Úc: Đại dịch Covid-19 và phản ánh đa chiều về tôn giáo

06/09/2023 09:32
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Covid-19 đã thay đổi cách con người kết nối với thế giới xung quanh, ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình và bạn bè, công việc và các khía cạnh khác trong cuộc sống. Sự thay đổi này cũng mở rộng đến mối quan hệ của con người và tôn giáo.

Trong đại dịch COVID-19, một số cá nhân tìm thấy chỗ dựa tinh thần và củng cố đức tin với tôn giáo của mình. Nhưng với một số người khác, đại dịch đóng vai trò như một chất xúc tác khiến họ hoàn toàn rời bỏ tôn giáo. Điều này cho thấy những cách đa dạng mà COVID-19 tác động đến mối quan hệ tâm linh của con người.

Từ sùng đạo đến bỏ đạo

Satara Uthayakumaranm, 20 tuổi, đến từ Sydney trải qua cuộc "khủng hoảng hiện sinh" trong những năm đầu tiên của đại dịch. Là một tín đồ Anh giáo sùng đạo và lớn lên với các buổi đi nhà thờ, mối quan hệ của Satara với niềm tin tôn giáo bỗng có một bước rẽ bất ngờ khi cô bắt đầu đặt những câu hỏi về đức tin của mình và sự tồn tại của Chúa.

Trước đại dịch, Satara có cách tiếp cận với đức tin tương đối thụ động. Cô chỉ đơn giản là tin tưởng và tuân theo các truyền thống mà không thắc mắc gì hay không cảm thấy cần phải khám phá những khía cạnh sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, việc thiếu tương tác trực tiếp với cộng đồng nhà thờ do những hạn chế liên quan đến đại dịch đã tạo ra những tác động đáng kể. Nó đóng vai trò như một chất xúc tác, khiến Satara trải qua những nghi ngờ và sự không chắc chắn về niềm tin tôn giáo mà trước đây cô chưa từng đối mặt. "Thực tế là có rất nhiều người đã chết. Tôi đã nghĩ rằng làm sao Chúa lại có thể cho phép điều như vậy xảy ra?", cô nói.

Úc: Đại dịch COVID-19 và phản ánh đa chiều về tôn giáo  - Ảnh 1.

Satara bắt đầu có những nghi ngờ về tôn giáo của mình trong thời gian nhà thờ đóng cửa do đại dịch.

Trong thời gian xa rời tổ chức tôn giáo do đại dịch, Satara đã tìm hiểu các văn bản tâm linh khác, điều này khiến cô đặt ra câu hỏi về các hoạt động và niềm tin của Giáo hội Anh giáo. Là một người gốc Tamil, Satara bắt đầu nghĩ về việc gia đình cô thường là những người da màu duy nhất trong giáo đoàn, mặc dù tổng giám mục hiện tại của Giáo hội Anh giáo ở Sydney là người Sri Lanka.

Điều này khiến Satara suy ngẫm về sự thiếu đa dạng trong cộng đồng nhà thờ của mình và khả năng mất kết nối giữa lãnh đạo và giáo đoàn về mặt đại diện. Cô gái 20 tuổi cũng không đánh giá cao việc thiếu phụ nữ trong vai trò lãnh đạo.

"Giáo hội Anh giáo ở Sydney từ chối phong chức linh mục và giám mục cho phụ nữ, điều này khiến tôi cảm thấy phụ nữ bị coi thường, nó lạc hậu và không phù hợp với các nguyên tắc của Ki-tô giáo", cô nói.

Hiện tại, Satara không còn xác định mình là người theo Ki-tô giáo. Tuy nhiên, cô bày tỏ niềm tin vào một sức mạnh cao hơn hoặc một thế lực vũ trụ lớn hơn.

Nghĩ nhiều hơn về Chúa, nhưng không phải tôn giáo

Trải nghiệm của Satara phản ánh một xu hướng rộng hơn ở Úc trong thập kỷ qua khi nhiều người không còn theo Ki-tô giáo.

Theo Cục Thống kê Úc, tỷ lệ người xác định theo đạo Ki-tô vào năm 2021 đã giảm xuống dưới 50%, cụ thể là 43,9%. Điều này đánh dấu mức giảm so với tỷ lệ 52% vào năm 2016. Ngược lại, số người được xác định là không theo tôn giáo là 39% vào năm 2021, tương đương với khoảng 10 triệu người. Đây là mức tăng từ 30% vào năm 2016.

Đối với Satara, quyết định tách mình khỏi niềm tin truyền thống mang đến cho cô cơ hội đón nhận quan điểm cởi mở hơn với mọi thứ. Điều này giúp cô có cách tiếp cận tâm linh với một tư duy phổ quát, không còn bị giới hạn bởi những cách giải thích thông thường của Ki-tô giáo. Giờ đây, cô chuyển từ việc chỉ nhìn Chúa qua lăng kính của Ki-tô giáo sang nhận thức khái niệm về Chúa theo một cách khác.

Quá trình chuyển đổi này mang đến cho Satara sự giải phóng, giúp cô có sự tự do khám phá và hiểu biết theo những cách khác đi. Cô không còn cảm thấy bắt buộc phải nhận thức hoặc hiểu khái niệm về Chúa một cách cứng nhắc, đồng thời cho rằng việc có cái nhìn cởi mở hơn là điều hoàn toàn có thể chấp nhận.

Úc: Đại dịch COVID-19 và phản ánh đa chiều về tôn giáo  - Ảnh 2.

