Triết lý sống của người Việt qua trò chơi dân gian

06/11/2022 14:28
Thi đấu kéo co ở Lễ hội Đầm Mây,xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Ảnh minh họa

Thi đấu kéo co ở Lễ hội Đầm Mây,xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Ảnh minh họa

Các trò chơi dân gian không đơn thuần chỉ để giải trí, nó còn là sự phản ánh quan niệm sống của người Việt.

Trò chơi dân gian là sản phẩm của một cộng đồng, là tài sản chung của cả xã hội, thuộc về quần chúng nhân dân và gắn liền với sự tồn tại, phát triển của một cộng đồng. Nằm trong nền văn minh phương Đông, Việt Nam là một nước nông nghiệp lúa nước và lấy nông nghiệp làm nghề sinh sống, lao động chính. Chính trong khó khăn, cực nhọc mà nhân dân đã sáng tạo ra nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác nhau. 

Trò chơi dân gian ở Việt Nam là những hoạt động vui chơi giải trí do quần chúng nhân dân sáng tạo ra và được lưu truyền tự nhiên qua nhiều thế hệ. Nó có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, không hạn định về mặt thời gian, không gian và phản ánh đời sống tinh thần, văn hóa của dân tộc.

Trò chơi dân gian là một hình thức sinh hoạt cộng đồng được nhân dân tiếp cận và gắn bó nhiều nhất. Các trò chơi dân gian không đơn thuần là để giải trí mà nó còn phản ánh quan niệm sống của người Việt.

Trò chơi mang tính chiến đấu

Đấu vật: Đây là một trò chơi thượng võ, cũng là một môn thể thao rất nổi tiếng vào các dịp Tết hoặc lễ hội. Ngày Tết hiện còn nhiều hội vật ở Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế... Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng xã đã treo giải vật rất cao. Đấu sĩ vật đòi hỏi sức khỏe, mưu trí và nhanh nhẹn.

Triết lý sống của người Việt qua trò chơi dân gian - Ảnh 1.

Đấu vật trong lễ hội

Kéo co: Là trò chơi thu hút được rất nhiều người cùng tham gia, vừa có tác dụng rèn luyện sức khỏe, lại vừa vui vẻ, thoải mái, kéo co trở thành trò chơi tập thể rất phổ biến. Cách chơi đơn giản, số người chơi bao nhiêu tùy ý, chia làm hai phe bằng nhau, làm mốc đánh dấu vạch vôi để bên nào kéo được đối phương sang qua vạch mốc bên kia là bên đó thắng.

Chọi gà: Trò chơi này là một thú chơi tao nhã, vừa có tính tiêu khiển, lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Trò chọi gà đòi hỏi một sự kỳ công lớn của người nuôi, từ việc chọn gà giống, chăm sóc, tập luyện... Tuy nhiên, sau này, chọi gà dần bị biến tướng thành một môn cờ bạc, mất đi ý nghĩa văn hóa vốn có của nó.

Chơi cờ người: Ở các giải đấu cờ tướng, quân cờ là người thật mang áo có hình một quân trên bàn cờ. Trong mỗi trận đấu vừa có tính tranh đua của các kỳ thủ vừa có sự biểu diễn, bởi sau một nước đi là màn biểu diễn các bài võ thuật của các "quân cờ", nhất là nước có ăn quân.

Cướp khăn (cướp cờ): Trên một sân rộng có một vòng tròn nhỏ, là nơi để cái khăn, mũ hoặc cờ nhỏ, hai đội chơi (mỗi đội 7-15 người) ở hai đầu sân, cách vòng tròn đó khoảng 4-5m, được vạch hai làn ranh. Hai đội đứng dàn hàng ngang đối nhau và bắt từng cặp một theo thứ tự. Khi người điều khiển để kêu số thì từng cặp sẽ cùng chạy lên tìm cách lấy được khăn.

Triết lý sống của người Việt qua trò chơi dân gian - Ảnh 2.

Chơi quay

Đua thuyền: Đây là trò chơi diễn ra ở rất nhiều nơi trong cả nước, tùy theo tập tục của vùng miền, dân tộc, điều kiện sinh sống… Chẳng hạn, người miền ngược thường đua thuyền độc mộc, người miền biển đua thuyền thúng, người Khmer lại đua ghe Ngo… Các cuộc đua thuyền phản ánh sâu sắc đời sống gắn bó với sông nước của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Trò chơi mang tính cạnh tranh

Bịt mắt bắt dê: Trên một sân cỏ, người chơi quây xung quanh làm vòng tròn. Mỗi cặp chơi hai người bị bịt mắt thật chặt lần lượt vào sân chơi. Một trong hai người làm dê, người kia bắt. Người làm dê trong quá trình chạy trốn thỉnh thoảng phải gây ra tiếng động để người bắt biết mà đuổi theo... Trò chơi này nguyên là bịt mắt bắt dê thật nhưng sau không dùng dê mà người đuổi bắt người nhưng vẫn dùng tên cũ.

Leo cầu lấy thưởng: Ở một bờ đất cao trên một hố đất rộng có bắc một đoạn tre làm cầu. Đoạn tre ấy một đầu nằm ghếch trên bờ đất, đầu kia buộc vào sợi thừng hay chão, dây buộc vào chiếc cột chôn vững chắc, có treo giải thưởng. Chiếc cầu luôn đung đưa khó đi nên nhiều người ngã lăn xuống hố. Cuộc chơi vì thế mà rất hào hứng, vui vẻ.

Triết lý sống của người Việt qua trò chơi dân gian - Ảnh 3.

Kéo co

Bắt chạch trong chum: Đặt trước sân đình, mỗi chum được đổ 2/3 nước và thả vào đó một con chạch. Từng đôi trai gái tham gia trò chơi, mỗi người phải đưa một tay ra ôm nhau, còn tay kia thò vào chum bắt chạch. Chạch trơn nên luôn chạy thoát, thành ra đôi trai gái chỉ bắt được... tay nhau. Dân làng đứng xung quanh reo hò cổ vũ và trêu đùa các đôi.

Đánh phết: Trước sân đình, hai đầu sân có vòng tròn vạch vôi hay đào lỗ làm mục tiêu. Người đánh phết chia làm hai phe dùng gậy tre để cả gốc dài 1m đánh vào quả phết (làm bằng gỗ tròn sơn đỏ), hễ quả chuyển vào vòng tròn (hay lỗ) của đối phương là thắng cuộc. Trò chơi này cũng là nguồn gốc của quán ngữ "vui ra phết".

Ý nghĩa văn hóa sâu sắc của các trò chơi dân gian

Triết lý sống của người Việt qua trò chơi dân gian - Ảnh 4.

Chơi cờ người

Theo GS Tô Ngọc Thanh: "Trò chơi là một hoạt động dưới dạng trình diễn những tín hiệu và thông qua quy luật sáng tạo và nâng cao nhận thức của họ về tự nhiên, xã hội và bản thân". Hầu hết những khái niệm về "trò chơi" đều cho nó gắn với mục đích cốt yếu là sự vui chơi giải trí. Trò chơi dân gian Việt Nam cũng không nằm ngoài yếu tố đó nhưng để hiểu đúng về khái niệm trò chơi dân gian thì phải đặt nó trong đời sống của nhân dân.

Các trò chơi dân gian của người Việt đều gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp và chống ngoại xâm. Tuy ý nghĩa cụ thể của từng trò chơi có khác nhau nhưng xét ở góc độ văn hóa, các trò chơi này đều mang một số ý nghĩa chung, đó là:

Cầu mong may mắn trong năm mới: Tổ chức các trò chơi có tính cạnh tranh không có nghĩa là làng này, địa phương này giành lấy cái may mắn của làng khác, địa phương khác mà để tạo động lực cùng nhau cố gắng để được may mắn nhiều hơn.

Rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo, mưu trí: Dù trong sản xuất hay chiến đấu thì cũng cần phải mạnh khỏe, nhanh nhẹn, khéo léo, thông minh, gan dạ… Muốn vậy thì phải rèn luyện, và không gì tốt hơn bằng các trò chơi, các cuộc thi. Bởi vậy, phần nhiều các trò chơi dân gian đều mang tính cạnh tranh cao hoặc tính chiến đấu khá quyết liệt.

Triết lý sống của người Việt qua trò chơi dân gian - Ảnh 6.

Trò chơi leo cầu lấy thưởng

Đề cao tính tập thể, tính cộng đồng: Trò chơi dân gian nào cũng mang tính làng xã, bởi dù ở những trò chơi cá nhân thì cũng được sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo bà con. Còn với những trò chơi tập thể thì đại diện cho nguyện vọng của một cộng đồng. Do đó, thành công của cá nhân gắn liền với thành công tập thể và là sự động viên cho cả làng xã cho mùa vụ mới, cho một năm mới.

Ghi dấu và nhớ ơn các tiền nhân: Một số trò chơi chính là diễn lại các hoạt động chống giặc hoặc khẩn hoang của cha ông xưa. Chẳng hạn trò đánh phết gắn với sự tích Hai Bà Trưng luyện tập binh sĩ, sau cũng được Lý Thường Kiệt áp dụng khi chống quân Tống; hay các hội cờ thường nhắc đến một người đánh cờ rất nổi tiếng là Đế Thích, người Thăng Long và đời Lê sơ (1428-1527), cũng là nhắc đến mưu trí của người Việt qua các thời kỳ lịch sử; còn hội đua thuyền tương truyền có từ thời vua Lê Đại Hành (985), người đặt ra lệ đua thuyền đầu tiên…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.