Trung Quốc: Người cao tuổi chọn sống ở chùa thay vì đi viện dưỡng lão

06/05/2023 10:44

Chăm sóc người già tại chùa không thể thay thế vai trò của các viện dưỡng lão truyền thống. Tuy nhiên, điều này cung cấp một lăng kính để nhìn nhận lại các mối quan hệ giữa người lớn tuổi, xã hội và gia đình.

Khoảng 5 giờ sáng, ngày mới ở một ngôi chùa bắt đầu. Trong không gian tĩnh lặng đó, những người lớn tuổi với mái tóc hoa râm, trên người mặc áo cà sa lặng lẽ chắp tay bước vào chánh điện. Họ không phải là nhà sư mà là những người lớn tuổi chọn sống những năm tháng cuối đời trong chùa thay vì ở các cơ sở chăm sóc người già truyền thống.

Giữa tình trạng dân số già đi nhanh chóng, tỷ lệ sinh giảm và sự gia tăng của các gia đình hạt nhân, Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chăm sóc người cao tuổi. Trong khi một số gia đình lựa chọn đưa người lớn tuổi đến viện dưỡng lão để được hỗ trợ, không phải ai cũng sẵn sàng đưa ra quyết định đó. Trong một xã hội đề cao chữ hiếu với quan niệm cho rằng con cái phải chăm sóc cha mẹ tại nhà, việc gửi người già vào viện dưỡng lão thường bị coi là bất hiếu.

Tuy nhiên, do những khó khăn liên quan đến việc chăm sóc người cao tuổi tại nhà, một số gia đình hiện đang xem xét các lựa chọn thay thế như gửi người già đến chùa. Tính đến cuối năm 2022, có khoảng 53 ngôi chùa cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc, tập trung ở các tỉnh phía đông như Giang Tô, Chiết Giang và Phúc Kiến. Mỗi chùa có từ 30 đến 500 người cao tuổi.

Trung Quốc: Người cao tuổi sống ở chùa thay vì đi viện dưỡng lão - Ảnh 1.

Cuộc sống tại cơ sở chăm sóc người già trong một ngôi chùa ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô.

Chùa Phật giáo ở Trung Quốc có lịch sử lâu đời về hoạt động từ thiện, thường thực hiện theo yêu cầu của chính phủ để hỗ trợ người nghèo, người bệnh tật và người già. Tuy nhiên, trước thế kỷ 20, chùa thường tập trung chủ yếu vào các vấn đề tâm linh liên quan đến thế giới bên kia.

Năm 1928, một nhà sư Phật giáo có tầm ảnh hưởng là Thái Không đã xuất bản một bài phê bình Phật giáo Trung Quốc, kêu gọi cách tiếp cận mới nhấn mạnh việc phục vụ đời sống và gắn kết với xã hội thế tục. Ngài đề xuất khái niệm "Phật giáo vì cuộc sống con người" (sau đổi tên thành "Phật giáo nhân văn"), nhằm mục đích áp dụng các nguyên tắc Phật giáo vào những thách thức con người phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Khái niệm này trở nên phổ biến theo thời gian, với những người kế thừa tinh thần của Thái Không tiếp tục truyền bá nó.

Đến năm 2012, chính phủ Trung Quốc mới chính thức chấp thuận việc các nhóm tôn giáo tham gia hoạt động từ thiện và đưa ra các chính sách ưu đãi như giảm thuế, trợ cấp và hỗ trợ điện nước cho các tổ chức này. Một số chùa đã thành lập viện dưỡng lão cho người dân. 

Hầu hết người cao tuổi chọn chăm sóc tại chùa đều là Phật tử tại gia, nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, chùa Đại Thánh ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, thu nhận nhiều người già góa bụa và đơn chiếc mà không yêu cầu họ phải theo đạo Phật.

Các ngôi chùa không coi việc chăm sóc người lớn tuổi là nhiệm vụ chính mà coi đó là một khía cạnh của "tu thân" cho nhóm đối tượng này. Người lớn tuổi sống trong chùa có lối sống đơn giản, họ mặc quần áo xám, đen và nâu và ăn chay, tượng trưng cho việc tuân thủ giới luật Phật giáo. Họ cũng thực hành giáo lý Phật giáo trong cuộc sống hàng ngày để tích công đức cho kiếp sau. Cách tiếp cận chăm sóc này giúp người cao tuổi cảm thấy họ đang tích cực đóng góp vào sự phát triển tâm linh của chính mình thay vì cảm thấy là gánh nặng và chỉ phụ thuộc vào người khác.

Điều này cũng mang đến một cách tiếp cận khác về lòng hiếu thảo trong Nho giáo. Phật giáo từ lâu đã đưa ra những cách giải thích về mối quan hệ cha mẹ - con cái cũng như quan niệm về lòng hiếu thảo khác với Nho giáo. Trong cuốn sách "Đại hiếu thực sự", pháp sư Huệ Tịnh đã cung cấp một cách giải thích về lòng hiếu thảo như một cấu trúc ba tầng. Hai cấp độ đầu tiên tương tự như Nho giáo: hiếu thảo với cha mẹ và tổ tiên, đồng thời tôn vinh tổ tiên qua thành tích cá nhân. Nhưng cấp độ thứ ba kêu gọi hướng dẫn cha mẹ thực hành Phật pháp và giúp họ thoát khỏi lục đạo luân hồi.

Bằng cách cung cấp một giải pháp thay thế, việc chăm sóc người già trong chùa giúp con cái cảm thấy mình đang làm tròn bổn phận tận hiếu với cha mẹ mà không cảm thấy mình đang tạo gánh nặng cho xã hội hoặc làm xáo trộn cuộc sống của chính mình.

Trong cuốn sách "Being Mortal" (tựa Việt: Ai rồi cũng chết) của bác sĩ Atul Gawande, tuổi già được mô tả là "một chuỗi mất mát liên tiếp". Những mất mát này không chỉ giới hạn ở các chức năng của cơ thể mà còn do sự chủ quan của chính mỗi người. Người lớn tuổi rời khỏi ngôi nhà họ đã sống trong nhiều thập kỷ và chuyển đến các viện dưỡng lão đầy đủ điều kiện nhưng lại bị cô lập về mặt xã hội. Dần mất đi tính độc lập và chủ quan khiến người cao tuổi cảm thấy như họ không còn kiểm soát được cuộc sống của mình, điều này có thể dẫn đến cảm giác bị giam cầm, như thể là tù nhân.

Ngược lại, các ngôi chùa rất chú trọng đến việc người cao tuổi tự chăm sóc bản thân. Mặc dù thường có các tình nguyện viên hỗ trợ, nhưng những người cao tuổi hiếm khi tìm đến sự giúp đỡ này, một phần vì tự chăm sóc bản thân là cách để có thêm công đức.

Sợ chết là một mối quan tâm phổ biến khác ở những người lớn tuổi. Điều này đặc biệt đúng ở Trung Quốc, nơi chủ đề này gần như là điều cấm kỵ. Dù y học hiện đại có thể xoa dịu nỗi đau thể xác, nhưng không dễ xua tan nỗi sợ hãi và lo lắng xung quanh cái chết. Phật giáo giúp cung cấp cho người lớn tuổi câu trả lời về ý nghĩa tối hậu của cuộc sống, đồng thời khuyến khích tu dưỡng bản thân và thực hành chánh niệm.


Nguồn: Sixth Tone

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.