Tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số từ việc phát triển cây dược liệu

08/07/2023 19:29
Chị Hà Minh Đợi và sản phẩm trà hoa vàng

Chị Hà Minh Đợi và sản phẩm trà hoa vàng

Sinh ra và lớn lên tại Bắc Kạn, chị Hà Minh Đợi (sinh năm 1984), người dân tộc Tày, hiểu rất rõ về quê hương mình.

Một vùng núi còn nhiều khó khăn nhưng có nhiều tiềm năng chưa được khai phá và phát triển. Với diện tích chủ yếu là đồi núi, rừng, Bắc Kạn có nhiều tài nguyên thiên nhiên lâm sản, đặc biệt là các cây dược liệu, một trong số đó là cây trà hoa vàng.

Với mong muốn góp một phần sức nhỏ vào sự phát triển của quê hương, chị Hà Minh Đợi đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều để tìm ra hướng đi cho doanh nghiệp với các sản phẩm từ cây Trà hoa vàng của địa phương. Nhận thấy tiềm năng từ cây dược liệu này, với số vốn đầu tư ban đầu là 3 tỷ đồng, đầu năm 2021 chị quyết định tìm hiểu về cây trà hoa vàng Bắc Kạn để sản xuất thành phẩm.

Tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc từ việc phát triển cây dược liệu tại địa phương - Ảnh 1.

Chị Hà Minh Đợi - Giám đốc công ty TNHH Hà Diệp, Bắc Kạn

Chị đã đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất trà, sao cho giữ được màu sắc cũng như tính dược liệu của cây trà như ban đầu. Sau khi khảo sát tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, chị thu mua bông Trà hoa vàng của người dân các huyện Chợ Đồn và Bạch Thông từ giữa năm 2021 với giá từ 1 triệu đồng/kg bông trà tươi. Bên cạnh thu mua hoa trà của người dân trong tỉnh chị còn trồng thêm 5 ha cây trà hoa vàng để nâng cao sản lượng đủ cung ứng cho thị trường.

Tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc từ việc phát triển cây dược liệu tại địa phương - Ảnh 2.

Trà hoa vàng sấy khô được người tiêu dùng yêu thích

Bước đầu khi mới bắt tay vào xây dựng thương hiệu Trà hoa vàng chị gặp nhiều khó khăn về cây giống, vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật.

Bắc Kạn có thiên nhiên đa dạng, phong cảnh hữu tình, không khí trong lành do đó vùng nguyên liệu trồng trà có môi trường, nguồn nước sạch tự nhiên. Tuy nhiên do chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn, yêu cầu cao về quy trình kỹ thuật và phương án bảo vệ thực vật, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch trên 5 năm nên đòi hỏi người trồng phải có vốn đầu tư.

Hơn nữa việc tìm nguồn giống phải tốt, chuẩn, để không phụ thuộc vào giống tự nhiên hoặc người dân tự tìm giống. Trong khi đó, vùng nguyên liệu lại khá xa công ty nên việc quản lý vùng nguyên liệu cũng khó khăn hơn.

Nhận thấy mô hình kinh tế của chị Đợi có tiềm năng phát triển và mang lại lợi ích kinh tế cho bà con dân tộc tại địa phương, các cơ quan, ban, ngành đã tạo điều kiện cho đơn vị được tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác. Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cũng tạo điều kiện cấp thêm vốn để chị đầu tư máy móc, do đó nâng tầm được sản phẩm, thị trường ngày càng mở rộng.

Chị Đợi cho biết, hiện công ty có các sản phẩm chủ lực là trà hoa vàng nguyên bông và trà hoa vàng túi lọc. Để thúc đẩy hơn nữa giá trị cây hoa này, công ty đã củng cố lập hồ sơ, mở rộng vườn giống; đầu tư nâng công suất nhân giống và chất lượng cây giống; định hướng và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản phẩm chủ lực thông qua liên kết với người dân.

Hiện nay chị Đợi đang chế biến và cung ứng ra thị trường sản phẩm Trà hoa vàng sấy khô dựa trên công nghệ sấy lạnh hiện đại của nước ngoài, đảm bảo được chất lượng dược tính, hương thơm và màu sắc của hoa trà như khi tươi. Phương pháp này có ưu điểm là đưa ra sản phẩm có màu sắc giữ nguyên và quan trọng nhất là hoạt chất có trong hoa giữ được khoảng 98%; mùi hương lưu lại sau khi sấy vẫn giống với mùi hoa tươi ban đầu.

Tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc từ việc phát triển cây dược liệu tại địa phương - Ảnh 4.

Để ra sản phẩm hoàn hảo, chị Đợi đã phải nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần

"Để tạo ra sản phẩm hoa trà hoa vàng đạt chất lượng tốt, những công nhân của công ty phải hái hoa trà vào thời điểm bình minh lên và xong trước 7 giờ sáng mỗi ngày. Đặc biệt là không để hoa nở quá to bởi côn trùng có thể xâm nhập, nhụy hoa bị rụng và làm cho dược tính của hoa bị mất", chị Đợi chia sẻ.

Tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc từ việc phát triển cây dược liệu tại địa phương - Ảnh 5.

Công ty Hà Diệp của chị Đợi tạo việc làm cố định cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số

Trăn trở lớn nhất của chị hiện nay chính là việc áp dụng công nghệ chế biến hiện đại nhằm nâng cao giá trị, chất lượng cho các sản phẩm được tinh chế, sản xuất từ trà hoa vàng và củng cố thị trường tiêu thụ.

"Thời gian tới, ngoài việc phát triển sản phẩm hoa Trà hoa vàng sấy khô, công ty tiếp tục nghiên cứu, sản xuất Trà hoa vàng mật ong và cho ra đời sản phẩm Rượu trà hoa vàng. Ngoài ra, Công ty sẽ kêu gọi nhân dân địa phương xây dựng, nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu và tiến tới thu mua sản phẩm đầu ra cho người dân. Từ đó, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm từ trà hoa vàng, đưa trà hoa vàng đến với đông đảo người tiêu dùng" - chị Đợi chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn