Tết Đoan Ngọ: Dịp sum họp gia đình của người dân xứ Quảng

22/06/2023 07:02
Một phụ nữ giới thiệu bánh tro.

Một phụ nữ giới thiệu bánh tro.

Hằng năm, Tết Đoan Ngọ đúng ngày mùng 5/5 (ÂL) là ngày sum họp gia đình lớn thứ hai của người dân xứ Quảng sau Tết Nguyên Đán. Ngày Tết Đoan Ngọ năm 2023 diễn ra vào ngày 5/5 (ÂL), tức thứ Năm ngày 22/6 (DL).

Tết Đoan Ngọ cũng là dịp cả nhà cùng quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những món ngon, thực hiện các tục lệ Mùng 5. Nhiều người xứ Quảng đi làm ăn xa vào ngày này không về nhà được vẫn thường da diết nhớ quê nhà là vì Tết Đoan Ngọ luôn gắn liền với tuổi thơ ấm áp.

Hoa quả bán trong dịp Tết Đoan Ngọ.

Lúc sinh thời, ông tôi cho hay, theo truyền thuyết, cách đây hơn 2000 năm, tại nước Sở, có vị quan Tả phù là Khuất Nguyên (340 - 278 TCN) bị Sở Hoài Vương cách chức xuống làm thứ dân về quê sinh sống… Một ngày kia, Khuất Nguyên dậy sớm, ôm một hòn đá nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày Mùng 5 tháng 5 (ÂL). Hôm ấy, người trong làng đem ghe ra cứu nhưng không được bèn làm bánh nếp có góc (bánh tro) ném xuống sông để tế, cho nên bây giờ bánh tro thường có "góc cạnh".

Những món ăn thường thấy trên bàn cúng ông bà, tổ tiên theo tục lệ trong ngày Mùng 5 ở xứ Quảng quê tôi cũng rất phong phú bởi tùy theo gia chủ cúng mặn hay cúng chay như: Thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng, mì Quảng, mì khô trộn, xôi, chè (cháo đường), bánh tro, bánh tráng nướng…; trái cây thì có mít chín, dưa hấu, chuối, chôm chôm, mận, xoài... Có vùng buổi sáng sớm cúng chay gồm trái cây như mít, chuối, xôi chè, bánh tro, bánh tráng nướng.

Cúng Mùng 5 thực hiện vào giờ Ngọ (giữa trưa) mới linh thiêng. Cúng xong dọn "vật phẩm" xuống cho cả nhà cùng ăn, trước tiên, mỗi người ăn trước một chén nhỏ rượu nếp cẩm hay rượu nếp cái để "giết sâu bọ". Tuy nhiên giờ đây, nếu bạn có việc đi ra ngoài nhà bằng xe máy, ô-tô thì bạn hãy cân nhắc không nên ăn thứ này bởi bạn sẽ gặp rắc rối khi lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn trong máu của bạn.

Đặc biệt, món bánh không thể thiếu trong ngày cúng Mùng 5 là bánh ú tro. Hễ tới Mùng 5 là nhà nào ít nhất cũng có vài ba chục chiếc bánh ú tro. Không giống như bánh ú tro ở Huế thường là bánh có nhân bên trong, bánh ú tro xứ Quảng tạo hình khối tam giác, được chế biến chủ yếu từ nước tro và gạo nếp hương.

Từ trái qua phải: Nấu bánh ú tro làng Hoán Mỹ ( thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam); một phụ nữ giới thiệu bánh tro ở chợ Đống Đa (TP. Đà Nẵng) và những chiếc bánh tro thơm ngon...

Bánh tro được nấu từ gạo nếp, qua các công đoạn chế biến, gói bằng lá đót (lá chít), khi bóc lá ra, bánh có màu vàng hổ phách rất đẹp, khi ăn chấm bánh tro với đường cát. Nhón từng miếng bánh vào miệng nghe vừa dẻo thơm, vừa sần sật. Bánh thơm nồng hương nước tro, thoang thoảng mùi lá đót, bùi béo vị nếp hương quê nhà. Ăn bánh ú tro với đi theo từng cốc nước lá Mùng 5, ăn bao nhiêu cũng thấy không ớn.

Có lẽ vì thế mà các bà, các mẹ bao giờ cũng gói hay mua vài ba chục bánh để cháu con bao giờ cũng thấy nhớ cái hương quê chưa bao giờ là cạn, để mỗi dịp Mùng 5 về thì chỉ muốn được quần quây bên gia đình chực chờ thương yêu lan tỏa…

Đặc biệt phổ biến ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng có tục uống lá "mùng năm". Lá "mùng năm" thường được cắt trước Mùng 5 khoảng nửa tháng ở ven rừng, bờ ao như các loại lá chổi, dây lá chè vằng, cỏ xước, tía tô, ngũ gia bì, bướm lông, dủ dẻ, lá ổi, lá vối, rễ tranh, mã đề, ngải cứu... đem phơi khô rồi mang ra chợ bán. Chợ quê tôi trước mùng 5 khoảng 10 ngày đã có người bán.

Nước lá Mùng 5 thơm mùi hương đặc trưng không lẫn vào đâu được, ai từng mến hương nước lá khi xa quê bao giờ cũng nhớ cái nồng thơm xao xuyến ấy. Nước lá mùng 5 vừa giải nhiệt ngày hè, do có đủ các hương chất thuốc nam nên còn trị một số bệnh cảm hàn, tiêu hóa rất tốt.

Tết Đoan Ngọ: Dịp sum họp gia đình của người dân xứ Quảng - Ảnh 4.

Bán lá Mùng 5 trong dịp Tết Đoan Ngọ.

Lúc sinh thời, mẹ tôi là "chuyên gia" cắt và bán lá Mùng 5 ở chợ quê. Mẹ tôi cho hay, mẹ bán lá mùng 5 từ khi 20 tuổi. Hàng năm, cứ vào ngày Mùng 10 tháng Tư (ÂL), mẹ lên các xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Ninh, để cắt lá đem về phơi khô đến 15 tháng 4 âm lịch bán dần đến sau ngày Mùng 5. Nước lá mùng năm có màu vàng đậm, rất thơm vì đa số cây lá chứa nhiều tinh dầu. Có thể ngày Mùng 5 ăn nhiều thứ, nên uống nước lá "Mùng 5" dễ tiêu, chống đầy bụng.

Tôi còn nhớ như in, lúc còn bé thơ, khi mặt trời đứng bóng vào trưa Mùng 5, cha tôi đem ra giữa sân một cái thau, sau đó bắt một con thằn lằn thả vào chậu, thằn lằn bơi vài vòng rồi thả ra, cha lấy khăn nhúng nước lau mắt, mặt cho anh em chúng tôi.

Cha cho hay, làm như vậy để "sáng mắt, sáng mũi", cả năm không bị đỏ mắt? Không biết loại thằn lằn có giác quan thứ 6 không, nhưng vào ngày Mùng 5 rất khó bắt, chúng đều đi trốn cả? Để có thằn lằn người ta bắt trước ngày Mùng năm khoảng vài ngày. Tuy nhiên, có người nói rằng: "Làm như vậy mất thiêng"?

Ngoài ra, có một tục lệ cũng thường được thực hiện vào giữa trưa Mùng 5 là đúng giờ Ngọ, người lớn trong nhà hay bảo trẻ nhỏ nhìn lên mặt trời, quan niệm là nhìn lên mặt trời thời khắc này, mắt trẻ sẽ sáng. Quan niệm đúng sai chưa biết, nhưng người xứ Quảng vẫn giữ kỷ niệm những ngày nhỏ thường nghe người lớn trong nhà bảo là đúng ngọ Mùng 5 nhìn vào ông mặt trời sẽ thấy có "long lân quy phụng", vậy là trẻ con say sưa dõi theo ông mặt trời thấy chói mắt.

Ngày nay, cứ đến Tết Đoan Ngọ, chúng tôi lại nhớ đến bánh tro, chè ngọt, uống lá Mùng 5… Anh em chúng tôi ngó trên tường tìm thằn lằn nhưng không thấy chúng, trên bàn thờ, khói hương nghi ngút, di ảnh của cha, mẹ tôi "nhìn" anh em chúng tôi một cách trìu mến. Lòng chúng tôi bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu, được sống ấm êm dưới mái gia đình, nhớ nhất là trong dịp Tết Đoan Ngọ… với những con thằn lằn lội nước qua thau.

Ngày nay, tuy một số phong tục cúng Mùng 5, có lúc, có nơi bị mai một; nhưng những tập tục tốt đẹp trong ngày Tết Đoan Ngọ xứ Quảng vẫn được lưu giữ như một nét đẹp văn hóa của xứ Quảng, góp phần làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn