Tín ngưỡng thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trong dòng chảy tâm linh người Việt

28/04/2023 08:00
Lễ rước kiệu trong Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ

Lễ rước kiệu trong Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ

Trong dòng chảy đời sống tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân ta, thực hành Tín ngưỡng thờ Tổ Mẫu Âu Cơ góp phần giáo dục về truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thành kính ngưỡng vọng và tri ân tổ tiên.

Người Mẹ huyền tích

Sử xưa kể rằng, khi bà Ngọc Nương sinh nàng Âu Cơ thấy có mây lành che chở, hương thơm toả ngát khắp nơi, là điềm "Tiên nữ giáng trần". Lớn lên, nàng Âu Cơ muôn phần xinh đẹp, "so hoa hoa biết nói, so ngọc ngọc ngát hương", chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật.

Sau khi kết duyên, Lạc Long Quân đưa Âu Cơ từ động Lăng Sương về núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ ngày nay). Nàng Âu Cơ trở dạ sinh một bọc trăm trứng, nở thành 100 người con. Khi các con lớn lên, 50 người theo mẹ lên núi khai phá rừng hoang, 50 người theo cha xuống biển làm nghề chài lưới. 

Trong 50 người con theo mẹ, người con đầu lên ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời vua Hùng trị vì đất nước trong 2621 năm (từ năm Nhâm Tuất 2879 đến năm 258 TCN).

Tín ngưỡng thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trong dòng chảy tâm linh người Việt - Ảnh 1.

Tượng Tổ Mẫu Âu Cơ được công nhận là Bảo vật quốc gia. Ảnh tư liệu

Bà Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Khi công cuộc khai sơn lập địa ổn định, giang sơn thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, bà trở về với trang Hiền Lương, quận Hạ Hoà, trấn Sơn Tây (nay là xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ) - nơi đầu tiên Mẹ Âu Cơ dừng chân lập nghiệp, khai khẩn đất hoang. Tương truyền, ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thân, bà Âu Cơ cùng bầy tiên nữ đã bay về trời, để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa. Tưởng nhớ bà, nhân dân đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời khói hương.

Vào thế kỷ thứ XV, Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ chính thức được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497). Thần tích của đền ghi lại rằng, ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính Nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc, sau đền có cây đa cổ thụ tỏa bóng xuống ngôi đền. Năm 1991, Đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia.

Tín ngưỡng thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trong dòng chảy tâm linh người Việt - Ảnh 2.

Đền thờ Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ - nơi muôn dân đất Việt hướng về. Ảnh tư liệu

Muôn dân hướng về cội nguồn

Ngày lễ chính của Đền Âu Cơ là mùng 7 tháng Giêng (ngày "Tiên giáng"). Người dân xã Hiền Lương bao đời còn lưu câu ca "Mồng bảy trong tiết tháng Giêng/Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời...". Ngoài ngày Tiên giáng, trong năm còn có các ngày lễ khác là mùng 10 và 12 tháng 2, 12 tháng 3, 13 tháng 8 âm lịch.

Vào ngày lễ chính, người dân quanh vùng Hiền Lương tấp nập làm bánh ngọt để dâng lên Mẫu Âu Cơ. Vật phẩm dâng Mẫu không có đồ mặn, chỉ toàn đồ chay gồm 100 cầu bánh ngọt cùng với xôi nếp, chè lam, 100 phẩm oản, hoa thơm...

Tín ngưỡng thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trong dòng chảy tâm linh người Việt - Ảnh 3.

Lễ tế nữ quan - một nghi lễ linh thiêng, thành kính và là nét đặc sắc riêng chỉ có ở Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ. Ảnh tư liệu

Sáng mùng 7 tháng Giêng, cờ xí rợp trời, trống chiêng vang dội, hương trầm ngào ngạt không gian, dải lụa đào hồng tung bay trên ngọn đa, người người tụ về bên gốc đa già mở hội. Đúng giờ Thìn (7 đến 9 giờ) đám rước từ đình đến đến sân Đền Mẫu. Đội rước này là nam giới, đi đầu là những lá cờ thần, sau kiệu là các vị chức sắc, bô lão, rồi đến dân làng.

Đến sân đền chính, đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân có nhan sắc và học vấn tiến hành nghi lễ tế. 12 cô gái mặc áo dài đủ các màu, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, chủ lễ mặc hoàn toàn màu đỏ. Sau nghi lễ tế, người dân dâng sớ, thắp hương kính lễ Mẫu Âu Cơ. Bên cạnh đó là các hoạt động văn hoá văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống…

Tín ngưỡng thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trong dòng chảy tâm linh người Việt - Ảnh 4.

Chủ tế nữ mặc bộ lễ phục mầu đỏ thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Nét đẹp trong tinh hoa văn hóa của người Việt

Có thể nói, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ còn là một điểm nhấn quan trọng trên dòng chảy đời sống tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân ta. Đền Mẫu Âu Cơ gắn với Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ đã trở thành một nét đẹp trong tinh hoa văn hóa của người Việt, là biểu tượng thiêng liêng nguồn cội con Lạc cháu Hồng của muôn dân đất Việt, là nơi để mỗi người dân Việt Nam dù ở phương trời nào cũng hướng về với một lòng thành kính sâu sắc. 

Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc thù, tổng hợp của nhiều tín ngưỡng dân gian bản địa, từ tục thờ Tổ Mẫu - Bà Mẹ Xứ Sở - Anh hùng văn hóa đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tôn thờ những người có công với quê hương, đất nước, cùng hàng loạt các sinh hoạt văn hóa tinh thần truyền thống khác. Mọi người tham gia thực hành tín ngưỡng đều hy vọng và tin tưởng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân, gia đình và quốc gia - dân tộc.

Tín ngưỡng thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trong dòng chảy tâm linh người Việt - Ảnh 5.

Đội tế nữ quan trong trang phục áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng dải lụa, chân đi hài thêu, thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

PGS.TS Phạm Lan Oanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhận định: Trong niềm kính ngưỡng các Vua Hùng, lòng kính trọng với Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ diễn ra trải dài suốt năm nhưng tập trung vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch. Sự ghi nhận của quốc tế khi UNESCO ghi danh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng củng cố niềm tin yêu, kính trọng Mẹ Âu Cơ - Mẹ của sự sống và lòng bao dung trong tâm trí và các thực hành văn hóa cũng như đạo lý dân tộc Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.