Thống kê gần đây cho thấy số người được xác định là không theo tôn giáo ở Úc là 10 triệu người.

Người theo thuyết bất khả tri

Một số lượng đáng kể người Úc đã chuyển từ việc liên kết chặt chẽ với một tôn giáo cụ thể sang có thái độ cởi mở hơn với niềm tin tôn giáo của người khác. Vào năm 2021, một nghiên cứu của McCrindle chỉ ra rằng gần một nửa người Úc rất cởi mở trong việc tham gia các cuộc thảo luận tâm linh về những quan điểm khác với quan điểm của họ.

Trải nghiệm cá nhân của Satara cũng phản ánh xu hướng này. Để tìm kiếm câu trả lời, cô đã tìm đến những nhân vật nổi tiếng, Rowan Williams, cựu tổng giám mục Canterbury và Giám mục Michael Curry của Giáo hội Tân giáo. Cả hai đều trả lời theo cách khiến cô cảm thấy được chấp nhận và thấu hiểu, thay vì phán xét.

Nhận được phản hồi từ Rowan Williams và Michael Curry giúp Satara kết nối lại với một niềm tin tâm linh đã qua điều chỉnh, có phần giống với niềm tin vào Chúa. Niềm tin vào Ki-tô giáo của cô gái trẻ có thể chưa được khôi phục hoàn toàn, nhưng giờ đây cô tự mô tả mình là một người "theo thuyết bất khả tri đầy hy vọng", ngụ ý một quan điểm cởi mở, lạc quan về tâm linh bất chấp những điều không chắc chắn.

Đến gần với đức tin hơn

Trong khi một số người Úc, như Satara, rời bỏ đức tin trong đại dịch, thì những người khác lại trải qua mối liên hệ sâu sắc hơn với tôn giáo của mình. Theo nghiên cứu của McCrindle, khoảng 1/3 người Úc bắt đầu nghĩ đến Chúa nhiều hơn và cầu nguyện thường xuyên hơn khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Ngoài ra, gần một nửa đã suy ngẫm nhiều hơn về ý nghĩa cuộc sống và khả năng tử vong trong giai đoạn này.

Úc: Đại dịch COVID-19 và phản ánh đa chiều về tôn giáo  - Ảnh 3.

Alana nhận thấy việc hướng nội đã giúp cô giảm đi những nỗi lo trong đại dịch.

Đây là trường hợp của huấn luyện viên Alana Mai Mitchell, người đã tìm thấy cảm giác tâm linh mới trong thời kỳ đại dịch. Trong thời điểm khó khăn nhất khi dịch bệnh bùng phát, người phụ nữ 36 tuổi cho biết cô thấy mình phải "hướng nội". Đấu tranh với sự lo lắng và tác động của đại dịch đối với sức khỏe tinh thần của mình, cô quyết định khám phá thiền và yoga trực tuyến như những cơ chế đối phó. Điều này không chỉ giúp Alana quản lý sức khỏe mà còn đưa cô vào một chặng đường mới, một "hành trình tâm linh".

Qua hành trình này, Alana đã thoát khỏi sự thống trị của bản ngã. "Tôi đã giao cuộc đời mình cho một quyền lực cao hơn… Cái tôi của tôi không còn bị chi phối nữa", cô nói. Sự thay đổi cũng đưa cô đến một nhận thức sâu sắc: tồn tại một sức mạnh lớn hơn, cao hơn trong vũ trụ mà cô ví như Chúa hay ý thức thống nhất. Quan điểm này khiến Alana tin rằng vũ trụ là sự biểu hiện của sức mạnh thần thánh này và con người đóng vai trò là phương tiện để thể hiện nó.

Suy ngẫm về tâm linh và cuộc sống

Đối với nhà thơ và nhà văn người Mỹ gốc Ai Cập Yahia Lababidi, đại dịch COVID-19 mang lại cho ông thời gian để suy ngẫm về tôn giáo của mình, Hồi giáo. Trong những ngày đầu của đại dịch, ông cảm thấy thoải mái hơn khi đọc Kinh Qu'ran và hiểu sâu hơn về sức ảnh hưởng của đại dịch. Điều này khiến Yahia chấp nhận những sự kiện đang diễn ra như đã điều được định sẵn và dễ dàng chấp nhận chúng.

"Tôi nhận ra rằng bất cứ điều gì đang xảy ra đều là định mệnh. Tất cả những gì tôi có thể làm là ở trong trạng thái đón nhận", Yahia nói với chương trình Soul Search của ABC RN.

Bằng cách nhìn thế giới như thể nhân loại đang trên bờ vực diệt vong, Yahia tập trung cho thời điểm hiện tại và nhận thấy mình chú tâm hơn cho cuộc sống. Ông tin rằng đại dịch đã thúc đẩy các trạng thái nội tâm và suy ngẫm chung ở mọi người, đồng thời thử thách họ thông qua nỗi sợ hãi mất đi những người thân yêu.

Theo Yahia, đại dịch cho thấy rằng mọi người phải học những cách sống mới, giống như một sự tái sinh và một khởi đầu mới. Ông tin rằng đây là cơ hội để đánh giá lại các ưu tiên của một người, chăm sóc tâm hồn và nuôi dưỡng mối quan hệ với những đấng có quyền lực cao hơn. Về bản chất, người đàn ông coi đại dịch là chất xúc tác để kết nối lại với tâm linh và hoàn thiện bản thân.

Nguồn: ABC

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn