Raksha Bandhan: Lễ hội tôn vinh tình anh chị em

30/08/2023 07:02
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Raksha Bandhan là lễ hội để các anh chị em trong gia đình thể hiện tình yêu thương và thắt chặt mối quan hệ ruột thịt với nhau. Lễ hội diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Shravana theo lịch Hindu và thường rơi vào tháng 8. Năm nay Raksha Bandhan được tổ chức vào ngày 30/8.

Raksha Bandhan là lễ hội truyền thống của người theo đạo Hindu, được tổ chức ở tất cả các vùng của Ấn Độ, đặc biệt là ở miền Bắc và miền Tây. Lễ hội cũng diễn ra ở những nơi khác chịu ảnh hưởng đáng kể từ văn hóa Hindu. Đây là dịp để các anh chị em trong gia đình thể hiện tình yêu thương và thắt chặt mối quan hệ ruột thịt.

Trong lễ Raksha Bandhan, chị/em gái trong gia đình chuẩn bị những sợi chỉ có tên là rakhi đeo vào cổ tay của anh/em trai mình. Ngược lại, các anh/em trai sẽ hứa luôn yêu thương và bảo vệ chị/em gái. Raksha Bandhan có nghĩa là "sợi dây bảo vệ".

Raksha Bandhan: Lễ hội tôn vinh tình anh chị em - Ảnh 1.

Rakhi là một phương tiện bảo vệ cổ xưa trong văn hóa Hindu.

Những câu chuyện về rakhi

Raksha Bandhan có ý nghĩa lịch sử và thần thoại. Lễ hội là sự kết hợp giữa các tập tục lịch sử và những câu chuyện thần thoại xoay quanh các chủ đề về sự bảo vệ, tình yêu và trách nhiệm.

Từ góc độ lịch sử, Raksha Bandhan có nguồn gốc từ truyền thống cổ xưa của Ấn Độ. Tập tục buộc sợi chỉ đỏ bảo vệ rakhi thường diễn ra trước các trận chiến. Rakhi được những người phụ nữ, như vợ, mẹ hoặc chị/em gái, buộc vào tay những người đàn ông đang tham gia chiến đấu, tượng trưng cho sự ủng hộ và lời hứa an toàn.

Ngày nay ở Bắc Ấn Độ, một trong những truyền thuyết phổ biến nhất về Raksh Bandhan liên quan đến Rani Karnavati, nữ hoàng vào thế kỷ 16 của thành phố Chittorgarh ở bang Rajasthan phía tây Ấn Độ, và Humayun, hoàng đế Hồi giáo của đế quốc Mogul. Chuyện kể rằng Chittorgarh bị một vương quốc láng giềng đe dọa, và vì vậy, cô đã gửi một rakhi, vật tượng trưng cho sự bảo vệ, cho vua Humayun. Ông và Karnavati trở thành anh em và ông đã gửi quân đến bảo vệ cô.

Tính xác thực lịch sử của câu chuyện vẫn còn là vấn đề tranh luận giữa các học giả. Nhưng nó vẫn là một phần của văn hóa đại chúng ở Ấn Độ, mặc dù thực tế là quân của Humayun đã không đến kịp để ngăn cản Karnavati và những người dân nữ ở Chittorgarh thực hiện nghi thức thiêu sống để tránh bị bắt. Tuy nhiên, Raksha Bandhan được coi là biểu hiện của tình đoàn kết giữa người Hindu và Hồi giáo.

Nhà thơ đoạt giải Nobel của Ấn Độ, Rabindranath Tagore, ủng hộ rằng người đạo Hindu và đạo Hồi buộc một sợi dây vào nhau trong lễ hội. Ông cũng sử dụng hình ảnh rakhi trong các bài thơ của mình, chẳng hạn như bài thơ ông mô tả "bóng tối và ánh sáng" của Trái đất giống như "một sợi rakhi trên bàn tay của tương lai".

Từ góc độ thần thoại, thần thoại Hindu có rất nhiều câu chuyện nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ anh chị em. Một câu chuyện thường gắn liền với Raksha Bandhan là câu chuyện về Thần Krishna và Draupadi, con gái của vua Draupada của xứ Panchala, trong sử thi Ấn Độ Mahabharata.

Theo truyền thuyết, Draupadi từng xé một mảnh sari của mình để băng bó vết thương trên tay Thần Krishna. Cảm động trước hành động này, Krishna hứa sẽ bảo vệ nàng khi cần thiết. Sự kiện này được coi là nguồn gốc của truyền thống Raksha Bandhan.

Ngoài ra, một trong những cuốn sách thiêng liêng của đạo Hindu là Bhavishya Purana, cũng kể câu chuyện về thần Indra. Khi thần Indra đang thất bại trước lũ quỷ thì người vợ, Indrani, buộc một sợi dây đặc biệt vào cổ tay ngài, vị thần trở lại trận chiến và giành chiến thắng.

Raksha Bandhan: Lễ hội tôn vinh tình anh chị em - Ảnh 2.

Raksha Bandhanđể là dịp để anh chị em trong gia đình tái khẳng định cam kết luôn bảo vệ và nâng đỡ nhau.

Giá trị và ý nghĩa

Raksha Bandhan đóng vai trò như một lời nhắc nhở sâu sắc về sức mạnh của kết nối giữa con người với nhau. Lễ hội là dịp để anh chị em trong gia đình tái khẳng định cam kết luôn bảo vệ và nâng đỡ nhau bất kể mọi khó khăn. Nó củng cố sợi dây yêu thương giữa anh chị em, nhắc nhở họ về trách nhiệm đối với nhau.

Theo truyền thống, Raksha Bandhan tôn vinh mối liên hệ giữa anh chị em cũng như vai trò của gia đình trong cộng đồng Hindu, nhưng lễ hội đã phát triển để trở thành biểu tượng của sự đoàn kết và bảo vệ, được tổ chức với cả bạn bè và những người không cùng huyết thống.

Ngày nay, mọi người buộc rakhi vào cổ tay của bạn bè và hàng xóm thân thiết, nhấn mạnh sự cần thiết của một đời sống xã hội hài hòa, nơi các cá nhân cùng chung sống hòa thuận như anh chị em. Raksha Bandhan cũng vượt qua ranh giới tôn giáo và văn hóa khi nhiều người thuộc các tín ngưỡng và nguồn gốc khác nhau cũng tổ chức lễ hội.

Giới chuyên gia thường nhìn vào Raksha Bandhan để hiểu các mối quan hệ được hình thành như thế nào. Họ nhận thấy rằng trong Raksha Bandhan, anh/em đảm nhận vai trò "người cho đi". Điều này khác với truyền thống thông thường của Ấn Độ khi phụ nữ được trao cho người chồng một cách tượng trưng trong đám cưới.

Điều này giúp chúng ta hiểu rằng các mối quan hệ được hình thành khi con người có những vai trò như cho và nhận, bảo vệ và được bảo vệ. Raksha Bandhan cũng cho thấy rằng không phải tất cả các mối quan hệ giống như gia đình đều dựa trên huyết thống. Ý tưởng này được kết nối với câu nói của người Hindu "Vũ trụ là một gia đình".

Một trong những ngày lễ tương tự Raksha Bandhan là Siblings Day (ngày 10 tháng 4 tại Mỹ và Canada) và ngày Brothers and Sisters Day (ngày 2 tháng 5, ở Châu Âu là ngày 31 tháng 5).

Nguồn: Tổng hợp

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn