Tục thờ nữ thần - minh chứng vai trò quan trọng của người phụ nữ trong đời sống

25/02/2022 10:10
Nghi lễ Tế nữ quan trong Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ)

Nghi lễ Tế nữ quan trong Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ)

Trong tâm thức của người Việt, hình tượng người phụ nữ chính là biểu trưng của mỗi gia đình, tạo nên sự sinh sôi trong đời sống. Từ những hoạt động thường ngày, hình tượng ấy đã được tôn vinh và đi vào tín ngưỡng văn hóa dân gian thông qua nhiều lễ hội mùa xuân đặc sắc và mang nhiều ý nghĩa.

Chia sẻ về ý nghĩa các lễ hội lấy hình tượng người phụ nữ làm trung tâm, TS Trần Hữu Sơn – nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá: "Cũng như nhiều quốc gia có nền văn minh lúa nước, vai trò của người phụ nữ trong đời sống văn hóa của người Việt Nam là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, văn hóa Việt Nam hình thành rất nhiều lễ hội lấy hình tượng người phụ nữ làm trung tâm. Các lễ hội của Việt Nam thường sử dụng hình tượng hóa thân của các nhân vật lịch sử như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Hai Bà Trưng, nữ tướng Lê Chân…

Bên cạnh đó, các địa phương còn có tục thờ nữ thần sông, nữ thần núi… Đi dọc sông Hồng, ta có thể thấy các địa phương thờ rất nhiều vị nữ thần như Mẫu Đông Cuông, Mẫu Đôi Cô, Mẫu Thượng ngàn... Từ đó, có thể khẳng định vai trò của nữ giới trong văn hóa dân gian là vô cùng quan trọng. Từ những vai trò đó, người phụ nữ đã bước vào văn hóa tín ngưỡng và được dân ta thờ phụng".

Cũng theo TS Trần Hữu Sơn, mặc dù là quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng vai trò của người phụ nữ vẫn được đề cao ở Việt Nam từ xưa đến nay. Bên cạnh vai trò sản xuất, làm kinh tế... thì vai trò chống giặc ngoại xâm cũng được thể hiện rõ nét. Có thể thấy rằng cuộc khởi nghĩa đầu tiên của dân ta chống lại giặc ngoại xâm phương Bắc chính là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Do đó, vai trò của người phụ nữ đã được khẳng định từ xưa. 

Trong cuộc sống gia đình, vai trò của người phụ nữ đều đáng trân trọng. Mặc dù nam giới thường được ví như trụ cột gia đình, tuy nhiên, trước khi tham gia các cuộc họp làng, họp nước... người đàn ông vẫn thường hỏi thăm ý kiến của người vợ. Trong gia đình Việt, vai trò của người phụ nữ xưa chính là người đi buôn, tạo nên sự ổn định và chi tiêu trong gia đình. Các công việc như giỗ cúng, lễ Tết... đều có dấu ấn của người phụ nữ.

Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Khẳng định vai trò của hình tượng nữ thần trong lễ hội của người Việt, TS Trần Hữu Sơn nêu dẫn chứng: "Trong đời sống tín ngưỡng, phụ nữ đã hóa thân thành những nữ thần trong các đền chùa. Từ những nhân vật nữ thần đó đã tạo nên nhiều lễ hội thờ các nữ thần. Tại Thủ đô Hà Nội, nhiều điểm đến tín ngưỡng là nơi thờ các nữ thần. Tại khu vực miền Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu vô cùng phát triển. Hoặc ngược lên Tam Đảo, chúng ta có lễ thờ Quốc Mẫu Tây Thiên hay các nghi lễ thờ Mẫu Đông Cuông, Mẫu Thoải... Từ đó, có thể thấy rằng vai trò của các nữ thần trong tín ngưỡng dân gian là vô cùng quan trọng. Do đó, hầu hết các cuộc hành hương của chúng ta đều là cuộc hành hương về đất mẹ".

Bàn về vai trò của người phụ nữ trong các lễ hội mùa xuân, TS Trần Hữu Sơn cho rằng: "Trong tất cả lễ hội của người Việt, hình tượng người phụ nữ được thờ phụng trong không gian vô cùng linh thiêng. Minh chứng đó được thể hiện qua việc các nữ thần thường được thờ phụng tại chính điện. Các lễ hội, nơi thờ tự có thể thờ phụng nhiều vị thần khác nhau nhưng tại ban quan trọng của điện thì chính là nơi thờ của nữ thần. 

Tại các địa điểm thờ mẫu, tam tòa thánh mẫu sẽ luôn được thờ ở giữa. Hay tại Tây Thiên thì Quốc Mẫu Tây Thiên cũng ngự ở trên cao và chính giữa. Các nghi lễ thờ chúa Đông Cuông, thờ Mẫu Thoải cùng đều mang cấu trúc tương tự. Một yếu tố quan trọng nữa chính là thời gian thờ phụng. Ý nghĩa thờ mẫu tháng ba có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do Thánh Mẫu Liễu Hạnh được hạ sinh vào tháng ba. Các vị nữ thần khác hầu hết cũng được tổ chức nghi lễ vào mùa xuân. Chúng ta đều biết rằng mùa xuân là mùa mang ý nghĩa của sự sinh sôi, nảy nở và là mùa của người phụ nữ. Điều này càng thể hiện vai trò của người phụ nữ trong đời sống tâm linh Việt".

Trước quan điểm về sự so sánh về mức độ, ý nghĩa của các lễ hội khác nhau, chia sẻ góc nhìn của mình, TS Trần Hữu Sơn cho rằng: "Tất cả các lễ hội dân gian đều mang những giá trị, ý nghĩa khác nhau. Do đó, cần tôn trọng sự đa dạng của những lễ hội dân gian. Có thể thấy rằng việc thờ nữ thần cũng có nhiều nét khác nhau. Nếu như ở miền Trung thì tín ngưỡng thờ nữ thần sẽ chịu sự ảnh hưởng của người Chăm, hay như phong tục thờ nữ thần của vùng Bắc bộ sẽ khác và lên đến miền núi sẽ khác. Các nguồn gốc, ý nghĩa khác nhau đã tạo ra sự đa dạng trong văn hóa tín ngưỡng dân gian. Do đó không nên có sự so sánh về quy mô, mức độ hay đánh giá về các lễ hội theo quan điểm như trên".

TS Trần Hữu Sơn

TS Trần Hữu Sơn

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến căng thẳng dẫn đến nhiều lễ hội phải tạm hoãn, nhiều khu di tích phải đóng cửa khiến du khách không thể tham gia lễ hội, TS Trần Hữu Sơn cho rằng: "Tín ngưỡng hành hương về lễ hội luôn mang nhiều giá trị quan trọng. Trong đó, ý nghĩa quan trọng nhất là được trải nghiệm, chiêm bái không gian thiêng liêng của lễ hội đó. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên mong muốn này sẽ khó được thực hiện. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể hướng đến lễ hội bằng cách hướng tâm giống như cách chúng ta tu tâm, hướng tâm mỗi ngày. Bên cạnh đó, chúng ta có thể khấn bái vọng chứ không cần phải vào bên trong không gian lễ hội. Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm qua đi để các lễ hội có thể được tổ chức trở lại và du khách thập phương có thể trải nghiệm trọn vẹn hoạt động chiêm bái, vãn cảnh tại các lễ hội và điểm đến tâm linh".

TS Trần Hữu Sơn sinh năm 1956, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, là tác giả của khoảng 10 sách nghiên cứu về văn hóa dân tộc Mông, Dao, lễ hội cổ truyền Lào Cai… cùng nhiều bài báo, công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa dân gian ứng dụng, bảo tồn và khai thác di sản, ảnh hưởng của các nhân tố tộc người đến việc phát triển kinh tế - xã hội, về du lịch nhân văn… Ông là một nhà dân tộc học đã có nhiều đóng góp vào việc lưu giữ vốn văn hóa, văn nghệ cổ truyền của dân tộc.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn