Em kinh sợ những lần anh điên tiết, em không chịu được nữa. Em sẽ tự nuôi con, không cần lo. Nếu cần giải quyết các sự vụ trong tương lai thì cứ nói chuyện với luật sư của em. Chắc ngày mai luật sư sẽ nhắn tin cho anh thôi. Em cũng đã làm việc với cảnh sát rồi, cho nên không cần tìm em hay cố liên lạc với em làm gì”.
Một trong những lý do khác khiến cô quyết định rời đi là sợ đứa trẻ căm thù cha, cô cho biết: “Khi thằng bé đến tuổi trưởng thành, chị sợ là nó sẽ chống đối cha mình, nó đã bắt đầu học võ từ hồi trung học rồi, cứ như là đang chuẩn bị để trả thù”.
Một ngày nọ, khi chồng đang đi làm, những người vận chuyển nhanh chóng chất đồ đạc của hai mẹ con lên một chiếc xe tải và cứ thế, họ biến mất khỏi cuộc sống của chồng.
Không phải lúc nào khách hàng tìm đến S. cũng là người có nhu cầu, đôi khi họ cũng muốn giúp người thân của mình giải thoát. Một khách hàng từng đến gặp S. và nói trong nước mắt: “Chị muốn mẹ chị thoát khỏi cha chị, bà 75 tuổi rồi”.
Một ngày nọ, cô con gái nhận ra điều bất ổn khi thấy mẹ mình soi gương và tự hỏi: “Người này là ai vậy?”. Ở nhà, mẹ cô quá bận rộn đến mức không có thời gian soi gương, không dám trang điểm vì sợ bị nghi ngờ là không chung thủy, nên khi nhìn vào gương, bà hoàn toàn bất ngờ với chính mình.
Vào ngày trốn thoát thành công và chuyển sang nhà mới, nỗi ám ảnh phải hầu hạ chồng vẫn cứ bám riết lấy cụ bà tội nghiệp, đến mức bà liên tục lặp lại câu nói: “Mẹ phải chuẩn bị bữa tối cho bố con”.
S. cho rằng, thời trước, con người khá gắn kết với hàng xóm láng giềng, họ có thể chạy đến tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần, nhưng thời nay xã hội quá khác, người ta sống lạnh nhạt và ít gắn kết hơn, nhiều người phải tự cắn răng chịu đựng và đương đầu với tổn thương tinh thần trong cô độc.
Những câu chuyện S. gặp phải càng thêm giúp cô tin tưởng vào sứ mệnh của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn