Thăm ngôi chùa "không sư" trong hang đá núi lửa nghìn năm

05/04/2023 15:30
Chùa Hang dài 24m, trần hang cao hơn 3m, diện tích rộng gần 500m² có mặt tiền hướng về phía biển Đông

Chùa Hang dài 24m, trần hang cao hơn 3m, diện tích rộng gần 500m² có mặt tiền hướng về phía biển Đông

Chùa Hang (đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là nơi thờ tự, cầu siêu cho những dân binh, ngư dân đã hy sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ hoặc đánh cá ở Hoàng Sa.

Đảo Lý Sơn là một trong những hòn đảo đẹp hoang sơ cách đất liền của tỉnh Quảng Ngãi 24km về phía Đông. Trên đảo Lý Sơn có nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp. Trong đó chùa Hang được ví như một tác phẩm điêu khắc đá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất này. 

Chùa Hang được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Chùa nằm trong hang đá dưới chân ngọn núi lửa Thới Lới, là hang đá lớn nhất trong hệ thống hang đá ở đảo Lý Sơn.

Cùng với Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa thì lễ cầu siêu được tổ chức vào rằm tháng Bảy là hai lễ lớn nhất trên đảo Lý Sơn – quê hương của Hải đội Hoàng Sa.

Các di tích khắc trên đá ở chùa cho thấy, những người đầu tiên ra đảo Lý Sơn lập làng An Hải, An Vĩnh đã dựng ngôi chùa này. Chùa Hang có tên chữ là "Thiên Khổng Thạch Tự"( Chùa đá trời sinh).

Theo chuyện kể của ngư dân trên đảo, cách đây hơn 400 năm, những bậc tiền hiền làng An Hải trong quá trình đi tìm cây dâu để làm cốt đắp mộ gió cho những dân binh thuộc Hải đội Hoàng Sa đã hy sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa, đã phát hiện nhiều cây dâu xanh tốt trước một ngôi cổ tự trong hang. Từ đó, người dân huyện đảo Lý Sơn quan niệm rằng, những linh hồn phiêu bạt ở Hoàng Sa sẽ về trú ngụ trong cổ tự Chùa Hang.

Thăm ngôi chùa "không sư" trong hang đá núi lửa nghìn năm - Ảnh 2.

Đường lên chùa vòng qua eo núi, tạo cảm giác bất ngờ cho du khách

Chùa Hang cách đình làng An Vĩnh - trung tâm của đảo không xa, nhưng đường lên chùa vòng qua eo núi, tạo cảm giác bất ngờ cho du khách khi gặp vẻ đẹp của những thảm cỏ, vạt ngô ven đường, phong cảnh xóm làng, cánh đồng trồng hành tỏi dưới chân núi. Từ đỉnh núi, du khách đi bộ vài chục bậc thang thì xuống tới chùa Hang ở lưng chừng núi.

Chùa Hang dài 24 m, trần hang cao hơn 3 m, diện tích rộng gần 500 m² có mặt tiền hướng về phía biển Đông. Ngay trước chùa có hồ sen hình bán nguyệt và những hàng cây dâu cổ thụ. Chính giữa chùa có tượng Phật bà Quan Thế Âm hướng ra biển Đông phù hộ cho chuyến đi biển của ngư dân đảo luôn bình yên trở về. Chùa có bàn thờ Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc ở chính giữa, bàn thờ sư tổ Đạt Ma ở bên trái. Còn bên phải thờ 7 vị tiền hiền làng An Hải là những người có công điều động và nối tiếp nhau thờ tự những dân binh thuộc Hải đội Hoàng Sa đã hy sinh ở Biển Đông.

Bên trong Chùa Hang, những luồng ánh sáng bên ngoài khe khẽ rọi vào vách đá ẩm ướt, rêu mờ. Thỉnh thoảng từ trần hang rơi xuống những hạt nước từ thạch nhũ trong veo. Một làn gió nhẹ thổi qua, những chiếc lá bàng buông cành trước sân chùa gợn lên chuỗi âm thanh rất lạ, lẫn vào tiếng sóng bập bềnh. Trong không khí trầm mặc đó, ta có cảm giác như những thế hệ hùng bình của Hải đội Hoàng Sa khi xưa và những ngư dân Lý Sơn ngày nay gần nhau lắm vì họ luôn "sống" trong tâm thức của người miền biển.

Thăm ngôi chùa "không sư" trong hang đá núi lửa nghìn năm - Ảnh 3.

Trong không khí trầm mặc đó, ta như có cảm giác như những thế hệ hùng binh của Hải đội Hoàng Sa khi xưa và những ngư dân Lý Sơn ngày nay gần nhau lắm vì họ luôn "sống" trong tâm thức của người miền biển

Từ xưa, Chùa Hang đã không có sư trụ trì, theo truyền thống người dân trên đảo nếu gia đình nào có người thân chẳng may hy sinh ở Hoàng Sa thì lấy Chùa Hang làm nơi thờ tự, nhang khói. Chính vì thế, vào ngày rằm hàng tháng, các gia đình này lại tụ họp, chuẩn bị lễ vật cầu siêu cho những linh hồn người thân.

Vào những dịp lễ Vu Lan hay Phật Đản, ngày giỗ các vị tiên hiền, ngày tưởng nhớ tri ân đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải những lần ra khơi khai thác hải sản, đo đạc, dựng bia khẳng định chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa… thì các hoạt động tâm linh thường diễn ra ở nơi này. Ngư dân Lý Sơn tâm niệm, Phật bà Quan âm luôn chở che và phù hộ cho những chuyến "hải lộ bình an"

Thăm ngôi chùa "không sư" trong hang đá núi lửa nghìn năm - Ảnh 4.

Vào những dịp lễ Vu Lan hay Phật Đản, ngày giỗ các vị tiên hiền, ngày tưởng nhớ tri ân đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải những lần ra khơi khai thác hải sản, đo đạc, dựng bia khẳng định chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa… thì các hoạt động tâm linh thường diễn ra ở nơi này

Em Lê Thị Thanh, có cha là Lê Minh Tâm đã không may gặp nạn ở ngư trường Hoàng Sa năm 2012, nghẹn ngào cho biết: "Cha em đã nằm lại ở lòng biển Hoàng Sa nên em đến đây để cầu an cho hương hồn cha và cầu bình yên cho anh trai em là Lê Thanh Tiến đang theo thuyền đánh cá ở Hoàng Sa". Không chỉ riêng gia đình em Thanh mà ở Lý Sơn có hàng trăm gia đình có một phần máu thịt đã nằm lại giữa biển trời Hoàng Sa.

Thăm ngôi chùa "không sư" trong hang đá núi lửa nghìn năm - Ảnh 5.

Một em bé theo cha mẹ đến thắp hương tại Chùa Hang

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.