Thừa Thiên Huế: Gần 200 học sinh Pa Kô, Cơ Tu, Tà Ôi đọc thông, viết thạo chữ viết của dân tộc mình

08/06/2023 14:00
Trong vòng 5 năm ở Thừa Thiên Huế có gần 200 học sinh học tiếng Tà Ôi, Cơ Tu và Pa Kô đã đọc thông, viết thạo chữ viết dân tộc mình.

Trong vòng 5 năm ở Thừa Thiên Huế có gần 200 học sinh học tiếng Tà Ôi, Cơ Tu và Pa Kô đã đọc thông, viết thạo chữ viết dân tộc mình.

Học sinh dân tộc ở Thừa Thiên Huế nói tiếng Việt khá tốt, nhưng lại ngập ngừng khi sử dụng tiếng mẹ đẻ. Thế nên, ai nấy đều phấn chấn khi trong vòng 5 năm, có gần 200 học sinh học tiếng Tà Ôi, Cơ Tu và Pa Kô đã đọc thông, viết thạo chữ viết dân tộc mình.

Không thành thạo chữ viết mẹ đẻ

Trong nhiều gia đình người dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu và Pa Kô chỉ có người già nói được tiếng dân tộc mình, người trung niên nói ít hơn, còn thanh niên, trẻ em thì hầu như không hoặc vốn từ rất ít.

Chị Hồ Thị Miên, dân tộc Pa Kô (Hồng Kim - A Lưới), kể lại câu chuyện trong sự tiếc nuối: "Hàng ngày, tôi nói chuyện với bố mẹ mình, nhưng vẫn chưa thể nói hết ý vì có những từ tiếng dân tộc tôi không biết. Các con tôi có thể ngồi nghe ông, bà nói chuyện, nhưng không giao tiếp lại được. Ông nội tôi nói và viết tiếng Pa Cô rất giỏi, vì xưa ông đi theo cách mạng nên được cán bộ dạy chữ để tuyên truyền các tài liệu mật, dạy kiến thức về trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm...".

Sau giải phóng, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đã xây dựng những bộ chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng bộ chữ cái Latinh, in thành những cuốn sách dạy tiếng dân tộc Pa Kô - Tà Ôi và Cơ Tu để sử dụng. Tuy nhiên, những cuốn sách nói trên chủ yếu phục vụ cho cán bộ là người Kinh trong quá trình tham gia công tác, giảng dạy ở vùng dân tộc thiểu số. Trong trường học, các em không được dạy tiếng nói cũng như chữ viết của dân tộc mình. Trong quá trình giao lưu văn hoá, hợp tác và phát triển kinh tế, đa số đồng bào các dân tộc đều sử dụng tiếng Việt phổ thông để giao tiếp. Vì vậy, nguy cơ chữ viết và tiếng bản ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số có thể bị mai một.

Già làng Hồ Văn Hạnh ở thôn Lê Triêng, xã Hồng Trung, A Lưới bày tỏ: "Đồng bào muốn có trường, lớp dạy tiếng nói và chữ viết cho người dân tộc; có sách học song ngữ tiếng Việt phổ thông và tiếng của đồng bào dân tộc nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số".

Thừa Thiên Huế: Gần 200 học sinh đọc thông, viết thạo chữ viết dân tộc Pa Kô, Cơ Tu và Tà Ôi - Ảnh 1.

Niềm tự hào về chữ viết của dân tộc mình khiến các giáo viên ngày đêm miệt mài với con chữ để soạn giáo án.

Dẫu còn bỡ ngỡ khi giáo viên là người dân tộc vẫn chưa được đào tạo bài bản về ngôn ngữ mẹ đẻ. Chính niềm tự hào về chữ viết của dân tộc mình khiến họ ngày đêm miệt mài với con chữ để soạn giáo án. Các thầy, cô cứ rong ruổi đến các bản làng, nơi có những già làng, am hiểu tường tận về chữ viết cũng như chiều sâu của văn hóa dân tộc. Họ ngạc nhiên, vỡ òa xúc cảm khi hầu như nghĩa của các từ đều có, lại sát nghĩa, không phải vay mượn tiếng Kinh hay ghép từ một cách máy móc, sai nghĩa. Làm được điều đó, người dạy phải thực sự tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực trau dồi kiến thức mới truyền được tình yêu tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số.

Cô Hồ Thị Kăn Hoa, giáo viên Trường tiểu học Hồng Quảng (A Lưới) tâm sự: "Tôi thích dạy các em bằng ngôn ngữ của người Pa Kô. Chúng tôi được nói tiếng nói của dân tộc mình, thấy như có mình trong đó. Bởi, bộ chữ mang nét đặc sắc truyền thống của dân tộc với những cung bậc cảm xúc khác lạ".

Dạy song ngữ

Mong muốn gìn giữ nền văn hóa dân tộc, nhiều gia đình của người Tà Ôi khuyến khích con cái sử dụng song ngữ Tà Ôi - Việt. Thế nên, trong bất kỳ hoàn cảnh giao tiếp nào, họ vẫn giữ tỷ lệ 50% vốn từ vựng của dân tộc. Đời sống song ngữ của người Tà Ôi đang có một sức sống mới khi dự án "Thí điểm phát triển ngôn ngữ viết Cơ Tu và Pa Kô, Tà Ôi" cho học sinh tiểu học ở một số trường của hai huyện Nam Đông và A Lưới do Sở Giáo dục và Đào tạo và tổ chức Faro As (Na Uy) phối hợp triển khai.

Dự án "Thí điểm phát triển ngôn ngữ viết Cơ Tu và Pa Kô, Tà Ôi" được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai từ 2017 đến 2022, cho học sinh ở các trường tiểu học Hương Lâm, Hồng Quảng, Hồng Thái, Hồng Kim, Nhâm (A Lưới) và Thượng Lộ (Nam Đông). Giờ thì học sinh được chọn tham gia dự án là học sinh đã biết nói tiếng mẹ đẻ và đã biết đọc, viết tiếng Việt. Các trường được chọn tham gia dự án có 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Các trường đều được trang bị phương tiện dạy học, tài liệu học tập.

Chị Hồ Thị Lim, phụ huynh có con theo học ở Trường tiểu học Nhâm (A Lưới), bộc bạch: "Con tôi giờ mới được tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ nên cháu viết và nói rất chậm. Mẹ tôi kèm cho cháu cách viết, phát âm và bà ngồi hàng giờ để hát các làn điệu dân ca cha - chấp. Chúng tôi muốn con sẽ là người viết lại những câu chuyện của dòng họ, của dân tộc sau khi đọc thông, viết thạo".

Không quá kỳ vọng các em sẽ đọc thông, viết thạo ngay. Nhiều giáo viên vẫn kiên trì gieo chữ theo kiểu "mưa dầm, thấm lâu". Bởi, khó khăn vẫn còn nhiều khi cách phát âm một số từ của dân tộc Cơ Tu khác với âm chuẩn trong tài liệu, thậm chí, có từ bị "lai" từ ngôn ngữ Pa Kô nên giáo viên lúng túng. Đa số, học sinh đã quen cách ghép âm vần tiếng Việt nên trong quá trình viết chữ Cơ Tu còn sai sót. Một số học sinh kỹ năng đọc viết tiếng Việt chưa tốt, nên còn khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Một số từ trong sách giáo khoa dịch nghĩa chưa đồng nhất, nên giáo viên còn lúng túng. Dạy ngôn ngữ viết tiếng dân tộc là nội dung mới đối với giáo viên và đặc biệt là với học sinh người dân tộc, nên chưa có tài liệu và kinh nghiệm giảng dạy. Sự phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh còn gặp khó khăn do phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn và còn rào cản về ngôn ngữ giao tiếp, thầy giáo Trần Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thượng Lộ (Nam Đông) cho hay.

Chia tay những đứa trẻ ở miền sơn cước, tôi vẫn nhớ hình ảnh hai bà cháu ở xã Nhâm. Người bà có thể ngồi hàng giờ chỉ để hát các làn điệu dân ca cha - chấp, để cháu bà, những đứa trẻ mới bước vào lớp 1 có thêm nhiều "từ vựng". Bà bảo, muốn các cháu sẽ là người viết tiếp những câu chuyện của dòng họ sau khi đọc thông, viết thạo chữ viết của dân tộc mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.