Tà Bhing trên đường "cất cánh"

22/05/2021 17:26
Phụ nữ Cơ Tu dệt thổ cẩm

Phụ nữ Cơ Tu dệt thổ cẩm

Xã Tà Bhing (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) có diện tích tự nhiên hơn 22.840 ha gồm 7 thôn với hơn 3.000 nhân khẩu. Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng đang là hướng phát triển kinh tế mới mang lại nhiều đổi thay cho nơi đây.

Anh Nguyễn Văn Phi, Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Nam Giang cho biết, đồng bào Cơ Tu ở xã Tà Bhing tham gia Dự án "Du lịch dựa vào cộng đồng" – một dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ ngân sách và do Tổ chức Cứu trợ phát triển Nhật Bản (FIDR) trực tiếp thực hiện có nhiều hiệu quả.

Theo đó, Dự án được thực hiện từ tháng 8/2016 đã triển khai phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, hướng đến phát triển kinh tế địa phương, gìn giữ các giá trị văn hóa có nguy cơ mai một của dân tộc Cơ Tu (dệt vải, các điệu nhảy, món ăn truyền thống…), khai thác và thương mại hóa các sản phẩm du lịch có giá trị của địa phương.

Chúng tôi đến các thôn của xã Tà Bhing tìm hiểu các hoạt động thường ngày của người dân Cơ Tu như giã gạo, chẻ củi, đan gùi… thưởng thức văn hóa ẩm thực của đồng bào tại nhà Gươl và tham quan Hợp tác xã dệt thổ cẩm Zơa.  Ban đầu chỉ có một vài thợ dệt, đến nay Hợp tác xã dệt thổ cẩm Zơra có khoảng 50 thợ dệt. Các sản phẩm cũng tinh xảo, phong phú hơn về mẫu mã, kiểu dáng.

Đưa sản phẩm dệt ra nước ngoài

Chị Nguyễn Thị Kim Lan, Trưởng nhóm nghệ nhân Zơ Ra, cho hay, làng Zơ Ra có khoảng 70 hộ, trong đó có đến 50 nghệ nhân có tên tuổi về các nghề: Dệt thổ cẩm, đan lát, đàn hát, làm nhạc cụ, rèn… Con gái làng Zơ Ra khoảng 10 tuổi đã được các bà, các mẹ hướng dẫn cách dệt.

Tà Bhing trên đường "cất cánh" - Ảnh 1.

Sản phẩm từ làng nghề Zơ Ra được người dân địa phương giới thiệu đến du khách

Ông Pơ Loong Hon, Chủ tịch UBND xã Tà Bhing, phấn khởi nói: "Bây giờ sản phẩm dệt của người dân Zơ Ra đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước châu Âu, sau khi có tổ chức phi chính phủ FIDR của Nhật Bản đến hỗ trợ".

Hiện nay, làng Zơ Ra có nhiều phụ nữ cần mẫn dệt vải. Tất cả đều làm thủ công, cho ra những sản phẩm tinh xảo và đẹp mắt. Họ tập trung tại nhà Gươl, những thanh gỗ được quấn sau lưng người phụ nữ, lưng và chân thành hai đầu nối các sợi vải tạo thành một khung cửi di động độc đáo. UBND huyện Nam Giang đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Tà Bhing gắn với dự án Thác Grăng, Làng dệt thổ cẩm Zơ Ra... Điều đó cho thấy làng dệt thổ cẩm Zơ Ra ngày càng có cơ hội đến với khách du lịch nhiều hơn, góp phần quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất Nam Giang với nhiều đổi thay nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu…

"Hiện nay, đời sống của bà con Cơ Tu trong xã được nâng cao với trên 70% số hộ dân sắm được ti vi, phần lớn gia đình đều có xe gắn máy. Hơn 90% số hộ được sử dụng điện chiếu sáng, khoảng 65% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch. Bên cạnh phát triển nông - lâm nghiệp, xã đẩy mạnh hoạt động ngành tiểu thủ công nghiệp (làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Zơ Ra), thương mại - dịch vụ (thác Grăng, làng nghề Zơ Ra…). Tất cả hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn lại trên địa bàn xã, góp phần xây dựng đời sống văn hóa đậm đà bản sắc ở khu dân cư", ông Pơ Loong Hon cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.