Quả ngọt sau năm tháng

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Những quả mìn nổ liên hồi, những hòn đá lăn ào ào xen lẫn với những tiếng cười giòn giã của người làng Khưa Xăm, không khí vui như ngày hội. Không thể không vui, không thể không cười, không thể không reo hò, nhảy múa hết mình.

Ngày hôm nay, sau mười mấy năm trời ròng rã, không kể nắng mưa, không kể mùa nóng hay mùa rét, cuối cùng quả núi Hám Tài cũng được san phẳng, mở đường cho sự thăng quan, tiến chức của người làng Khưa Xăm.

Nhìn quả núi bị san phẳng, Cắm Sàu nhớ lại những lời nói của cụ nội trước khi nhắm mắt về mường trời.

- Cắm Sàu à, mày và người làng phải nhớ lấy điều này, khi nào chưa san phẳng được ba ngọn núi Kha Mạ, Rỏ Vài, Hám Tài thì người làng sẽ không thể xuất quan. Dù làng có người làm quan to hoặc chết sớm, hoặc bị gán tội, giáng chức, hoặc sẽ bỏ làng ra đi thôi.

- Vậy phải làm thế nào thì người làng ta mới được xuất quan nhiều, mà không bị chết sớm, bị hãm hại ạ? Cắm Sàu hỏi cụ.

- Phải san dời ba quả núi đó đi thôi Cắm Sàu à.

- Nhưng dời đi ba quả núi bằng cách nào? Không được đâu ạ. Mà tại sao phải làm như thế, ai nói điều này với cụ mà cụ biết.

- Bí mật, ta mà nói ra sẽ không còn linh nghiệm nữa đâu. Đời sau các con cháu trong làng phải tự tìm hiểu lấy, phải biết cách di dời ba quả núi đó đi thôi. Sức của nhiều người gộp lại có thể di dời được ngọn núi cao, có thể di dời cả dòng sông, cháu hãy nhớ lấy điều đó.

Cắm Sàu vẫn còn nhớ như in lời của cụ như chỉ nói trong ngày hôm qua thôi. Thế mà đã hơn trăm năm rồi. Hơn một thế kỷ, trải qua ba, bốn đời người, chứ không ít. Sức của con người có thể dời non, lấp biển. Đời của các cụ không làm được, đến đời con, đời cháu phải làm thôi. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm, cứ kiên trì là được. Con người có ý chí cao thì không bao giờ chịu khuất phục trước số phận, hoàn cảnh. Cụ đã nói điều trăn trở của cụ nội với thằng cháu. Và rồi nó đã thực hiện lời hứa với cụ. Một lời hứa mà cụ không thể làm được với kỵ của nó từ mấy chục năm trước. Cụ không dám hứa với ông cụ nội, vì cụ có biết đâu sẽ có máy móc nhiều đến vậy. Đời của cụ, đi đâu cũng phải khỏe đôi tay, mạnh đôi chân mới đi tới nơi. Đợi xe ô tô đi về xuôi cũng phải mất hàng mấy phiên chợ mới mua được cái vé. Vậy mà bây giờ đi đâu, cũng ngồi lên xe máy, ra thị xã, thành phố sớm đi, tối về được. Đời cụ có nằm mơ cũng không dám mơ tới được.

* **

Doanh nghiệp Hương Hạ được thành lập do Cắm Chuyên làm giám đốc. Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh khai thác đá, khoáng sản, thu mua, chế biến nông sản, kinh doanh vật liệu xây dựng, xây dựng, thi công công trình giao thông… Ngày ra mắt doanh nghiệp, Cắm Chuyên quay mười con lợn quay, thịt hàng trăm con gà, vịt để đãi những người trong làng. Trong lời phát biểu hôm khai trương doanh nghiệp, Cắm Chuyên nói với những người trong làng.

- Thưa các cụ, các bác, anh chị trong làng Khưa Xăm, trước tiên tôi cảm ơn, các cụ, các bác, các anh chị đã đến tham gia buổi lễ khai trương. Là người con của làng, tôi mong muốn đem sức tài nhỏ của mình làm những việc có ích cho con cháu sau này. Tôi nghe cụ nội nói làng mình muốn phát tài, người người thăng quan tiến chức, đỗ đạt thì phải di dời đi ba qua núi, hình tam giác, vây kín làng mình lại mới được. Vậy nên, tôi rất mong mọi người trong làng ủng hộ, cùng tôi cải tạo thiên nhiên, san phẳng ba quả núi kia đi, sắp xếp lại trật tự theo hướng tốt cho tương lai của làng.

- Tôi ủng hộ, tôi nữa, tôi nữa...

Tiếng reo hò, hưởng ứng của người làng làm khuôn mặt nhăn nheo của cụ Cắm Sàu như biến mất. Nhìn cụ như tươi trẻ lại cả mấy chục tuổi, Cắm Chuyên vui lắm. Cắm Chuyên nói với người làng.

- Nếu mọi người đã đồng tâm hiệp lực, nhất trí cùng tôi chinh phục thiên nhiên thì hãy cùng nâng uống cạn chén rượu này, coi như một lời giao ước.

Quả ngọt sau năm tháng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Những cánh tay giơ lên, tất cả đều ngửa cổ uống một hơi trơ đáy. Xong, không ai bảo ai, tất cả đưa mắt nhìn về ba ngọn núi mà người xưa nói đã hám tài người làng Khưa Xăm. Người ta ước tính, có cả tỷ mét khối đá chứ chẳng ít. Chỉ dùng sức người thì cả mấy đời chưa chắc đã nhấc đi một quả núi, chứ đừng nói đến ba quả. Nhưng thời buổi bây giờ, máy móc làm thay con người, không sợ không làm được. Cắm Chuyên chỉ sợ mọi người không đồng lòng chung sức mà thôi. Giấy phép khai thác đá đã có trong tay, công ty đã được kiện toàn, kho bãi cũng đã sẵn sàng đưa vào hoạt động. Trên dưới một lòng, chỉ chờ ngày tốt khai trương quả mìn mà thôi.

Hôm làm lễ động thổ, Cắm Chuyên làm mâm cơm cúng đất trời. Đích thân Cắm Sàu, cụ cao tuổi nhất trong làng làm chủ lễ. Cụ vận bộ đồ màu vàng trang trọng, một tay cầm kiếm, một tay cầm ba cây hương đang cháy nghi ngút, vái lạy tứ phương, tám hướng, miệng lầm rầm khấn. Không ai nghe rõ lời của cụ. Chỉ có các vị thần linh mới nghe được nỗi lòng của cụ, cũng chính là nỗi lòng mong ước của người làng Khưa Xăm bấy lâu nay. Buổi lễ tạ đất trời kết thúc, Cắm Sàu dùng que hương đang cháy đỏ, tiến từng bước đến ba cái dây cháy chậm. Bàn tay run run của cụ châm ngòi, trong sự hồi hộp của người làng.

Ba tiếng nổ gần như động thời, đất trời như rung chuyển. Những mỏm đá xanh tan vỡ trong tiếng cười của người làng. Vạn sự khởi đầu nan. Mọi chuyện đều được tiến hành một cách thuận lợi.

Một trăm máy khoan công suất lớn, năm mươi chiếc xe hyun dai, một trăm tấn mìn đổ vào ba quả núi, mười năm năm ròng rã, người làng Khưa Xăm không làm ruộng cấy lúa, trồng ngô, sống bằng tiền bán các loại đá. Riêng đá dành cho làm đường Chuyên chỉ tính giá hòa vốn, không tính lời. Đá núi làng Khưa Xăm đã trải đi khắp các con đường. Rất nhiều năm, ngày đêm máy nổ, bụi đá bay mù mịt. Những cây cối xung quanh ba quả núi, trên lá phủ một lớp bụi trắng dầy đến vài phân. Mỗi khi thời tiết thay đổi, trẻ con, người lớn mắc các bệnh đường hô hấp phải vào viện điều trị. Tiền thuốc thang cho người làng bị mắc bệnh về đường hô hấp, Cắm Chuyên lo chi trả hết. Việc làm của Chuyên được người làng biết ơn lắm.

Những loại đá các loại của ba ngọn núi được chia đi nhiều ngả, thành gạch xây nhà, thành gạch xi măng, trộn nhựa đường làm nên những con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa rộng hai lăm ba mươi mét. Những xe đá còn tỏa đi về các tỉnh miền xuôi. Giá thành mỏ đá Hám Tài chỉ bằng bảy mươi phần trăm những mỏ đá khác trong địa bàn tỉnh. Làm năm năm, Cắm Chuyên đã có đủ tiền trả ngân hàng. Mười năm làm ăn có lãi, số vốn công ty do Chuyên làm giám đốc đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Con số đó cụ Cắm Sàu không thể hình dung nổi. Cụ hỏi Cắm Chuyên số tiền đó nhiều phải dùng ba ngôi nhà để chứa mới đủ à? Cắm Chuyên nói với cụ, số tiền không nhiều đến vậy đâu. Tiền ở trong ngân hàng, chứ mấy ai để nhiều tiền ở nhà để cho trộm cắp rình rập. Tiền để ở nhà đâu thể sinh lời, đồng tiền phải đưa vào lưu thông, vận chuyển mới tốt. Cắm Chuyên nói với cụ, tiền có được là nhờ có sự đồng lòng của cả bà con trong làng, bà con đã hy sinh nhiều thứ, mới có được, tiền phải được sinh lời để bà con cùng hưởng chứ. Nghe Cắm Chuyên nói vậy, cụ vui lắm. Nó đúng là đứa cháu ngoan nhất của cụ.

Mười mấy năm trời người cùng máy móc khoan đục, cưa sẻ, ba ngọn núi, giờ chỉ còn mỗi gốc, làng Khưa Xăm rộng thêm gấp ba lần. Rồi ở đó sẽ biến thành những đám nương trồng ngô xanh tốt, ruộng lúa bông to, dài chắc, thành nền nhà, sân chơi cho trẻ nhỏ. Giờ cụ có thể đi về với các cụ được rồi. Thằng Chuyên đã giàu có, xây được mộ to cho các cụ. Người làng không làm ruộng, không trồng lúa, ngô, nuôi lợn, chăn gà mà vẫn có cái ăn ngon. Thế là sung sướng gấp mấy trăm lần đời các cụ rồi. Cụ muốn sống thêm vài tuổi để chứng kiến nhiều đổi thay nữa. Nhưng đời cụ như bó đuốc cháy giữa đêm đông soi đường cho con cháu, giờ đã cháy đến đoạn cuối rồi. Cuộc đời con người làm sao có thể chẻ cây khô nối dài như bó đuốc soi đường được.

Trước khi nhắm mắt, cụ nói với Cắm Chuyên, nói với dân làng. Tấc đất tấc vàng, bà con vì đồng tâm hiệp lực để san phẳng ba quả núi nên mười năm năm mới bỏ ruộng đất, không cày cấy, giờ đã đến lúc cày lại, không để cho đất ngừng nghỉ mới được. Cắm Chuyên vâng vâng dạ dạ, răm rắp nghe lời. Cụ ra đi, khi những đám ruộng mới được cày lại. Cụ nhìn thấy, những đám ngô xanh tốt ngút ngàn, trái to bằng bắp chuối, những đám ruộng lúa chín vàng ươm, hạt chắc, to dài như tua cây pảng (một loại cây họ hàng với cây móc, ruột cây có thể đem chế thành thức ăn như bột ngô) vậy. Bên tai cụ, từng đàn chim bay về hót vang lừng. Người ta nghe tiếng ca của những loài chim tựa như tiếng dàn nhạc đang tấu lên những khúc nhạc đưa hồn cụ Cắm Sàu về trời. Cụ Cắm Sàu là người đầu tiên trong làng thọ được hơn một trăm tuổi, ngang qua ba thế kỷ.

Đám ma cụ Cắm Sàu được tổ chức trong bảy ngày. Không chỉ có người làng Khưa Xăm mà cả bà con làng bên, xóm dưới, những bản làng được Chuyên cho đá làm đường đều đến viếng, đưa tiễn cụ. Một đám ma to nhất từ trước đến nay ở làng Khưa Xăm. Những cụ cao niên nói vậy.

Hôm đưa quan tài cụ Cắm Sàu ra nghĩa địa làng, ông thầy tào nói với Cắm Chuyên đem quyển sổ ghi mệnh gia đình bằng chữ Hán ra xem. Cắm Chuyên lục trong chiếc tủ cũ kỹ, được khóa cẩn thận, cuối cùng mới tìm thấy quyển sổ ghi chép, mệnh của từng thành viên trong gia đình. Ông thầy tào xem xong, nói, con cháu trong nhà không ai xung khắc cả, mọi người đều có thể tiễn đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Thầy tào lật đến trang cuối, thì một mảnh giấy cũ kỹ viết bằng chữ Hán rơi ra. Ông cầm lên đọc. Trong đó có mấy dòng chữ, viết: Thời trước, người làng Khưa Xăm học giỏi, xuất quan nhiều, tướng đánh trận cũng giỏi, vì thế đã bị một ông thầy phù thủy đến từ phương bắc yểm bùa trấn yểm, với lời nguyền, "khi nào người làng Khưa Xăm san bằng được ba quả núi mới có thể xuất quan, trở thành tướng tài giỏi, được người đời kính nể". Cắm Chuyên còn bất ngờ hơn, khi biết được cụ Cắm Sàu từng được học chữ Nho với ông thầy đồ giỏi nhất vùng Co Sàu thuở ấy, được nhiều thầy tướng số, thầy địa lý truyền thụ kiến thức. Sống với cụ mấy chục năm, nhưng Cắm Chuyên không thấy cụ sử dụng chữ Nho bao giờ? Chuyên không hiểu nổi. Có phải vì lời nguyền này chăng? Bí mật đã theo cụ xuống mồ rồi. Cụ đã không để lại lời nhắn nhủ. Nhưng cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ, diệu kỳ chờ người có duyên khám phá. Biết đâu, một ngày nào đó, Chuyên sẽ tìm ra nguyên nhân, vì sao trong đời mình cụ lại giấu người thân, những người trong làng, không biết chữ, không biết xem tướng, đoán số của người khác.

Ba năm sau ngày ông qua đời, trong một cơn báo mộng, ông cụ nói với Chuyên "việc ông giấu các con cháu trong dòng họ cụ biết chữ Hán, biết pháp thuật là vì khi học cụ đã thề với thầy pháp sư không được nói ra, không được sử dụng pháp thuật cho đến khi về nơi chín suối. Cụ sử dụng phép thuật lời nguyền sẽ không những không bị hóa giải mà còn ám vào nhiều đời con cháu của làng Khưa Xăm, hại cả bản thân người học pháp thuật". Chuyên gọi lên mấy tiếng "ông ơi, ông ơi", rồi choàng tỉnh. Bên ngoài, sương rơi như dày hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.