Robot sẽ thay con người thực hiện các nghi lễ tôn giáo?

27/03/2023 09:00
Ảnh minh họa: Elizabeth Brockway/The Daily Beast

Ảnh minh họa: Elizabeth Brockway/The Daily Beast

Không chỉ nghệ sĩ và giáo viên lo lắng trước những tiến bộ của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI). Robot đang được đưa vào các nghi lễ linh thiêng nhất của Hindu giáo, nhưng không phải tất cả các tín đồ đều hài lòng với điều đó.

Robot và AI trong các hoạt động tôn giáo

Năm 2017, một công ty công nghệ ở Ấn Độ đã giới thiệu cánh tay robot để thực hiện "aarti", nghi lễ dâng đèn dầu lên thần linh, tượng trưng cho việc xua tan bóng tối. Robot đặc biệt này được ra mắt tại lễ hội Ganpati, một lễ hội quy tụ hàng triệu người hàng năm, trong đó tượng vị thần đầu voi Ganesha được đưa ra khỏi đám rước và nhúng xuống sông Mula-Mutha ở Pune, miền trung Ấn Độ.

Năm 2019, chùa Kodaji (Nhật Bản) đã hợp tác với giáo sư Hiroshi Ishiguro ở Đại học Osaka cho ra mắt robot Mindar để thuyết giảng các bài kinh. Mindar là robot được trang bị AI, hình người với chiều cao 1,8 mét, làm từ silicon và nhôm phỏng theo hình tượng Bồ Tát Quan Âm.

Mindar có thể giảng kinh về nhiều chủ đề như lòng trắc ẩn, tác hại của ham muốn, giận dữ và bản ngã. Tensho Goto, nhà sư ở đền Kodaji, chia sẻ thầy hy vọng robot có thể tiếp cận thế hệ trẻ theo cách mà các nhà sư truyền thống không thể làm được.

Robot sẽ thay con người thực hiện các nghi lễ tôn giáo? - Ảnh 1.

Robot Mindar ở chùa Kodaji (Nhật Bản)

Robot sẽ thay con người thực hiện các nghi lễ tôn giáo? - Ảnh 2.

Robot thầy tu có tên Hiền Nhị

Năm 2016, một robot thầy tu có tên Hiền Nhị cao 60cm, đầu trọc và mặc áo màu vàng đã được phát triển bởi các chuyên gia trí tuệ nhân tạo và các nhà sư tại chùa Long Tuyền ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Robot có khả năng trả lời khẩu lệnh, trả lời các câu hỏi đơn giản về giáo lý Phật giáo và cuộc sống hàng ngày của một nhà sư, và thậm chí đọc thuộc lòng một số câu thần chú.

Đó chỉ là một số ví dụ về ứng dụng của tự động hóa và AI với các hoạt động tôn giáo trên khắp Ấn Độ, cũng như Đông Á và Nam Á. Tuy nhiên, việc sử dụng robot và công nghệ này đã dẫn đến nhiều tranh cãi. Một số tín đồ và linh mục cho rằng điều này đại diện cho tầm nhìn đổi mới của con người, có thể dẫn đến những cải thiện cho xã hội. Trong khi đó, những người khác lo lắng việc sử dụng robot để thay thế con người sẽ tạo ra ảnh hưởng không tốt trong tương lai.

Tự động hóa nghi thức không phải là mới

Tự động hóa nghi lễ, hoặc ít nhất là ý tưởng thực hành tâm linh bằng robot, không phải là điều mới mẻ trong các tôn giáo Nam Á. Tự động hóa trong các nghi lễ tôn giáo có rất nhiều hình thức, từ những chiếc chậu liên tục nhỏ nước trong nghi lễ rưới nước mà người theo đạo Hindu thường thực hiện trên các tượng thần, được gọi là abhisheka cho đến những bánh xe cầu nguyện chạy bằng sức gió trong Phật giáo.

Mặc dù các nghi lễ được tự động hóa có vẻ giống như việc tải xuống một ứng dụng điện thoại để tụng thần chú mà không cần bất kỳ vật phẩm tâm linh nào, chẳng hạn như chuỗi tràng hạt, nhưng những phiên bản robot thực hiện nghi lễ này đã thúc đẩy những cuộc thảo luận đa chiều.

Robot Mindar có thể giảng kinh về nhiều chủ đề như lòng trắc ẩn, tác hại của ham muốn, giận dữ và bản ngã

Robot thầy tu Hiền Nhị muốn truyền bá Phật giáo và có thể trả lời đến 100 câu hỏi

Thaneswar Sarmah, một học giả tiếng Phạn và nhà phê bình văn học, lập luận rằng robot đầu tiên của đạo Hindu xuất hiện trong các câu chuyện về Vua Manu, vị vua đầu tiên của loài người theo tín ngưỡng của đạo Hindu. Mẹ của Manu, Saranyu, bản thân là con gái của một kiến trúc sư vĩ đại, đã tạo ra một bức "tượng động" để làm việc nhà và thực hiện các nghi lễ tôn giáo một cách hoàn hảo.

Nhà nghiên cứu văn học dân gian Adrienne Mayor cũng có nhận xét tương tự rằng những câu chuyện tôn giáo về các biểu tượng được động cơ hóa trong sử thi Hindu giáo, chẳng hạn như xe chiến cơ khí của vị thần kỹ sư Hindu Visvakarman, thường được coi là tiền thân của robot tôn giáo ngày nay. Ngoài ra, những câu chuyện này đôi khi được những người theo chủ nghĩa dân tộc hiện đại giải thích cho việc Ấn Độ cổ đại trước đây đã phát minh ra mọi thứ, từ tàu vũ trụ đến tên lửa.

Truyền thống hay hiện đại?

Tuy nhiên, việc sử dụng AI và robot trong thực hành tôn giáo thời gian gần đây đang gây ra những lo ngại cho cộng đồng Hindu giáo và Phật giáo về tương lai mà tự động hóa có thể dẫn đến. Trong một số trường hợp, cuộc tranh luận giữa các tín đồ Hindu xoay quanh việc liệu tự động hóa trong nghi lễ tôn giáo có hứa hẹn đưa loài người đến một tương lai công nghệ mới và tốt đẹp hơn hay đó chỉ đơn giản là dấu hiệu của sự thụt lùi.

Một số khác lo ngại rằng sự gia tăng của robot có thể khiến nhiều người từ bỏ các thực hành tôn giáo khi đền chùa bắt đầu phụ thuộc nhiều vào tự động hóa hơn là con người để phụng sự thần Phật. Một số mối lo ngại này xuất phát từ thực tế là nhiều tôn giáo, cả ở Nam Á và toàn thế giới, đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về số lượng thanh niên sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình cho giáo dục và thực hành tâm linh trong vài thập kỷ qua. Hơn nữa, với nhiều gia đình sống trong cộng đồng người di cư rải rác trên khắp thế giới, các linh mục phục vụ các cộng đồng ngày càng nhỏ hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh việc các nghi lễ tôn giáo ít được thực hiện bởi con người hơn sẽ đồng nghĩa với việc nhiều robot hơn làm điều đó, thì một câu hỏi khác cũng được đặt ra là liệu tự động hóa nghi lễ có mang lại lợi ích cho con người hay không. Những ngờ vực về việc sử dụng các vị thần robot để đại diện và nhân cách hóa thần linh cũng được đặt ra vì những biểu tượng này được lập trình bởi con người và do đó phản ánh quan điểm tôn giáo của con người.

Nghi lễ aarti của đạo Hindu được thực hiện bởi một cánh tay robot.

Không thể phủ nhận sự vượt trội của robot

Các học giả thường lưu ý rằng tất cả những mối quan tâm này đều có xu hướng phản ánh một chủ đề phổ biến: nỗi lo rằng robot sẽ làm tốt hơn con người trong các nghi lễ tôn giáo. Chúng cũng có thể gây ra những xung đột nội tâm về ý nghĩa của cuộc sống và vị trí của một người trong vũ trụ.

Đối với người theo đạo Hindu và đạo Phật, sự gia tăng của tự động hóa nghi lễ đặc biệt đáng lo ngại vì truyền thống của các tôn giáo này nhấn mạnh đến tầm quan trọng vào hành vi đạo đức và nghi lễ hơn là niềm tin cụ thể vào các lý thuyết tôn giáo.

Tuy nhiên không thể phủ nhận những lợi ích nhất định của việc sử dụng robot trong các hoạt động tôn giáo. Công nghệ có những ưu điểm để vượt qua những điểm yếu của con người vì robot không cảm thấy mệt mỏi, quên những điều cần phải nói, ngủ gật hoặc rời khỏi vị trí. Cụ thể hơn, điều này có nghĩa là tự động hóa bằng robot đang được sử dụng để hoàn thiện các thực hành nghi lễ ở Đông Á và Nam Á, đặc biệt là ở Ấn Độ và Nhật Bản. Chúng thậm chí còn vượt xa những gì con người có thể làm được thông qua liên kết giữa việc hoàn thành nghi lễ một cách nhất quán và hoàn hảo đến khó tin với ý tưởng giúp tôn giáo trở nên tốt hơn.

Việc sử dụng AI và robot trong các nghi lễ tôn giáo mở ra cả những cơ hội và thách thức. Mặc dù việc sử dụng công nghệ có thể giúp tăng khả năng tiếp cận và trải nghiệm tiêu chuẩn hóa, nhưng nó cũng có thể làm suy yếu mối liên hệ tâm linh vốn rất cần thiết trong nhiều hoạt động tôn giáo.

Nguồn: The Conversation

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn