Triển lãm khám phá về di sản tinh thần và nghệ thuật phong phú của nền văn hóa Phật giáo sơ khai ở Ấn Độ.

TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO TỪ ẤN ĐỘ: KHI TỰ NHIÊN GẶP GỠ SIÊU NHIÊN

Triển lãm khám phá về di sản tinh thần và nghệ thuật phong phú của nền văn hóa Phật giáo sơ khai ở Ấn Độ.

Triển lãm "Tree & Serpent: Early Buddha Art in India, 200 BCE - 400 CE" (tạm dịch Cây và rắn: Nghệ thuật Phật giáo sơ khai ở Ấn Độ, năm 200 TCN - 400) tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York) từ ngày 21 tháng 7 cho đến ngày 13 tháng 11 giới thiệu bộ sưu tập ấn tượng về nghệ thuật Phật giáo cổ đại, được thu thập thông qua nhiều nỗ lực ngoại giao và chuẩn bị tỉ mỉ trong hơn một thập kỷ.

Triển lãm kể câu chuyện về nguồn gốc của nghệ thuật Phật giáo. Khung cảnh tôn giáo của Ấn Độ cổ đại chịu tác động bởi những giáo lý của Đức Phật, từ đó truyền cảm hứng để nghệ thuật trở thành phương tiện thể hiện các thông điệp của Ngài. 

Bảo tháp, công trình tôn giáo đồ sộ cổ xưa nhất ở Ấn Độ cổ đại, không chỉ lưu giữ xá lợi của Phật và là địa điểm hành hương mà còn trở thành nền tảng để truyền đạt giáo lý của Ngài thông qua các biểu tượng tượng trưng và kể chuyện bằng hình ảnh. Xá lợi và các thánh tích nguyên bản là trung tâm của cuộc triển lãm mà đỉnh cao là chính hình ảnh Đức Phật.

Nghệ thuật Phật giáo từ Ấn Độ: Nơi tự nhiên gặp gỡ siêu nhiên - Ảnh 2.

Tượng đá vôi Dạ Xoa nữ (Yakshi) từ Đại bảo tháp Amaravati ở bang Andhra Pradesh (miền nam Ấn Độ), có từ thế kỷ thứ 2 TCN. Trong tín niệm Phật giáo, Dạ Xoa là loài quỷ ở trên mặt đất hoặc trong hư không, dùng oai thế hại người hoặc dùng oai thế giữ gìn Chánh pháp

Với hơn 125 hiện vật có niên đại từ năm 200 TCN đến năm 400, triển lãm xoay quanh một loạt các chủ đề được kết nối với nhau, tiết lộ các mối liên hệ, ảnh hưởng giữa nghệ thuật tạo hình tiền Phật giáo và các truyền thống đã phát triển cùng với sự phát triển của Phật giáo. 

Triển lãm có quy mô lớn với các tác phẩm cổ từ Ấn Độ như vậy rất hiếm khi được tổ chức tại một bảo tàng Mỹ, và có thể điều này sẽ không lặp lại trong tương lai gần.

Nhiều hiện vật từ triển lãm được mượn tử Ấn Độ, Vương Quốc Anh, châu Âu..., đưa mọi người vào thế giới của những hình ảnh Phật giáo sơ khai khi tôn giáo này phát triển từ một tập hợp các giáo lý đạo đức cốt lõi thành một trong những tôn giáo lớn của thế giới. Triển lãm giới thiệu kho tàng các hiện vật nghệ thuật đa dạng được làm từ các chất liệu khác nhau, thể hiện sự xuất sắc về nghệ thuật của các nền văn minh Ấn Độ cổ đại.

Các tác phẩm thể hiện sự kết nối giữa thế giới tự nhiên và thế giới siêu nhiên, cung cấp cái nhìn sâu sắc về niềm tin tâm linh và bối cảnh văn hóa khi Phật giáo xuất hiện. Nó tập trung vào cuộc đời của Siddhartha Gautama (phiên âm Hán - Việt: Tất-đạt-đa Cồ-đàm), người sau này chính là Đức Phật.

Ngài sinh vào thế kỷ thứ 5 TCN, xuất thân là thái tử của vương tộc Gautama của tiểu quốc Shakya (Thích Ca), nơi ngày nay nằm ở vùng biên giới Ấn Độ - Nepal. Nhận thức sâu sắc về đau khổ và vô thường của cuộc sống, Ngài từ bỏ cuộc sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ để đi tìm đạo.

Khi bắt đầu cuộc hành trình tâm linh của mình, Ngài nhận ra mối liên hệ sâu sắc với thiên nhiên: cây cối có linh hồn, chim chóc biết suy nghĩ, rắn mang sức mạnh bảo vệ. Trong thế giới này, những sinh vật đặc biệt - nửa cá sấu, nửa hổ, nửa cá - phổ biến như vật nuôi trong nhà. 

Các linh hồn tự nhiên, hay Dạ Xoa, vừa kỳ dị vừa lộng lẫy, vừa ác độc vừa hiền lành. Chính trong bối cảnh này, Ngài đạt được giác ngộ và trở thành Phật, đưa ra những giáo lý là nền tảng của Phật giáo.

Xá lợi từ bảo tháp ở Piprahwa, quận Siddharthnagar, bang Uttar Pradesh. Xá lợi là phần di thể của các vị cao tăng Phật giáo sau hỏa táng, được thu thập từ tro với mô tả là “giống như búp hoa nhài, ngọc trai đã rửa sạch và hạt vàng". Những xá lợi này có vào khoảng năm 240 ‒ 200 TCN, bao gồm cả vàng (hình trái) và đá bán quý, pha lê đá, ngọc trai và vỏ sò (hình phải).

Nghệ thuật Phật giáo từ Ấn Độ: Nơi tự nhiên gặp gỡ siêu nhiên - Ảnh 4.

Trụ lan can bằng đá sa thạch có từ năm 150 - 100 TCN, được mượn từ bảo tháp ở Bharhut, bang Madhya Pradesh. Trụ được trang trí với nhiều hình ảnh Phật giáo thời sơ khai như hoa sen, rắn, cây bồ đề, ngai vàng bỏ trống. Hai tín đồ nữ quỳ trước ngai vàng thể hiện nơi Phật Câu Na Hàm, một trong Bảy vị Phật quá khứ hay Bảy vị Phật nguyên thủy (Đức Phật, hay Phật Thích Ca Mâu Ni thuộc Hiền kiếp là vị Phật cuối cùng trong số này) đã giác ngộ. Cây bồ đề tượng trưng cho trí tuệ vươn lên phía trên với quả và lá. Trụ cũng chạm khắc hình tượng rắn thần Naga Mucalinda. Theo Phật thoại, rắn Mucilinda đã hiện ra che chở cho Đức Phật khi Ngài tham thiền trong cơn giông bão.

Nghệ thuật Phật giáo từ Ấn Độ: Nơi tự nhiên gặp gỡ siêu nhiên - Ảnh 6.

Phiến trống bằng đá vôi chạm khắc hình ảnh một bảo tháp trang trí lộng lẫy, ở lối vào có hình ảnh Đức Phật được bảo vệ bởi rắn Naga Mucilinda, xung quanh là các tín đồ. Mái vòm của bảo tháp chạm khắc hình ảnh Nhục kế (là búi tóc bằng thịt trên đỉnh đầu của Đức Phật) và Bát của Đức Phật (bát khất thực), giấc mộng thấy voi trắng của Hoàng hậu Maya, sự ra đời của Đức Phật, sự giác ngộ của Đức Phật và những câu chuyện khác về cuộc đời của Ngài. Tác phẩm này được mượn từ Nagarjunakonda, bang Andhra Pradesh, từ cuối thế kỷ thứ 3.

Nghệ thuật Phật giáo từ Ấn Độ: Khi tự nhiên gặp gỡ siêu nhiên - Ảnh 6.

Ban đầu, Đức Phật thường được mô tả qua các biểu tượng như Luân xa (Chakra), hay bánh xe. Đây là một biểu tượng lâu đời của Phật giáo và nhiều tôn giáo khác như Ấn Độ giáo và Kỳ Na giáo. “Chuyển pháp luân” là ẩn dụ để chỉ sự truyền bá giáo lý của đạo Phật tại thế gian. Phật giáo Đại thừa quan niệm rằng Đức Phật đã chuyển pháp luân ba lần. Lần thứ nhất là Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên tại Vườn Lộc Uyển sau khi thành đạo. Trong bài pháp này, Ngài đã giảng về Tứ Diệu Đế, vốn là nền tảng của hệ thống giáo lý đạo Phật. Lần chuyển pháp luân thứ hai Đức Phật đã dạy khái niệm về “tánh Không” (shunyata) và những giáo lý trong Bát Nhã Tâm kinh. Trong lần chuyển pháp luân thứ ba, Ngài dạy những con đường cụ thể để nhanh chóng chứng đạt trí tuệ tánh Không và giáo lý về Phật Tánh.

Triển lãm nghệ thuật Phật giáo từ Ấn Độ: Khi tự nhiên gặp siêu nhiên - Ảnh 6.

Mảnh trống mô tả những thời điểm quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật: xuất gia, giác ngộ và nhập Niết Bàn. Phần trung tâm mô tả việc Đức Phật rời bỏ hoàng cung để đi tìm đạo, như hình ảnh con ngựa không người cưỡi đi qua một cánh cổng cao, bắt đầu cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Chiếc ngai vàng rỗng bên dưới gốc cây ở bên trái là ẩn dụ cho sự giác ngộ và thành đạo của Đức Phật tại Bồ Đề Đạo Tràng, trong khi mái vòm của điện thờ ở bên phải chứa xá lợi răng, một biểu tượng về sự nhập diệt của Đức Phật.

Triển lãm cũng thể hiện các kết nối toàn cầu và trao đổi văn hóa diễn ra giữa Ấn Độ và các khu vực khác. Các đồ tạo tác, chẳng hạn như một bản sao thời La Mã của một bức tượng Hy Lạp được tìm thấy ở Tây Ấn Độ và một bức tượng nhỏ bằng ngà từ miền nam Ấn Độ được phát hiện ở Pompeii, chứng minh sự giao thoa giữa các nền văn hóa và ảnh hưởng của các phong cách nghệ thuật phương Tây đối với nghệ thuật Phật giáo ở Ấn Độ.

Khi Phật giáo phát triển, các bảo tháp trở thành biểu hiện kiến trúc đầu tiên cho đức tin. Những công trình kiến trúc hình mái vòm này được xây dựng để thờ xá lợi của Phật và là nơi hành hương quan trọng của Phật tử. Phần trưng bày bao gồm hình ảnh đại diện của các bảo tháp dưới nhiều hình thức khác nhau, cả dưới dạng tác phẩm điêu khắc độc lập và phù điêu chạm khắc trên các tấm đá.

Trong nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu, các mô tả ban đầu về Đức Phật mang một đặc điểm độc đáo và thú vị: chính Đức Phật thường vắng mặt trong các tác phẩm nghệ thuật. 

Thay vì mô tả trực tiếp hình dáng vật chất của Đức Phật, các nghệ sĩ sử dụng các yếu tố tượng trưng để thể hiện Ngài, như một ngai vàng trống rỗng, cột lửa, bánh xe, dấu chân hoặc chính bảo tháp. 

Những hình ảnh mang tính biểu tượng này gắn với các câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật và cũng là một cách để tôn vinh và tưởng nhớ sự hiện diện của Đức Phật mà không qua hình dáng vật chất. 

Chúng cũng phản ánh quan niệm cho rằng thành tựu giác ngộ của Đức Phật là một điều vượt ra khỏi sự tồn tại và đau khổ của con người bình thường, và việc miêu tả Ngài ở dạng hình người được coi là không phù hợp.

Triển lãm nghệ thuật Phật giáo từ Ấn Độ: Khi tự nhiên gặp siêu nhiên - Ảnh 7.

Một biểu tượng đại diện cho Đức Phật: phiến đá mô tả dấu chân của Ngài, một nét đặc trưng thường thấy của kiến trúc tu viện Phật giáo ở miền nam Ấn Độ.

Các tác phẩm điêu khắc với một hình tượng duy nhất và chịu ảnh hưởng của phong cách phương Tây đã có tác động đáng kể đến nghệ thuật Phật giáo ở miền bắc Ấn Độ, đặc biệt là ở những nơi như Gandhara. Sau đó, vào khoảng thế kỷ thứ 3 và thứ 4, phong cách này trở nên phổ biến ở các vùng phía nam.

Khi phong cách này lan rộng về phía nam, những bức tượng Đức Phật trong hình dạng người bắt đầu xuất hiện. Những bức tượng này được chạm khắc hoặc đúc, đứng riêng và thường mặc áo choàng, được thờ ở các tu viện, thay thế các vị thần rắn và thần cây trước đó là một phần của tín ngưỡng tự nhiên. Một số biểu tượng của Đức Phật, như bánh xe Pháp, cũng được đưa vào các tác phẩm điêu khắc mới này.

Thời gian trôi qua, vào cuối thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 6, ảnh hưởng của Phật giáo đã lan rộng đến Đông Nam Á và Trung Quốc và sau đó được du nhập đến Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6 hoặc thứ 7. Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim của Phật giáo ở Ấn Độ qua đi khi tôn giáo này chịu ảnh hưởng bởi sự trỗi dậy của các hình thức truyền giáo mới của Ấn Độ giáo và sau đó là sự phát triển của Hồi giáo. Cuối cùng, Phật giáo suy yếu ở Ấn Độ vào thế kỷ 12, để lại một di sản nghệ thuật to lớn phản ánh sự tương tác sâu sắc giữa tự nhiên, siêu nhiên và tinh thần con người.

Nghệ thuật Phật giáo cổ đại trong triển lãm không chỉ toát lên sức sống và tính biểu cảm, nó cũng mang một thông điệp sâu sắc về vô thường đối với sự tồn tại của con người. Các tác phẩm điêu khắc cổ mô tả mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên, tượng trưng cho nhu cầu hài hòa và tôn trọng môi trường. Khi nhân loại đối mặt với những thách thức về môi trường và hậu quả từ những hành động của mình, các tác phẩm đóng vai trò như một lời bình luận sâu sắc về tầm quan trọng của việc bảo tồn thế giới tự nhiên.

Nghệ thuật Phật giáo từ Ấn Độ: Nơi tự nhiên gặp gỡ siêu nhiên - Ảnh 7.

Đức Phật trong hình dạng cơ thể, được điêu khắc bằng đá vôi, có từ thế kỷ thứ 3.

Kim Ngọc (Theo New York Times)