“Tô màu” cho vải từ cây - củ - lá trong tự nhiên

Xã hội phát triển, nhiều người không còn nghĩ đến khái niệm nhuộm quần áo. Nhưng thực tế với những người may mặc thủ công, đồng bào dân tộc thiểu số thì nhuộm vải từ những nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên lại là chuyện không hề mới lạ…

Đặc biệt, nhắc đến thổ cẩm thì không thể không nhắc đến các nguyện liệu nhuộm truyền thống, những loại cây, củ, lá được lấy từ tự nhiên, xung quanh khu vực cộng đồng sinh sống như: củ nâu, chàm, cây phán, cánh kiến, lá ổi, chè,…

Ở nhiều địa phương, trong đó có Nghệ An, Hà Tĩnh bà con người dân tộc thiểu số thường dùng củ nâu để nhuộm vải. Loại vải nhuộm nâu thường có chất liệu sợi bông, dệt từ các khung cửi dệt tay tại các gia đình và tập trung ở các làng dệt nổi tiếng. Loại vải này có khổ rộng từ 20 đến 25cm, chiều dài tùy theo yêu cầu. Tuy vậy một tấm vải để nhuộm nâu cũng chỉ dài 5 – 7m hoặc 10m. Vải trước khi đem nhuộm thường là vải trắng, đem ngâm nước lạnh để tẩy sạch bột hồ quết lên mặt vải của người dệt trước đó.

Củ nâu được dùng để nhuộm vải.

Thời gian thích hợp cho nhuộm nâu là vào khoảng tháng 3-4-5 âm lịch, vì ở miền Trung đây là mùa bắt đầu nắng. Nắng tươi cộng với độ ẩm trong không khí cao, nên khi vải nhuộm đem phơi hơi nước bốc chậm, nâu có thời gian ăn vào vải, và khô không bị dòn. Người dân thường chỉ nhuộm và phơi vải vào khoảng 9-10 giờ sáng đến 3 giờ chiều hàng ngày.

Để tiến hành nhuộm vải, bắt buộc phải có củ nâu. Củ nâu là một loại củ của cây nâu mọc ở trong rừng, mỗi củ nặng trung bình 1,5 – 2kg, thậm chí có củ nặng đến 4 – 5kg. Trong thời gian nông nhàn, đặc biệt là vào mùa đông và mùa xuân, người dân vào tận rừng sâu, mang sẵn gạo, muối, cà và nồi niêu, có khi phải 3-4 ngày mới đào được một gánh củ nâu.

Cũng có trường hợp 3-5 người thuê một chiếc nôốc (thuyền) mang theo đầy đủ dụng cụ và lương thực, thực phẩm, chèo nôốc ngược dòng sông vào tận rừng sâu đào củ nâu và nhiều ngày sau mới về.

Chọn mua củ nâu cũng phải sành sỏi, người quen dùng củ nâu có cách chọn riêng, bởi vì củ nâu để càng lâu càng tốt nên có một số gia đình mua sẵn củ nâu dùng cho 2-3 năm sau, đến mùa khai thác họ mua về để giành, chỉ dùng củ nâu từ trước.

Đến mùa nhuộm vải nâu người ta tiến hành theo quy trình sau:

Chuẩn bị nguyên vật liệu: Ngoài vải chuẩn bị sẵn, tức là 4 múi của tấm vải cần nhuộm, may vào 4 khuy để căng vào 4 cọc tre tương ứng với tấm vải trên sân phơi, nơi rọi nắng nhất; Củ nâu được bỏ sạch vỏ ngoài, chỉ còn "cơm" màu trắng đầy nhựa, nhựa vốn là màu trắng nhưng bị ôxy hóa ngả màu nâu, xong cắt nhỏ thành miếng, rồi cho vào cối giã nhỏ, sau đó vớt ra chậu hay xô, nồi và cho nước vào quấy đều, tùy theo lượng củ nâu mà pha chế nước cho thích hợp, không để đặc quá nhưng cũng không được loãng quá.

Dung dịch nước củ nâu để một thời gian cho lắng, chắt nước vào chậu (hay xô) để nhuộm, tùy theo số lượng vải mà cho nước nhiều hay ít sao cho mỗi lần nhuộm vải số nước nâu còn lại rất ít, để đảm bảo chất lượng nước cho lần nhuộm sau.

Vải ngâm vào nước nâu, vò cho đều để mọi sợi vải đều ngấm, thậm chí cho tay vò nhiều lần, hay cho chân vào đạp, khi vải đã ngấm, lấy từng mảnh ra vắt kiệt nước, rồi đem phơi; khi phơi có thể hai người cầm hai đầu mảnh vải, căng cho thật thẳng không để vải nhăn thành nếp, xong cài 4 mép vải vào 4 cọc chôn sẵn.

Ảnh minh họa.

Trời được nắng, mỗi lần nhuộm phơi nắng mất khoảng 1 tiếng, người ta có thể vừa làm việc khác vừa nhuộm vải, áng khoảng thời gian vải khô đem vào nhuộm và phơi tiếp, một ngày bình thường có thể nhuộm và phơi trung bình được 5 lần.

Khi phơi cần chú ý mặt vải, thường mặt vải bị chiếu nắng mới có màu, còn mặt dưới rất ít bị ảnh hưởng, nên những nước nhuộm đầu cần phơi nắng một mặt vải.

Trong thời gian qua, Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam (là nhóm thuộc các dân tộc thiểu số Việt Nam được thành lập năm 2015; đến nay nhóm đã có hơn 17 dân tộc trên 20 tỉnh thành khác nhau) cùng với cộng đồng dân tộc thiểu số có nhiều trăn trở liên quan đến nghề dệt truyền thống: làm sao để Thổ cẩm được "sống" thật sự trong chính cộng đồng thì việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống mới thực sự thành công và mang lại ý nghĩa.

Nhóm nhận thấy rằng, những gì có liên quan đến văn hóa - để có thể "sống" được thì chính cộng đồng phải là người đầu tiên hiểu hết giá trị của nó, và phải đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Bước đầu tiên của Tiên Phong, chọn đi tìm, trở về với những họa tiết hoa văn và ý nghĩa của nó trong bốn nhóm dân tộc Chăm, Mường, Pà Thẻn, Mông.

Nhắc đến củ nâu mình lại nhớ hồi nhỏ theo sau bà nội lên rừng hái măng, bà nội mình kể, ngày xưa nghèo khó thường lấy củ nâu về để độn với gạo đồ lên ăn. Đến đời mình thì không ăn củ nâu độn nữa chuyển sang sắn độn cơm.

Người dân tộc Thái thường tự tay trồng bông, nuôi tằm dệt vải, quá trình kéo dài từ tháng này sang tháng khác, năm này sang năm sau, việc dệt vải là một phần cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương.

Bên cạnh dệt là nhuộm, củ nâu vẫn là nguyên liệu mà người già trong bản sử dụng nhiều nhất, vì nó mọc tự nhiên, dễ tìm, dễ làm. Người Thái trước kia thường đưa màu củ nâu vào các sản phẩm như: quần áo, chăn, màn,… Nhưng nay ít ai còn dùng đến vải dệt thủ công, vải nhuộm củ nâu. Vì dệt lâu, nhuộm thủ công thì trải qua nhiều công đoạn, người ta luôn chọn những thứ gì nhanh, tiện.

Bà Sầm Thị Tình, dân tộc Thái (Nghệ An)


Vị thuốc dân gian

Củ nâu hay được biết đến như một loại củ dùng để nhuộm nên những loại vải thổ cẩm của miền sơn cước. Tuy nhiên ít ai biết đây cũng là một vị thuốc được dân gian sử dụng với một số tác dụng rất tốt cho nữ giới.

Củ nâu có vị ngọt, chát, tính bình không độc, có tác dụng thanh nhiệt cầm máu, làm se, sát trùng chống tích tụ.

Củ nâu được dùng chữa tiêu chảy, kiết lỵ, các chứng tích tụ hòn cục trong bụng, xích bạch đới, băng huyết, chảy máu tử cung, ho ra máu, thổ huyết, đái ra máu. Dùng ngoài trị bỏng, đòn ngã tổn thương, bị thương chảy máu, viêm da mủ.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn