Sức sống mới của hát xoan trên đất Tổ

03/07/2023 09:32
Các CLB Hát xoan trẻ trong trường học đã tạo nên sức sống mới cho hát xoan trên đất Tổ.

Các CLB Hát xoan trẻ trong trường học đã tạo nên sức sống mới cho hát xoan trên đất Tổ.

Mỗi buổi chiều, tại khuôn viên Trường Tiểu học Kim Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, lại vang vọng những làn điệu hát xoan trong trẻo của các em học sinh trong Câu lạc bộ (CLB) Hát xoan trẻ. Những câu hát chưa tròn trịa, chưa đúng nhịp điệu được cất lên một cách say mê.

CLB hát xoan của Trường Tiểu học Kim Đức được thành lập từ năm 2009, dao động từ 30 đến 40 em mỗi năm. 

Học sinh được tuyển lựa vào câu lạc bộ bao gồm từ lớp 1 đến lớp 5, chỉ cần có sự yêu thích là các em đều được đưa vào đây để học hát. 

Hơn 10 năm các thành viên CLB được cô giáo Hoàng Vân, Giáo viên âm nhạc của Trường Tiểu học Kim Đức truyền dạy tình yêu, lịch sử và những làn điệu hát xoan: "Tôi lựa chọn tuyển các em vào câu lạc bộ, điều quan trọng nhất là các em phải yêu thích âm nhạc, yêu hát xoan, yêu nét văn hóa trên quê hương mình, các em cảm nhận được thì các em mới hát tốt được. Nếu như em nào là con cháu của các nghệ nhân hoặc ở phường xoan các em cũng đi học thì thường các em cảm nhận tốt và các em đã được học rồi thì các em cũng hát rất tốt. Hoặc các em yêu thích, các em xung phong tôi cũng sẵn sàng cho vào CLB hát xoan".

Để khôi phục, đặc biệt nuôi dưỡng được tình yêu cho các em nhỏ với một làn điệu dân ca cổ truyền của dân tộc là điều không hề dễ dàng trong bối cảnh các loại nhạc thị trường phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Thế nhưng cô Vân cùng các đồng nghiệp đã vượt qua mọi khó khăn, hết lớp này, lại đến lớp khác: "Hát xoan giai điệu ca từ rất khó, cho nên nếu muốn các em giữ gìn được nét văn hóa đó, bản thân tôi phải yêu thích nghề, phải yêu thích làn điệu văn hóa đó. Tôi phải dẫn dắt, giảng giải, cũng như phải nói lên tầm quan trọng, ý nghĩa của hát xoan đó từ thời vua Hùng chúng ta dựng nước, và từ đó các em sẽ hiểu được, sẽ yêu thích làn điệu hát xoan trên quê hương. Lần thứ nhất mình nghe, chưa chắc mình đã cảm nhận được, nhưng mình nghe, mình học nhiều, mình làm nhiều một công việc  gì đó nó sẽ thấm nhuần vào, mình sẽ cảm nhận được nên tôi nghĩ rằng việc học hát xoan từ nhỏ của các em học sinh là rất quan trọng."

Sức sống mới của hát xoan trên đất Tổ - Ảnh 1.

Một buổi dạy hát xoan của cô giáo Hoàng Vân, Trường Tiểu học Kim Đức.

Là một người con của nôi hát xoan Kim Đức, từ nhỏ đã say mê với làn điệu ngân nga từ trong đình, ngoài ngõ nên cô Hán Thị Thúy Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đức đã luôn đau đáu trong trái tim một suy nghĩ, phải tìm mọi biện pháp khôi phục và nuôi dưỡng tình yêu hát xoan cho thế hệ trẻ. Tiếng hát xoan trong trẻo của các em nhỏ vang lên trong trường học mỗi buổi chiều đã chứng mình, sau nhiều năm nỗ lực, những cố gắng ấy của cô cuối cũng có kết quả. 

"Năm 2009, thực hiện kế hoạch của các cấp làm hồ sơ đưa hát xoan vào tình trạng bảo vệ khẩn cấp, nhà trường cũng đã thành lập CLB hát xoan dạy cho các con, tổ chức sinh hoạt cho các con, mỗi tuần một lần, còn lại là qua các tiết dạy học giáo dục tập thể, ngoại khóa, các giờ hoạt động trên lớp như giờ âm nhạc, giờ đạo đức, giờ lịch sử, địa lý thì đều đưa các tiết dạy hát xoan vào cho các con. Mục đích của nhà trường dạy cho các con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, rèn cho các con có lòng yêu âm nhạc, hiểu được, biết hát, biết lan tỏa đến cộng đồng, giúp các con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc", cô Lan cho biết.

Để hồi sinh làn điệu hát xoan, đào tạo từ mầm non, từ lực lượng thanh thiếu niên chính là phương án khả thi và có triển vọng nhất. Chính vì điều này, trong vòng 5 năm, hơn 500 CLB hát xoan trong nhà trường trên toàn tỉnh đã được thành lập. Những CLB này chính là nòng cốt để lan tỏa giá trị văn hóa hát xoan tới thanh thiếu nhi trong tỉnh. Theo chị Phùng Thị Hồng Chuyên, Phó Bí Thư tỉnh đoàn Phú Thọ, hàng năm, tỉnh đoàn tổ chức các cuộc thi liên hoan hát xoan thanh thiếu nhi để cho những thanh thiếu nhi yêu hát xoan có cơ hội thể hiện, từ đó lan tỏa rộng rãi thêm tình yêu đối với làn điệu của quê hương. 

Phó Bí Thư tỉnh đoàn Phú Thọ nhấn mạnh: "Hiện nay nhà trường đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo đưa bộ môn truyền dạy hát xoan vào chương trình học chính khóa. Trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp thì đều có các hoạt động biểu diễn hát xoan. Đối với các dịp giỗ tổ Hùng Vương ở đền Hùng hàng năm, có tổ chức các cuộc thi liên hoan hát xoan thanh thiếu nhi, tuyên dương, động viên các nhóm, các CLB tích cực tham gia, sẽ có những hình thức hội thi hội diễn, tạo môi trường để biểu diễn và trình diễn hát xoan".

Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát xoan đã và đang chứng minh sức sống bền bỉ của hát xoan Phú Thọ trong đời sống cộng đồng, thể hiện sự đúng đắn trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản hát xoan của chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Việc đưa hát xoan vào trường học đã xây dựng nên những thế hệ kế cận am hiểu, có tình yêu với làn điệu này. Có như vậy hát xoan mới bám rễ sâu trong đời sống văn hóa, lời ca, điệu múa của di sản hát xoan mới vang mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn