Qua hàng trăm năm thăng trầm lịch sử, ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật ca trù vẫn luôn được duy trì ở Lỗ Khê - ngôi làng hàng trăm năm tuổi. Tuy nhiên, đứng trước những thách thức hiện đại ngăn cản sự phát triển các loại hình văn hóa truyền thống, ca trù Lỗ Khê vẫn đang nỗ lực tìm ra cách thức bảo tồn riêng cho bộ môn nghệ thuật này tại chính nơi được coi là “làng tổ Ca trù”.
Qua hàng trăm năm thăng trầm lịch sử, ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật ca trù vẫn luôn được duy trì ở Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) với những cách thức bảo tồn riêng...

Lỗ Khê: Trăn trở giữ nghề nơi "Làng tổ Ca trù"

Vang danh vùng đất tổ

Nằm tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội, Lỗ Khê là một ngôi làng Việt cổ đã 600 năm tuổi, đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống với quần thể đình, miếu, cổng, lũy làng. Nơi đây còn nổi danh "đất tổ ca trù", nơi lập nghiệp của hai vị Tổ Sư nghề ca trù (Đinh Dự và Đường Hoa), sản sinh ra nhiều đào nương, kép đàn nổi tiếng khắp cả nước.

Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, sử sách còn ghi, tướng Đinh Lễ (quê quán ở Động Hoa Lư, huyện An Khánh, phủ Trường Yên, đạo Thanh Hóa) theo Lê Lợi chống giặc Minh, từng đóng quân ở Lỗ Khê. Phu nhân của tướng Đinh Lễ là Trần Minh Châu, theo chồng đi đánh giặc, sinh con trai ở Lỗ Khê ngày 6/4/1413, đặt tên là Đinh Dự.

Sinh ra và lớn lên từ làng quê có chiều dày văn hóa của đất Kinh Bắc, từ nhỏ, Đinh Dự đã say mê đàn hát dân ca. Khi lập gia đình, vợ ông là bà Đường Hoa Tiên Hải cũng có năng khiếu ca hát. Hai vợ chồng Đinh Dự đã mở giáo phường dạy hát, nổi tiếng khắp vùng. Học trò của họ theo học khá đông. Chẳng những là người trong làng mà còn có nhiều học trò ở các nơi, trong nhiều phủ quanh vùng đến theo học.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, đã triệu vợ chồng ngài Đinh Dự về kinh đô để biểu diễn và ban thưởng. Sau khi Đinh Dự mất, Vua cho triệu vời Quản giáp Lỗ Khê về kinh đô nhận mỹ tự "Sinh từ tự điển" (Điển lễ thờ cúng) giao cho giáo phường thờ phụng thờ vợ chồng ngài Đinh Dự và gửi đến Lỗ Khê bài thơ ca ngợi vợ chồng Đinh Dự: "Đường lên cổ miếu ngút trời cây/Trung thần báo quốc nhớ tháng ngày/Ai bảo được trung thì mất hiếu?/Hết lòng vì nước hiếu trung thay"…

Cho đến tận ngày nay, cứ đến ngày sinh (6/4 âm lịch) và ngày mất (13/11 âm lịch) của Tổ nghề Đinh Dự, con cháu theo nghề ca trù khắp nơi trong cả nước lại về bái lễ và hát thờ trình Tổ tại cửa đền. Mỗi kỳ ấy thường kéo dài hai đến ba ngày. Hai họ Nguyễn Văn và Nguyễn Thế ở Lỗ Khê được coi là những họ được truyền nghề của địa phương suốt từ khi Tổ nghề mất cho đến bây giờ…

Năm Canh Thìn 1460, Vua Lê Thánh Tông lên ngôi, xét công trạng đã phong cho Đinh Dự là "Thanh xà Đại vương" và phong cho bà vợ là "Mãn Đường Hoa công chúa". Vợ chồng ngài Đinh Dự, Tổ sư của ca trù đã được giáo phường Lỗ Khê tạc tượng từ giữa thế kỷ 15, nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn ở nhà thờ Ca Công. Ca trù, từ thế kỷ 15 trở đi được coi là một loại ca trong cung đình, được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Nó có ba điệu chính là Hát chơi, Hát cửa đình, Hát thi, trong đó Hát cửa đình – hát thờ được coi là tinh hoa của loại diễn xướng này. Lỗ Khê là nơi lưu giữ lại thể hát ca trù cửa đình và nhiều điệu múa cổ.

Những câu hát dân gian xưa nay luôn đi theo nhịp sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt. Những câu hát ngân nga, những nhịp phách vang vọng như vậy đã len lỏi vào cuộc sống của người dân làng Lỗ Khê và bùng lên ngọn lửa với nghệ thuật ca trù. Dần dần, họ hình thành lối hát cửa đình truyền thống chỉ riêng ở Lỗ Khê mới có. Người ở nơi khác cũng hát ca trù, họ hát theo lối hát chơi hay hát hàng rong. Nhưng ca trù của Lỗ Khê độc đáo ở lối hát khuôn, khi hát phải nghiêm túc, tròn vành rõ chữ, tiếng đàn hát theo đàn khuôn.

LỖ KHÊ: TRĂN TRỞ GIỮ NGHỀ NƠI “LÀNG TỔ CA TRÙ” - Ảnh 1.

Cổng làng Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.


TRĂN TRỞ "MẤT NGHỀ" Ở CHÍNH "LÀNG TỔ CA TRÙ"

Sau Cách mạng tháng Tám, do những yếu tố khách quan và chủ quan, ca trù Việt Nam nói chung, ca trù Lỗ Khê nói riêng bị mai một, không còn nhiều người giữ nghề như trước. Năm 1993, với sự cố gắng bảo tồn vốn cổ, ngành văn hoá huyện đã mở hai lớp đào tạo và nâng cao do nghệ nhân kép Nguyễn Văn Hành và nghệ nhân Phạm Thị Mùi truyền dạy với kết quả đã đào tạo được một số đào kép trẻ như Nguyễn Văn Tuyến, Phạm Văn Phong, Đào Phạm Thị Mận, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Thảo... Tuy nhiên, do từng có thời kỳ, ca trù bị "định kiến" nên sau này, những người trẻ sinh ra, lớn lên tại Lỗ Khê lại đã chọn cho mình những công việc khác, ít người theo "nghiệp ca nương".

Ngày 01/10/2009, nghệ thuật ca trù đã trở thành di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Ca trù được xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Khi được hỏi về hiện trạng bộ môn ca trù tại "làng tổ" Lỗ Khê ngày nay, theo nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền - nghệ nhân ca trù lớn tuổi nhất ở Lỗ Khê, thực tế bây giờ "ngành tổ" đang gặp rất nhiều khó khăn.

Việc truyền dạy lại loại hình văn hoá tinh túy của làng đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian nhưng các nghệ nhân vì mưu sinh nên không thể dành hết thời gian và tinh yêu cho ca trù. Để có thể giúp mọi người hiểu rõ được những giá trị lớn lao cũng như truyền lửa cho đam mê với bộ môn nghệ thuật độc đáo này, không thể một sớm một chiều mà phải dần dần kiểu "mưa phùn ướt áo, mưa dầm thấm lâu", có khi mất cả chục năm.

Nhà Thờ Tổ Ca trù và bức tượng hai vị Tổ Sư

Để có thể theo đuổi nghệ thuật ca trù đến đầu đến đũa không phải ai cũng có thể làm được. Sở dĩ, theo các bậc tiền bối của nghề, khi biểu diễn, người hát phải vừa hát, vừa nghe đàn, vừa tự mình cầm nhịp, vừa phách khuôn lại cả phách lót trong những bài hát. Chỉ cần một cây đàn đáy, một bộ phách trúc, một trống trầu là buổi biểu diễn ca trù có thể bắt đầu. Tuy nhiên, cái khó của ca trù là phải học rất bài bản, công phu: "Khi ngồi vào đến là phải có đàn khuôn, phách khuôn, tiếng đàn, tiếng phách phải y xì nhau. Người ca nương mà đã cất lên tiếng hát là người đàn phải theo. Đàn là đàn đánh đòn, cho nên miệng hát là tay phải cầm nhịp, tay gõ phách" - Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền say sưa kể - "Hát ca trù không thể hòa chung với nhạc sống được, bởi ca trù thánh thót, thanh cao, nghe những lời văn, tiếng đàn trầm bổng, tiếng hát ngân nga". 

Vậy nên, trong quá trình học, ngoài sự nhiệt tình, tận tụy, say mê, người học còn cần ý chí và sự kiên trì cao mới có thể hoàn thành khoá học. Thậm chí, nhiều người phải trau dồi, rèn rũa đến 15 năm mới  được các nghệ nhân công nhận là "hát được". 

LỖ KHÊ: TRĂN TRỞ GIỮ NGHỀ NƠI “LÀNG TỔ CA TRÙ” - Ảnh 5.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền, thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.

"Khi tôi học ca trù, được các thầy cô chỉ bảo tận tâm sớm tối, đêm hôm, vui lắm. Lúc bấy giờ chỉ có ba kép đàn nên phải luân phiên, dù mỗi tối chỉ hát được một lượt nhưng hào hứng, say mê vô cùng. Học thì phải hành, khi mình về nhà ôn luyện, có gì khó khăn lại hỏi các thầy. Thầy dạy suông, trò học suông, chỉ có tình yêu ca trù làm động lực" - Ca nương Phạm Thị Điền nhớ lại.

Mặc dù đòi hỏi sự đầu tư nhiều về thời gian và lòng đam mê nhưng nghề hát ca trù không thể nuôi sống được ca nương. Và đó là lý do chính mà lớp trẻ không muốn theo nghề hát ca trù. 

Xuất phát từ mong muốn "giữ lửa" nghề tổ, bà Điền tình nguyện truyền nghề miễn phí cho các bạn trẻ. Hiện trong làng Lỗ Khê có 9 em nhỏ theo học ca trù nhưng đều không theo đến đầu đến đũa vì gia đình không muốn cho con em theo nghề. "Trong khi đó, kép đàn thì vẫn đang thiếu vì họ phải đi làm  mưu sinh nên hoạt động rất khó khăn. Hát ca trù mà không có tiếng đàn thì vẫn hát được nhưng không ra thế nào. Tiếng đàn xen tiếng hát, tiếng phách lẩn tiếng sinh, hát phải lấy câu nhả chữ, tròn vành rõ chữ mới ra cái hồn ca trù", nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền trăn trở.

Người trẻ chưa hiểu hết giá trị ca trù 

LỖ KHÊ: TRĂN TRỞ GIỮ NGHỀ NƠI “LÀNG TỔ CA TRÙ” - Ảnh 6.

Các nghệ nhân biểu diễn ca trù tại nhà thờ Tổ Ca trù Lỗ Khê.

Trong câu chuyện với nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền, nhiều lần bà tỏ ra buồn vì thế hệ trẻ ở địa phương còn chưa hiểu rõ giá trị của ngành tổ. Cũng có thể, do sự tác động của văn hoá trẻ nên giới trẻ ít mặn mà với nghệ thuật truyền thống. Những người biết hát, yêu ca trù ở Lỗ Khê hầu hết đều là người lớn tuổi.

Một trong những lý do khiến người người ngại học ca trù vì kĩ thuật học hát ca trù rất khó, ngoài tài năng còn cần sự say mê, nhiệt huyết. Theo lời bà Điền, hàng năm, UBND huyện cũng cho kinh phí để địa phương đào tạo nhưng rất khó khăn để có thể thành lập được một lớp học hiệu quả. 

"Các lớp học ca trù vận hành khó khăn vì ngày càng ít người theo học, thường là do các em dành nhiều thời gian học các môn văn hoá nên không thể sắp xếp để theo học ca trù nữa. Ngoài ra, ca trù vốn là môn nghệ thuật khó, giai điệu và tiết tấu vô cùng đặc biệt, lời hát là các câu ca cổ, sâu xa không dễ thuộc. So với những thể loại âm nhạc hiện đại, ca trù càng thêm kén người nghe và xa cách với thế hệ trẻ hơn", bà Điền phân tích.

LỖ KHÊ: TRĂN TRỞ GIỮ NGHỀ NƠI “LÀNG TỔ CA TRÙ” - Ảnh 7.

Các nghệ nhân biểu diễn ca trù tại nhà thờ Tổ Ca trù Lỗ Khê.


"GỐC CÒN THÌ NGỌN SẼ CÒN"

Trong nhiều năm qua, những nghệ nhân "làng tổ ca trù" Lỗ Khê đã không ngừng nỗ lực giữ lửa và truyền dạy bộ môn nghệ thuật được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể này. Bà Phạm Thị Điền, một trong những ca nương ưu tú của đất tổ ca trù Lỗ Khê cho biết, câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê hiện có trên 40 thành viên, sinh hoạt chuyên môn đều đặn mỗi tháng 2 ngày. Trong các cuộc thi hay liên hoan ca trù trên cả nước, luôn có sự góp mặt mặt của các nghệ nhân và thành viên trong câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê . 

LỖ KHÊ: TRĂN TRỞ GIỮ NGHỀ NƠI “LÀNG TỔ CA TRÙ” - Ảnh 12.

"Chúng tôi tự hào khi trong các hội thi tài năng trẻ ca trù hay các cuộc thi ca trù toàn quốc, thành viên của câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê luôn đạt được thành tích cao. Chúng tôi luôn động viên các cháu thế hệ trẻ nỗ lực làm sao để xứng đáng là truyền nhân của vùng đất tổ ca trù", bà Điền bộc bạch.

LỖ KHÊ: TRĂN TRỞ GIỮ NGHỀ NƠI “LÀNG TỔ CA TRÙ” - Ảnh 11.

Lớp hát, múa ca trù ở Lỗ Khê

Bên cạnh niềm tự hào, bà Phạm Thị Điền cũng cho biết thêm, việc tổ chức, vận hành các hoạt động luyện tập bộ môn nghệ thuật ca trù trong câu lạc bộ ở Lỗ Khê còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn về thời gian, cơ sở vật chất cũng như nguồn lực con người, cơ chế hoạt động...

Dẫu còn gặp nhiều khó khăn là vậy nhưng câu lạc bộ ca trù ở làng Lỗ Khê vẫn được các nghệ nhân tại đây nỗ lực duy trì và truyền dạy thường xuyên cho lớp trẻ. Những gương mặt trẻ tiêu biểu hiện tại phải kể đến Thục Trinh, Thu Huyền, Phạm Thị Thảo.

Cô Phạm Thị Mận - một trong những nghệ nhân ca trù tiêu biểu làng Lỗ Khê, đang bền bỉ mỗi ngày truyền lửa cho các thế hệ trẻ yêu ca trù ở Lỗ Khê cho hay, để thuận tiện cho trẻ em học ca trù, các lớp ca trù dành cho thiếu niên, nhi đồng ở Lỗ Khê thường được tổ chức vào thời gian các em được nghỉ hè. Còn đối với những người lớn tuổi sẽ tổ chức vào buổi tối và thời gian nông nhàn, khi mùa màng đã xong. 

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Mận cho hay, khác với các bộ môn nghệ thuật khác, trước khi đến với ca trù, bất kể ai muốn theo học đều phải nắm được cơ bản nguồn gốc cũng như lịch sử của ca trù ở địa phương để bồi đắp lòng yêu ca trù. Sau đó mới dần làm quen với 5 khổ phách và 5 khổ đàn, do ca trù ở đây là ca trù hát khuôn.

LỖ KHÊ: TRĂN TRỞ GIỮ NGHỀ NƠI “LÀNG TỔ CA TRÙ” - Ảnh 12.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Mận (giữa) trong một buổi hát ca trù ở địa phương

"Hơn 30 năm gắn bó với ca trù, tôi gặp rất nhiều người nước ngoài có tình yêu và sở thích tìm hiểu về nghệ thuật ca trù của Việt Nam, trong đó có rất nhiều các bạn trẻ. Tôi rất tự hào khi trong các lớp dạy ca trù của mình từng có sự tham gia của nhiều học viên ở nước ngoài như Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc,...", Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Mận cho biết.

LỖ KHÊ: TRĂN TRỞ GIỮ NGHỀ NƠI “LÀNG TỔ CA TRÙ” - Ảnh 15.

.

Đau đáu nỗi lòng "người trong cuộc"

Là nghệ nhân ca trù lớn tuổi ở Lỗ Khê, bà Điền luôn muốn tranh thủ lúc mình còn khỏe mạnh, minh mẫn để nỗ lực hết mình cho việc truyền dạy thêm được nhiều kép đàn nối nghiệp. Mong muốn lớn nhất của bà chính là tập hợp các nghệ nhân trẻ để kêu gọi các nhà tài trợ cũng như ưu tiên việc truyền dạy cho thanh thiếu niên và phụ nữ. Bà tin, khi lan toả được tình yêu ca trù trong trái tim những người trẻ và phụ nữ, chính họ sẽ là lực lượng quan trọng để phát triển và giữ hồn cốt cho vùng "đất tổ ca trù".

Còn nghệ nhân Phạm Thị Mận thì gửi gắm đầy lạc quan: "Bên cạnh nhiều người không mặn mà thì vẫn còn rất nhiều người đam mê với bộ môn nghệ thuật đặc biệt này. Còn gốc là sẽ giữ được ngọn. Ít nhất, chừng nào những người "sống chết với ca trù" như chúng tôi còn sống, thì ca trù ở Lỗ Khê chưa thể mất được".

LỖ KHÊ: TRĂN TRỞ GIỮ NGHỀ NƠI “LÀNG TỔ CA TRÙ” - Ảnh 16.

"Gốc còn thì ngọn sẽ còn", các nghệ nhân ca trù như bà Điền, cô Mận cùng người yêu ca trù Lỗ Khê luôn có một niềm tin lớn lao rằng, nếu bộ môn nghệ thuật đặc biệt này được gìn giữ, tiếp lửa và truyền dạy cho thế hệ tương lai thì không dễ dàng mai một. Để bảo vệ và lan tỏa giá trị ca trù Lỗ Khê nói riêng, ca trù Việt Nam nói chung, cần sự quyết tâm của người dân Lỗ Khê, sự quan tâm của chính quyền và cả sự chung tay của cộng đồng. 


Thảo Mi, Phương Anh, Khánh Linh, Mai Hương, Tuệ Anh
12/07/2023 14:00