Tái hiện Lễ cắt tóc đặt tên của người Chăm Islam và Lễ kết nghĩa Mẹ - Con của người Ê Đê

22/11/2022 21:23
Tên được đặt, sẽ gắn với đứa trẻ cả đời trong niềm vui và chúc phúc của mọi người - Ảnh: Tuấn Đức

Tên được đặt, sẽ gắn với đứa trẻ cả đời trong niềm vui và chúc phúc của mọi người - Ảnh: Tuấn Đức

Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2022, mới đây tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang đã tái hiện Lễ cắt tóc và đặt tên cho con của người Chăm Islam; đồng bào dân tộc Ê Đê tái hiện Lễ kết nghĩa Mẹ - Con giữa mẹ nuôi (Hyum Niê) và con nuôi (Y Vâng Brông) đến từ buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Nghi Lễ cắt tóc và đặt tên cho con

Đây là một nghi lễ đặc biệt của người Chăm Islam, mỗi đứa trẻ sinh ra đều phải thực hiện nghi lễ này. Người Chăm Islam lấy tên của 25 vị thánh để đặt tên cho đứa trẻ và tên này sẽ theo đứa trẻ đến suốt đời, không được thay đổi, nếu có thay đổi phải sửa soạn lễ vật tương đương như lúc đặt tên ban đầu để đãi khách thì mới được đổi tên.

Vì người Chăm Islam tin rằng, sau khi tận thế đến ngày phán xét cuối cùng, họ sẽ được gọi dậy bằng tên thánh đó. Nếu tín đồ Hồi giáo mang một tên khác, họ sẽ vĩnh viễn không được thánh Ala gọi tới. Chính vì thế đây là một nghi lễ không thể thiếu đối với một đứa trẻ của đồng bào dân tộc Chăm Islam được sinh ra.

Trước khi đặt tên cho con, người Chăm Islam luôn có sự lựa chọn tên, theo giới tính của trẻ, hoàn cảnh gia đình, cũng như dòng họ và ước vọng của cha mẹ. Bởi vì nghi lễ đặt tên cho một đứa trẻ vừa chào đời, không chỉ là một nghi thức đánh dấu bước chuyển tiếp của đứa trẻ đó, mà còn là sự gia nhập tôn giáo của một thành viên mới trong cộng đồng người Chăm Islam, với tên mới được đặt theo tiếng Arab và được xác nhận như một tín đồ Hồi giáo.

Thông thường khi đứa trẻ được sinh ra 7 ngày cho đến 40 ngày, gia đình người Chăm Islam sẽ làm Lễ cắt tóc và đặt tên cho con. Tùy vào hoàn cảnh gia đình mà nghi lễ này được tiến hành sớm hay muộn. Nhưng đứa trẻ thực hiện nghi lễ này tính từ khi sinh ra đến khi thực hiện nghi lễ không quá 03 tuổi.

Tái hiện Lễ cắt tóc đặt tên của đồng bào dân tộc Chăm Islam và Lễ kết nghĩa Mẹ - Con và dân tộc Ê Đê - Ảnh 1.

Người Chăm Islam lấy tên của 25 vị thánh để đặt tên cho đứa trẻ và tên này sẽ theo đến hết đời. Ảnh: Tuấn Đức

Khi đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ sẽ chọn ngày để tiến hành nghi Lễ cắt tóc và đặt tên cho con mình. Thời gian thường diễn ra từ 9 giờ hoặc 13 giờ trưa tùy theo chủ gia lựa chọn. Chủ gia sẽ mời những vị Giáo cả (Hakim), chức sắc, chức việc trong làng và dòng họ, xóm làng đến tham dự và chứng kiến Lễ cắt tóc và đặt tên cho con của mình.

Trước khi tiến hành nghi Lễ cắt tóc và đặt tên cho con, chủ gia dọn dẹp và sửa soạn mọi thứ trong nhà. Đứa trẻ bên trong được thay quần áo mới và bà của đứa trẻ sẽ chuẩn bị khăn, dầu thơm và cây kéo để trên một chiếc mâm nhỏ để thực hiện nghi lễ.

Đến ngày thực hiện Nghi Lễ cắt tóc và đặt tên cho con, chủ gia sẽ tiếp đón các vị Giáo cả, chức sắc và những người đàn ông, phụ nữ trong làng đến dự và từng người một tặng cho đứa trẻ những món quà nhỏ như áo quần sơ sinh, tiền lì xì, xà phòng,…

Sau khi mọi việc đã chuẩn bị hoàn tất thì các vị Giáo cả, chức sắc và những người đàn ông, chỉnh tề trang phục và ngồi ngay ngắn để chuẩn bị làm Lễ.

Tái hiện Lễ cắt tóc đặt tên của đồng bào dân tộc Chăm Islam và Lễ kết nghĩa Mẹ - Con và dân tộc Ê Đê - Ảnh 2.

Gia chủ bế đứa bé đến trước mặt các vị chức sắc. Ảnh: Tuấn Đức

Vị Giáo cả sẽ thì thầm những câu kinh nhằm cầu nguyện cho đứa trẻ. Tiếp đó, vị Giáo cả sẽ hỏi chủ gia tên của đứa trẻ được đặt là tên gì? Rồi ông công bố cho toàn thể mọi người có mặt được biết (Đợi chú Vách Gia hỏi và công bố).

Vị Giáo cả dùng kéo cắt một đoạn tóc tượng trưng của đứa trẻ và sức dầu thơm lên người đứa trẻ. (Nếu có thể cạo đầu đứa trẻ, thì lấy phần tóc đó, đem cân với vàng hoặc bạc, rồi qui đổi ra tiền, và đem tiền đó phân phát cho những người cơ hàn với ý nghĩa chia sẻ niềm Ân sủng mà Thượng Đế ban cho, nhưng đây là nghi thức xa xưa được Ông bà nhắc đến, hiện nay chỉ còn hiện diện ở một số gia đình).

Sau đó, những người đàn ông khác đến dự cũng làm tương tự nhưng không cắt tóc mà chỉ lấy tay sờ vào đầu đứa trẻ

Và sau đó mọi người sẽ cùng nhau Du’a (cầu nguyện) với mong muốn đứa trẻ được phúc lành, bình an, nhiều điều may mắn.

Tên được đặt, sẽ gắn với đứa trẻ cả đời trong niềm vui và chúc phúc của mọi người. Sau đó chủ gia mời mọi người dùng các món ăn như cà ri, súp,… và các loại bánh như: Ha paykarah (bánh 3 lỗ); Hachok (bánh gế); Hapùm (bánh bông lan); Hati (bánh ga ti); Cram (bánh kẹo đường)

Lễ kết nghĩa Mẹ - Con giữa mẹ nuôi và con nuôi

Lễ kết nghĩa thường được xây dựng theo quan hệ cha mẹ - con cái, anh - em, chị - em. Người kết nghĩa có thể cùng làng hoặc có thể đến từ một làng khác. Đặc biệt đối với nam giới sau khi lập gia đình ở làng khác, khi đến ở nhà vợ thì họ thường chọn một người phụ nữ lớn tuổi, chị gái, em gái hoặc một gia đình nào đó để kết nghĩa.

Người được nhận là con kết nghĩa sẽ được hưởng những quyền lợi nhất định về tinh thần và vật chất. Đồng thời, người con kết nghĩa sẽ có trách nhiệm đối với bố mẹ nuôi, hoặc anh chị nuôi của mình.

Để tiến hành nghi lễ thì Lễ vật mẹ nuôi có: 01 cái chăn đắp (abăntlâoêlă), 08 cái cồng đeo (kôngspăn), 01 cái bát đồng (Mtil) và áo dân tộc nam. Lễ vật mẹ ruột gồm: 01 con heo, 1 con gà và 01 ché rượu cần (Ceh tang).

Nghi thức được bắt đầu với bài chiêng "Drông tuê’’ tức là Đón khách. Đây là bài chiêng báo cho các vị thần và linh hồn ông bà - những người đã khuất về chứng giám và phù hộ cho gia đình, đồng thời thông báo và mời gọi họ hàng của hai gia đình cùng về dự lễ kết nghĩa Mẹ - Con, cùng chứng kiến, chung vui buổi lễ kết nghĩa Mẹ - Con.

Để tỏ lòng quý mến, yêu thương, gắn kết nhau, trong lễ kết nghĩa Mẹ - Con sẽ diễn ra nghi thức đeo vòng của dòng họ. Già làng đeo chiếc vòng đồng cho Mẹ nuôi, Con nuôi, những người trong gia đình, cùng với lời chúc sức khỏe, cầu mong điều tốt lành đến với gia đình; thể hiện tình cảm, sự quan tâm đùm bọc và gắn kết mẹ con.

Nghi thức đeo vòng của dòng họ cầu mong sức khoẻ, thể hiện tình cảm và gắn kết mẹ con. Ảnh: Tuấn Đức

Kế tiếp là kể K’han lời cổ được ngân lên ngay lúc này để hai bên họ hàng cùng giao lưu, gắn kết mật thiết với nhau, gần gũi nhau hơn. Đây là một loại hình văn hóa độc đáo của dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Ê Đê nói riêng, một thể loại sử thi trường ca truyền thống của cha ông để lại bao đời nay.

Mọi người cùng nghe lời kể K’han để nhớ lại công lao của ông bà cha, mẹ ta đi trước, với những lời nhắn nhủ đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau, những tình cảm thiêng liêng của con người giành cho nhau.

Dưới dự chứng kiến của toàn bộ họ hàng hai bên, hai gia đình, từ nay, Hyum Niê và Y Vâng Brông chính thức là Mẹ - Con. Người Ê Đê có truyền thống mẫu hệ, thể hiện sự kính trọng với người mẹ mang nặng đẻ đau, vì thế người phụ nữ được mời cần rượu đầu tiên, rồi trao cho người kế tiếp trong dòng họ.

Lễ kết nghĩa là một nét văn hóa đặc sắc thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt được được dân tộc Ê Đê trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, việc kết nghĩa được làm hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn