Mối quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc với tranh Phật giáo đã thay đổi cuộc sống ở ngôi làng Ngũ Đồn, khiến người dân địa phương phải suy ngẫm giữa phát triển kinh tế và các giá trị tôn giáo.

Tranh Phật giáo thangka góp phần xóa đói giảm nghèo và phục hồi kinh tế nông thôn

Mối quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc với tranh Phật giáo đã thay đổi cuộc sống ở ngôi làng Ngũ Đồn, khiến người dân địa phương phải suy ngẫm giữa phát triển kinh tế và các giá trị tôn giáo

Sau 9 giờ tối, bên trong một xưởng vẽ ở làng Ngũ Đồn thuộc vùng An Đa của Tây Tạng, thuộc huyện Đồng Nhân, tỉnh Thanh Hải, Kharze và ba người học việc khác cuối cùng cũng đặt cọ vẽ xuống. Trên tấm vải trước mặt họ là bức tranh Đức Tara Xanh (một vị Bồ Tát rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Tây Tạng) khổng lồ nổi bật với ánh sáng xanh lục. Chỉ đôi mắt của Ngài là còn thiếu, và theo truyền thống, người nghệ nhân sẽ vẽ chúng bằng những nét vẽ cuối cùng.

Kharze đã dành sáu tháng để tạo ra bức tranh này. Chàng trai 25 tuổi thường dành hơn 12 tiếng mỗi ngày với độ tập trung cao để hoàn thành các chi tiết một cách chính xác nhất. "Chúng tôi làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, chỉ nghỉ một ngày trong tuần. Nó giống như văn hóa 996 ở các thành phố lớn", Kharze nói.

Tranh Phật giáo thangka: Ngành công nghiệp đứng giữa nhiều thách thức - Ảnh 1.

Kharze (trái) và những người học việc làm việc đến tối muộn tại xưởng vẽ ở trung tâm huyện Đồng Nhân, tỉnh Thanh Hải.

Tranh Phật giáo thangka: Ngành công nghiệp đứng giữa nhiều thách thức - Ảnh 2.

Một đồng nghiệp của Kharze tập vẽ tại xưởng vẽ ở huyện Đồng Nhân, tỉnh Thanh Hải.

Ở Ngũ Đồn, ngôi làng hẻo lánh nằm nép mình trên cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng này, các nghệ nhân đã tạo nên các bức thangka, thường được biết đến là những bức tranh mô tả các vị thần Phật Tây Tạng. Kỹ thuật vẽ tranh này được truyền lại và áp dụng trong nhiều thế kỷ ở làng. Theo truyền thống, tranh thangka chủ yếu được sản xuất cho các tu viện địa phương để làm công cụ giáo dục và thiền định.

Tuy nhiên gần đây, các nghệ nhân địa phương, bao gồm cả Kharze, đang làm tranh thangka để phục vụ cho một đối tượng khách hàng khác: giới thượng lưu giàu có của Trung Quốc.

Thangka đã trở thành một trong những loại hình nghệ thuật được chú ý nhất ở Trung Quốc những năm gần đây. Thangka cổ hiện được bán đấu giá với giá hàng triệu đô la. Các tác phẩm mới của những nghệ nhân Ngũ Đồn lấp đầy các phòng trưng bày ở Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng như nhà của các gia đình giàu có.

Theo ước tính của dân làng, ngành công nghiệp thangka địa phương hiện là một nguồn lực kinh tế khổng lồ trị giá 780 triệu NDT (110 triệu USD), tạo sinh kế cho ít nhất 40.000 người trên khắp Đồng Nhân, huyện hành chính bao gồm cả Ngũ Đồn. Các bảo tàng, học viện nghệ thuật và xưởng vẽ thangka mọc lên khắp nơi trong khu vực. Các tòa chung cư cao tầng và trung tâm mua sắm cũng theo đó được xây dựng.

Sự bùng nổ của thangka đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống ở Ngũ Đồn. Từng là một vùng đất nông nghiệp hẻo lánh nghèo khổ, ngôi làng và các khu vực lân cận đã trở thành một trung tâm sản xuất các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo.

Với dân làng, cơ hội việc làm từ thangka đã mang lại sự thịnh vượng chưa từng có trong khu vực. Mặc dù là một công việc vất vả nhưng thangka mở ra con đường thoát khỏi nền nông nghiệp tự cung tự cấp. Kharze, một người bỏ học từ sớm, mỗi tháng kiếm được khoảng 7.000 NDT (khoảng 23 triệu đồng), một mức thu nhập tốt theo tiêu chuẩn địa phương.

Tôi dành 360 ngày một năm trong xưởng vẽ và chưa bao giờ đến những nơi khác.

Kharze, 25 tuổi, nghệ nhân thangka

Tuy nhiên, sự bùng nổ của ngành công nghiệp thangka đã tạo ra căng thẳng kinh tế và những lo ngại về văn hóa. Người sản xuất và người mua thangka thường có kiến thức hạn chế về truyền thống Phật giáo Tây Tạng, và việc thương mại hóa thangka khiến các tác phẩm nghệ thuật được sản xuất với chất lượng thấp hơn. Lợi ích kinh tế cũng không được phân chia đồng đều, chủ xưởng vẽ có cuộc sống giàu sang và hưởng thụ trong khi bản thân các nghệ nhân, như Kharze, có tài chính khiêm tốn.

Nguồn gốc và phát triển

Huyện Đồng Nhân, được gọi là Rebgong trong tiếng Tây Tạng, có lịch sử lâu đời là một ngã tư văn hóa. Hơn 1.000 năm trước, nó nằm trên biên giới giữa các đế chế Tây Tạng và nhà Đường. Thangka, hay tranh Phật giáo Tây Tạng truyền thống, được du nhập vào khu vực từ Tây Tạng. Theo thời gian, làng Ngũ Đồn đã phát triển thangka theo phong cách riêng, chịu ảnh hưởng của cả hai nền văn hóa Tây Tạng và Hán. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, nghệ thuật thangka bị cấm ở Trung Quốc nhưng nó vẫn được người dân Ngũ Đồn, những người vô cùng tự hào về truyền thống nghệ thuật của họ, bí mật bảo tồn.

Khi tôi vẽ… mọi người không thể đột ngột vào phòng, nếu không tôi sẽ giật mình.

Gedun Dargye, 60 tuổi, một bậc thầy thangka

Nhiều người cha bí mật dạy con vẽ tranh thangka ở nhà. Không có vải bạt hay giấy, họ ngâm ván gỗ trong mực, sau đó dùng cành cây để tập vẽ các đường nét.

Gedun Dargye, một nghệ nhân lớn tuổi, đã dành hàng đêm để vẽ thangka trên những tấm ván tạm bợ này, trong căn phòng kín nhất trong nhà, nơi chỉ có một cửa sổ nhỏ được che bởi hàng rào.

Tranh Phật giáo thangka: Ngành công nghiệp đứng giữa nhiều thách thức - Ảnh 6.

Gedun Dargye, 60 tuổi, một bậc thầy thangka được công nhận, hiện dành phần lớn thời gian để giảng dạy thần học Phật giáo cho các nghệ nhân ở huyện Đồng Nhân, tỉnh Thanh Hải.

Tranh Phật giáo thangka: Ngành công nghiệp đứng giữa nhiều thách thức - Ảnh 7.

Thangka lụa thêu được bán với giá kỷ lục vào năm 2014. Nó được sản xuất vào thời nhà Minh, thời Vĩnh Lạc (1402-1424).

Sau Cách mạng Văn hóa, các nghệ nhân thangka của Ngũ Đồn được công nhận và bắt đầu khôi phục các ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng trên khắp đất nước. Tiếng tăm của ngôi làng ngày càng lan rộng, và vào những năm 1980, một số nghệ nhân thangka ở Ngũ Đồn đã được vinh danh Bậc thầy về Nghệ thuật và Thủ công quốc gia, danh hiệu về nghệ thuật cao nhất của Trung Quốc.

Sự phổ biến của thangka gia tăng vào những năm 1990, khi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ, thị trường nghệ thuật phát triển mạnh và các hoạt động tôn giáo trải qua quá trình hồi sinh. Việc được UNESCO công nhận là một loại hình nghệ thuật toàn cầu vào năm 2009 càng nâng cao vị thế của thangka.

Các doanh nhân và quan chức giàu có của Trung Quốc, đặc biệt là những người ở Bắc Kinh, trở thành những nhà sưu tập thangka, đặt mua tranh mới và chi những khoản tiền đáng kể cho chúng. Gần đây, thangka cũng đã trở nên phổ biến đối với Gen Z Trung Quốc, những người tìm đến niềm tin Phật giáo như một cơ chế đối phó với đại dịch COVID-19. 

Để phục vụ thị trường đang phát triển này, các công ty bắt đầu sản xuất các loại tranh thangka rẻ hơn, dành cho thị trường đại chúng, bao gồm cả mặt dây chuyền thangka có thể đeo trên cổ. Hàng trăm nghìn mặt dây chuyền đã được bán qua các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, thu hút cả những người trẻ tìm kiếm sự may mắn và cả những người có tư duy thực dụng.

Kinh tế và tôn giáo

Ngành công nghiệp thangka mang lại sự giàu có đáng kể cho làng Ngũ Đồn, giúp mở rộng các ngôi chùa Phật giáo và tăng đáng kể thu nhập của người dân. Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên quan ngại của địa phương về người ngoài làng và thương mại hóa.

Ban đầu, có ý kiến phản đối việc cho phép người ngoài làng học vẽ tranh thangka vì lo ngại các động cơ tài chính. Năm 2006, dân làng cuối cùng cũng chấp thuận chia sẻ kỹ thuật làm tranh thangka khi được chính quyền địa phương thuyết phục, với lập luận rằng làm như vậy sẽ giúp truyền bá loại hình nghệ thuật này.

Sự phát triển của thị trường thangka dẫn đến việc thành lập các doanh nghiệp sản xuất tranh hàng loạt, điều người dân địa phương không tán thành vì đi chệch khỏi bản chất thiêng liêng và chủ nghĩa cá nhân của việc sản xuất thangka. Các doanh nghiệp đến Ngũ Đồn và cố gắng sản xuất tranh hàng loạt. Một số xưởng giống như dây chuyền lắp ráp của nhà máy: Nghệ nhân hoàn thành tranh thangka theo nhóm, mỗi người sẽ thêm các chi tiết giống nhau vào tranh.

Cọ vẽ của tôi được kết nối với trái tim tôi. Toàn bộ con người tôi, tâm hồn tôi, đang hòa với thangka.

Gedun Dargye

Trong khi đó, vẽ tranh thangka truyền thống được coi là một quá trình thiêng liêng, một sự sùng kính Đức Phật đòi hỏi sự kết nối sâu sắc và sự tham gia của một cá nhân. Cho đến ngày nay, các cậu bé ở Ngũ Đồn vẫn học vẽ thangka trong chùa từ năm 9 tuổi và được dạy đọc kinh khi học.

Trong khi chính quyền địa phương muốn thu hút nhiều người ngoài làng Ngũ Đồn tham gia ngành công nghiệp thangka để xóa đói giảm nghèo và phục hồi nền kinh tế nông thôn, thì điều này lại vấp phải phản đối từ các nghệ nhân địa phương, những người ưu tiên bảo tồn bản chất thiêng liêng của loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, vẫn có những học viện ở Đồng Nhân chấp nhận học viên xuất thân từ các gia đình nghèo khó, cùng với đó là các khoản trợ cấp từ chính quyền địa phương. Những học viện này không thu học phí, cung cấp thức ăn và chỗ ở miễn phí cho học viên với mục đích giúp họ tìm được việc làm có mức thu nhập tốt.

Tranh Phật giáo thangka đứng giữa nhiều thách thức - Ảnh 9.

Gedun Dargye bắt đầu vẽ hình ảnh Đức Phật lên lá để đáp ứng nhu cầu phổ biến về nghệ thuật Phật giáo giá cả phải chăng.

Tranh Phật giáo thangka đứng giữa nhiều thách thức - Ảnh 10.

Học viên tại Cung Văn hóa Dân tộc Regong ở huyện Đồng Nhân, tỉnh Thanh Hải tập vẽ tranh thangka.

Rủi ro và cạnh tranh

Sau khi học việc và tích cóp một khoản tiền, các nghệ nhân thường thành lập xưởng vẽ riêng và tìm cách xây dựng danh tiếng để thu hút sự chú ý. Giành giải thưởng và danh hiệu trong các cuộc thi là một yếu tố quan trọng để những nghệ nhân thangka được công nhận và góp phần định giá cho tác phẩm của họ. Tuy nhiên, những cuộc thi này không phải lúc nào cũng công bằng vì nhiều yếu khác nhau.

Tranh Phật giáo thangka đứng giữa nhiều thách thức - Ảnh 11.

Thành viên của một gia đình nghệ nhân thangka sống cùng nhau trong một khu dân cư của huyện Đồng Nhân, tỉnh Thanh Hải và dành phần lớn thời gian để vẽ tranh.

Tuổi nghề của một nghệ nhân tranh thangka cũng tương đối ngắn, thường kéo dài từ 25 đến 45 tuổi. Ngoài ra, các chất độc hại trong tranh thangka, chẳng hạn như thủy ngân, có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng đến thị lực.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp làm tranh thangka cũng làm dấy lên lo ngại về tính bền vững và khả năng suy giảm của thị trường. Một số nghệ nhân lo lắng việc ngành công nghiệp này trở nên quá bão hòa sẽ khiến giá tranh giảm. Nỗi sợ thangka được sản xuất hàng loạt và làm giả cũng như sự cạnh tranh gay gắt về giá cả đang đè nặng lên các nghệ nhân.

Jampa Gyatso, một nghệ nhân 43 tuổi, cho biết: "Mọi người đều học vẽ, kiếm tiền và mua ô tô… nhưng hiện có quá nhiều người làm trong ngành này. Thangka dần dần mất đi giá trị của chúng".

Tranh Phật giáo thangka đứng giữa nhiều thách thức - Ảnh 12.

Con phố chính bên ngoài một tu viện ở Ngũ Đồn, nơi có các cửa hàng bán tranh thangka.

Một số người dân địa phương lo ngại về tác động của ngành công nghiệp thangka đối với cộng đồng. Trẻ em thường bỏ học khi còn nhỏ để học vẽ thangka, nhưng nếu thị trường suy giảm, lựa chọn theo đuổi nghề này có thể ít khả quan hơn. Nhiều nghệ nhân bày tỏ mong muốn cho con cái theo nghề khác và được học hành đầy đủ.

Con của những người bạn tôi đã bắt đầu hỗ trợ gia đình và tất cả họ đều có thể nghỉ hưu. Tôi không nghĩ mọi người trong cùng một gia đình nên chọn vẽ thangka. Mỗi cá nhân có những tài năng và thế mạnh riêng, và họ nên theo đuổi những con đường và lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Trong cùng một ngôi làng cũng vậy.

Jampa Gyatso

Giống như nhiều người cùng tuổi, Jampa Gyatso bắt đầu vẽ tranh khi còn nhỏ và chưa bao giờ học đọc tiếng Trung Quốc. Anh không muốn các con theo nghề vẽ tranh thangka của mình. Con trai lớn của Gyatso sắp vào đại học, con thứ hai đã đi tu còn con út đang học tiểu học.

Jampa Gyatso từng bị gạt bởi những người giả làm chủ phòng tranh, khiến một số bức tranh của anh bị đánh cắp. Điều này là một bước ngoặt đối với Jampa Gyatso, khiến anh quyết tâm đảm bảo rằng các con của mình được học hành chính quy hơn là nối gót anh với tư cách là một nghệ nhân vẽ thangka. Anh nói với các con trai của mình mỗi ngày: "Con đừng nên như bố. Bố vẽ rất đẹp nhưng thiếu hiểu biết và trải nghiệm về thế giới bên ngoài, ngay cả việc gọi đồ ăn ở các thành phố lớn cũng khó khăn".

Người cha tin rằng thông qua giáo dục và tiếp xúc với thực tế của thế giới bên ngoài làng, con cái của anh sẽ được trang bị tốt hơn để đối mặt với những thách thức và sự phức tạp của cuộc sống, tránh những cạm bẫy tiềm ẩn và thành công trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

(Theo Sxith Tone)
12/06/2023 14:00