Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo: Ân Tổ tiên Cha mẹ được đặt lên hàng đầu

21/06/2023 14:00
Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở huyện Chợ Mới (An Giang) tích cực trong công tác từ thiện

Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở huyện Chợ Mới (An Giang) tích cực trong công tác từ thiện

Với các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, trong tứ ân thì ân Tổ tiên Cha mẹ là điều ân phải thực hiện trước tiên. Bởi cha mẹ đã sinh ta ra trên cõi đời, chịu khổ nhọc để nuôi nấng, dạy dỗ ta nên người trong suốt bao nhiêu năm...

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo: Ân Tổ tiên Cha mẹ được đặt lên hàng đầu - Ảnh 1.

Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ - người sáng lập Phật giáo Hòa Hảo

Phật giáo Hòa Hảo lấy vô vi chân truyền của Phật tổ làm nòng cốt, đồng thời kết hợp với tư tưởng của Đức Huỳnh Giáo chủ để hình thành nên một quan điểm hành đạo vị nhân sinh.

Đức Huỳnh Giáo chủ đã phát triển thuyết Tứ đại trọng ân của đạo Phật thành thuyết tứ ân mang đậm tính văn hóa dân tộc, bao gồm: ân tổ tiên cha mẹ; ân đất nước; ân tam bảo và ân đồng bào, nhân loại.

- Ân Tổ tiên Cha mẹ là điều ân phải thực hiện trước tiên. Sách viết, bởi cha mẹ đã sinh ta ra trên cõi đời, có hình hài để hoạt động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành, đủ trí khôn ngoan. Trong bao nhiêu năm ấy, cha mẹ chịu khổ nhọc để nuôi nấng, dạy dỗ con.

Đền ơn cha mẹ thể hiện khi cha mẹ còn trên cõi đời thì phải chăm chỉ nghe lời, những điều hay lẽ phải cha mẹ dạy, chớ nên xao lãng, làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẫn trái đạo thì tìm cách khuyên can. Không chỉ thế, người làm con còn phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, bệnh tật, giữ hòa khí trong gia đình để cha mẹ được vui lòng.

Phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ nhất là lúc cha, mẹ ốm đau, già yếu. Muốn đền ơn ông bà tổ tiên, không được làm tổn hại đến truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Nếu tổ tiên có làm gì sai lầm gieo rắc đau thương cho con cháu thì phải quyết chí tu cầu để rửa nhục. Đây là ân nghĩa đầu tiên quan trọng nhất trong Tứ đạo.

Còn khi cha mẹ qua đời thì phải tu cầu cho linh hồn cha mẹ được siêu thăng nơi miền Phật cảnh. Thêm nữa, sinh ra cha mẹ là nhờ có tổ tiên nên khi biết ơn cha mẹ, cũng có bổn phận phải biết ơn tổ tiên. Trong Sấm Giảng Thi Văn của Đức Huỳnh Giáo Chủ, ngoài việc khuyên sanh chúng tu hành, thực hiện Tứ ân, Ngài luôn luôn khuyên người Việt Nam chúng ta nên nhớ và trở về nguồn cội con Rồng cháu Tiên của mình.

- Ân đất nước: Mỗi người phải ân nghĩa với đất nước, quê hương vì đó là nơi nuôi ta sống và ông và tổ tiên ta thường sống, đó là nơi cho ta thuần phong mỹ tục, nâng tâm hồn ta lên và nâng bước ta đi. Mỗi con người phải yêu đất nước, yêu quê hương; tùy theo tài lực của mình mà làm cho quê hương giàu mạnh. Mỗi con người phải có trách nhiệm bảo vệ đất nước khi bị ngoại xâm và nhất là không phản bội Tổ quốc, làm tay sai cho ngoại bang.

- Ân đồng bào, nhân loại: mỗi con người phải sống ân nghĩa với đồng bào của mình, những người sống trong cùng đất nước, cùng màu da, tiếng nói, cùng đất nước, cùng tổ tiên con rồng cháu lạc. Phải sống ân nghĩa với những người xung quanh đã từng chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn, từng giúp đỡ nhờ cậy trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Không những thế mỗi con người phải ân nghĩa với đồng loại, nhân sinh, không phân biệt màu da, chủng tộc, sang hèn, giàu nghèo... theo tinh thần từ bi hỉ xả, vô ngã vị tha không gây thù hằn, không vì bản thân, dân tộc mình mà gây hại cho người khác, dân tộc khác.

- Ân tam bảo: Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng. Ân Tam bảo là ghi nhớ công ơn Phật, Pháp, Tăng đã khai mở trí tuệ cứu vớt chúng sinh khỏi vòng trầm luân khổ ải. Bổn phận của mỗi con người phải noi theo tiền nhân tôn kính Tam bảo, tu rèn thân tâm để tiến trên con đường giải thoát.

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo: Ân Tổ tiên Cha mẹ được đặt lên hàng đầu - Ảnh 2.

Tổ đình Phật giáo Hòa Hảo (xưa thuộc làng Hòa Hảo, nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là những cư sĩ tại gia nên việc thờ phượng và hành đạo rất đơn giản, chủ yếu được tiến hành tại gia đình. Phật giáo Hòa Hảo chỉ thờ Phật, thờ các vị anh hùng dân tộc. Phật giáo Hòa hảo không thờ thần thánh không rõ căn tích.

Phật giáo Hòa Hảo thờ Phật nhưng không bằng tượng cốt, tranh ảnh mà thờ tấm vải Trần Dà (là tấm vải màu nâu) thay cho tấm vải Trần Điều (là tấm vải màu đỏ) của Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương với cùng một quan niệm Phật tức tâm, tâm tức Phật.

Ở mỗi gia đình của Phật giáo Hòa Hảo có 03 bàn thờ: Bàn thờ Phật cao nhất chỉ treo tấm Trần Dà; bàn thờ tổ tiên đặt dưới bàn thờ Phật; bàn thờ thông thiên thờ ngoài trời, ở trước cửa nhà. Sau này tín đồ Phật giáo Hòa Hảo còn thờ ảnh của ông Huỳnh Phú Sổ, thường được đặt dưới tấm Trần Dà. Lễ phẩm cúng Phật hay cúng trời đất ở bàn thông thiên chỉ có hương, hoa và nước lạnh. Nước lạnh thể hiện sự trong sạch, hoa thể hiện sự tinh khiết, hương thơm xua đuổi tà khí. Ông Huỳnh Phú Sổ khuyên tín đồ không nên làm giỗ linh đình và tốn kém, bởi thánh thần và người chết không ăn được. Phật giáo Hòa Hảo tuyệt đối không dùng vàng mã khi cúng giỗ, vì cho rằng đó chỉ là những thứ giả tạo, không cần thiết.

Phật giáo Hòa Hảo không dùng kinh kệ của Phật giáo mà chỉ đọc sấm giảng của ông Huỳnh Phú Sổ và miện Lục tự Di Đà (sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật) để tĩnh tâm. Do cách hành đạo niệm Lục tự Di Đà nên Phật giáo Hòa Hảo tự nhận mình là Pháp môn Tịnh độ Phật học tu nhân. Phật giáo Hòa Hảo không lạy người sống, trừ ông bà, cha, mẹ.

Phật giáo Hòa hảo còn răn dạy tín đồ tôn trọng những người khác tín ngưỡng, nhất là không cậy đông người mà ức hiếp hoặc nói xấu, bài xích; không nên gây oán thù mà phải làm lành với họ. Đối với nhân sinh nói chung thì phải giữ mối quan hệ hòa hợp, gây thiện cảm lẫn nhau; đồng thời phải biết thương xót, giúp đỡ mọi người nhất là những lúc khó khăn, hoạn nạn. Phật giáo Hòa Hảo khuyến khích ăn chay trường, nhưng nếu không có điều kiện thì hàng tháng ăn chay bốn lần vào các ngày 14, 15, 29, 30 hoặc ngày mùng một nếu là tháng thiếu. Những ngày ăn mặn phải kiêng ăn thịt các con vật như trâu, bò, chó vì chúng có ích và sống gắn bó với con người.

Hôn nhân và tang ma Phật giáo Hòa Hảo đơn giản và tiến bộ. Phật giáo Hòa Hảo khuyên cha mẹ không ép buộc tình duyên con cái nhưng phải có bổn phận hướng dẫn, khuyên bảo chúng; không nên để con quá tự do mà thiếu kinh nghiệm làm cho chúng hư hỏng. Phật giáo Hòa Hảo khuyên không thách cưới bằng lễ vật hay tiền, tổ chức lễ cưới đơn giản, tiết kiệm. Hôn lễ và tang lễ của người theo Phật giáo Hòa Hảo cũng giống như người Việt, không có dấu ấn tôn giáo riêng. Ông Huỳnh Phú Sổ còn khuyên mọi người không khóc lóc trong tang lễ vì làm vậy sẽ cản trở sự siêu thoát anh linh của người chết.

Ngoài những vấn đề nêu trên, Phật giáo Hòa Hảo còn đề cập đến nhiều vấn đề khác của đời sống xã hội với thái độ tích cực như cấm tuyệt đối việc chơi cờ bạc, hút thuốc phiện và mê tín dị đoan; Phật giáo Hòa Hảo còn khuyên mọi người siêng năng học hành để mở rộng kiến thức và giúp cho việc tu học. Phật giáo Hòa Hảo khuyên tín đồ rèn luyện thân thể, giữ vệ sinh vì thần thánh chỉ gần những kẻ trong sạch, nên nếu ai muốn được tiếp độ thì phải trong sạch cả tinh thần lẫn vật chất.

Hiện nay, Phật giáo Hòa hảo có các ngày lễ chính sau: Ngày 01 tháng giêng là Tết Nguyên đán; ngày 15 tháng giêng là lễ Thượng nguyên; ngày 08/4 lễ Phật đản; ngày 18/5 lễ Khai đạo; ngày 15/7 lễ Trung nguyên; ngày 12/8 lễ Phật thầy Tây An; ngày 15/10 lễ Hạ nguyên; ngày 25/11 lễ sinh Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ; ngày 08 tháng chạp lễ Phật thành đạo. Trong các ngày lễ trên thì lễ Khai đạo và lễ sinh nhật Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ là hai ngày lễ quan trọng. Ngoài ra, Phật giáo Hòa Hảo còn có các ngày lễ khác như lễ giỗ Đức Ông, Đức Bà (là bố, mẹ ông Huỳnh Phú Sổ), lễ vía Phật thầy Tây An và các đệ tử của ông...
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn