Tuyên truyền phòng, chống “đạo lạ”, “tà đạo” ở Điện Biên

01/09/2023 09:26

Những năm qua ở tỉnh Điện Biên, đặc biệt là những khu vực đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nảy sinh hiện tượng tôn giáo hoạt động trái phép mang tên “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”. Những “đạo lạ” này đã và đang đi ngược với phong tục, tập quán tín ngưỡng truyền thống người Mông, ảnh hưởng tới đời sống các gia đình.

Bài 1: Lợi dụng mạng xã hội để truyền đạo trái phép

Đi theo "tà đạo" vì hạn chế thông tin

Theo ghi nhận của phóng viên Báo PNVN, "tà đạo" Giê Sùa, Bà Cô Dợ chủ yếu lôi kéo những hộ gia đình người dân tộc Mông thuộc những xã vùng sâu, vùng xa của các huyện Mường Nhé, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên tham gia. Hằng tuần, những người theo đạo Giê Sùa, Bà Cô Dợ tụ tập sinh hoạt với nhau ở một hộ gia đình nào đó trong bản. Điểm sinh hoạt thường không cố định. Mỗi khi chính quyền địa phương, các đoàn thể đến tuyên truyền thì họ lại chuyển sinh hoạt sang nơi khác.

Theo chị Lầu Thị Dua (xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông), người theo đạo Giê Sùa chủ yếu bị lôi kéo từ mạng xã hội. Các đối tượng truyền đạo thường tuyên truyền trên mạng xã hội, người dân mở ra nghe, rồi họ theo. Khi họ tin theo thì bảo đạo này nó tốt cho họ. Có những điều người truyền đạo nói không đúng sự thật nhưng khi tin rồi thì họ vẫn cho là đúng.

Chị Lầu Thị Già (xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông) cho biết: Khi đã theo đạo này, họ sẽ bỏ hết các phong tục tập quán và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình, chỉ thờ cúng Giê Sùa, không thờ cúng tổ tiên như trước nữa. Người theo đạo cũng sống khép kín hơn, ít giao tiếp với những người không theo đạo cùng họ.

Ông Sùng A Chu, cán bộ Phòng Nội vụ huyện Điện Biên Đông, chia sẻ: "Các hộ theo tà đạo thường là thiếu thông tin, dễ bị lôi kéo chạy theo những lời lẽ truyền bá xuyên tạc. Thậm chí là nhà này theo rồi đi lôi kéo anh em theo cùng. Đặc biệt là các khu vực làng bản ở vùng xa xôi, hẻo lánh ít có sự giao lưu tiếp cận với thế giới bên ngoài thì người dân càng dễ bị lôi kéo".

Tuyên truyền phòng, chống “đạo lạ”, “tà đạo” ở Điện Biên - Ảnh 1.

Công an huyện Nậm Pồ (Điện Biên) tăng cường cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác trước các “tà đạo” - Ảnh: Thu Trang

Ảnh hưởng đến đời sống gia đình

Việc đi theo những "đạo lạ", "tà đạo" này thường là cả gia đình. Khi theo tà đạo, họ thường "tự tách mình" ra khỏi cộng đồng. Một gia đình theo tà đạo sẽ không muốn quan hệ với các gia đình không theo đạo. Những phụ nữ và trẻ em trong các gia đình theo đạo cũng tách mình khỏi cộng đồng làng bản và xã hội. Chị Lầu Thị Già cho biết: "Khi người chồng theo đạo thì người vợ và các con trong gia đình cũng theo. Khi theo rồi thì họ không thích những người không theo đạo của họ. Có công việc gì của làng bản hay họ hàng, họ cũng không còn tham gia nhiệt tình như trước nữa".

Ông Đào Duy Trình, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, cho biết: "Khi họ theo đạo, là họ bỏ đi nhiều nét văn hóa truyền thống trong đời sống hàng ngày. Nhiều chị em phụ nữ thì tách mình ra khỏi những sinh hoạt văn hóa trong đời sống cộng đồng. Ngay cả khi họ từ bỏ tà đạo, trở về với lối sống cũ, thì ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tâm lý".

Nảy sinh mâu thuẫn vì tà đạo

"Trong quá trình truyền giảng, các đối tượng sử dụng các bài hát về Chúa đã được cải biên trên nền nhạc trẻ; nội dung chủ yếu chúng tuyên truyền mê tín dị đoan, xuyên tạc Kinh thánh, đả kích các tôn giáo chính thống, chê bai phong tục truyền thống của người dân tộc Mông".

Ông Sùng A Chu, cán bộ Phòng Nội vụ huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Ông Sùng A Chu, cán bộ phòng Nội vụ huyện Điện Biên Đông, cho hay: Hiện nay, những người theo đạo Giê Sùa, Bà Cô Dợ cũng không thống nhất, mà mỗi nơi lại có một nhóm hoặc một nhánh đạo khác nhau. Do không có giáo lý, giáo luật, nên ngay trong chính những nhóm theo tà đạo này cũng nảy sinh mâu thuẫn với nhau. Thậm chí có những gia đình là anh em ruột, cùng đi theo đạo lạ, nhưng mỗi người lại theo một nhánh đạo lạ khác nhau. Ví dụ có nhóm thì theo đạo Giê Sùa, có nhóm theo đạo Bà Cô Dợ, có lúc những nhóm theo đạo khác nhau đã nảy sinh mâu thuẫn vì những quan điểm khác nhau từ đạo mình theo".

Tuy nhiên, điểm chung của các loại tà đạo này là thường xuyên có những tuyên truyền rao giảng sai sự thật, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, làm ảnh hưởng an ninh trật tự tại địa phương. Các nhóm đạo, nhánh đạo này thường tổ chức tuyên truyền xuyên tạc, đánh vào tâm lý của người dân, khiến họ tin và cho rằng chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước không quan tâm đến người dân, không giúp đỡ họ. Người dân nghe nhiều thì họ cũng tin theo. Khi họ theo nhánh đạo nào đó, thì họ nhất quyết cho rằng cái đạo họ theo mới là đúng đắn, còn đạo của người khác lại là không tốt, không đúng đắn. Thậm chí, nhóm người theo tà đạo Bà Cô Dợ ở khu vực này cũng có cách nghĩ, có quan điểm khác với nhóm theo đạo Bà Cô Dợ ở nơi khác, dẫn đến mâu thuẫn với nhau.

Bài sau: Dùng tuyên truyền để phản bác truyền đạo trái phép

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn