Vai trò của tôn giáo trong việc chăm sóc, giáo dục con cái

01/08/2023 16:02
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cùng với việc đề cao lòng hiếu thảo của con cái với ông bà cha mẹ thì giáo lý tôn giáo cũng dành nhiều sự quan tâm nhắc nhở trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục con em của mình.

Gia đình không phải là thiết chế giáo dục duy nhất nhưng lại là thiết chế tạo môi trường giáo dục sớm nhất và có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến sự hình thành nhân cách cá nhân.

Gia đình là không gian tự nhiên và là môi trường văn hóa cho việc giáo dục con trẻ. Từ không gian này, con cái được tiếp nhận những giá trị nhận thức, đạo đức cũng như nền tảng văn hóa, ngôn ngữ, sự tôn trọng, cảm xúc, ý tưởng, óc phán đoán và nhiều kỹ năng sống khác được truyền qua nhiều thế hệ.

Thông qua việc chăm sóc, giáo dục con cái gia đình còn là nơi đầu tiên dạy về đức tin cho con cái. Cũng nhờ đó, các tôn giáo được duy trì, củng cố và mở rộng cộng đồng của mình.

Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và giáo dục con cái bởi nó là một thành tố quy định khuôn mẫu, lề thói hay văn hóa của gia đình. Do vậy, dù tác động trực tiếp hay gián tiếp, tôn giáo vẫn có những ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, giáo dục của các gia đình với nhiều chiều kích khác nhau.

Mỗi tôn giáo có những hình thức và có những tác động khác nhau đến các hoạt động giáo dục gia đình.

Quan niệm từ bi, hỉ xả, khoan dung của Phật giáo phù hợp với việc giáo dục cho trẻ em lòng nhân ái, tình yêu thương

Phật giáo là tôn giáo xuất hiện từ lâu ở Việt Nam, tồn tại bền bỉ cùng với quà trình xây dựng, trưởng thành của dân tộc, lâu dần nó trở thành một thành tố quan trọng của văn hóa. Bởi lẽ vậy, Phật giáo có sự ảnh hưởng sâu sắc đối với xã hội như nhận thức, đạo đức và giáo dục.

Vai trò của tôn giáo trong việc chăm sóc, giáo dục con cái - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nền tảng tư tưởng của Phật giáo bao gồm ba chân đế: Duyên khởi, tứ diệu đế và bát chánh đạo. Duyên khởi là nói lên mọi sự vật, hiện tượng trong giới tự nhiên, trong xã hội con người đều theo quy luật duyên khởi mà sinh thành và tồn tại.

Những giáo lý nghiệp nhân quả báo của Phật giáo cho ta thấy, mọi sự vật, hiện tượng không thể xảy ra nếu không có nguyên nhân, và bản thân chúng lại là nguyên nhân của sự vật, hiện tượng khác.

Trong xã hội con người cũng vậy, con người cần phải tôn trọng sự "nương tựa". Điều này tương hợp với truyền thống đạo lý của nhân dân ta, đó là sự đoàn kết, nhất trí để chống lại thiên tai, địch họa để sinh tồn, độc lập và phát triển. Truyền thống này đã được chuyển tải thành các câu ca dao, tục ngữ như "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" và đến với trẻ em qua lời mẹ ru.

Trong Tứ diệu đế (bốn chân lí, hay còn gọi là Tứ thánh đế) có "Khổ đế" nói về việc xung quanh con người luôn có những điều không như ý xảy ra. Những điều không như ý đã, đang và sẽ khiến con người phải suy nghĩ và lo lắng, khiến con người mệt mỏi và bi quan.

Con người muốn sống vui sống khỏe thì cần phải "giải thoát" chính mình khỏi những trói buộc, kìm hãm của những điều bất như ý đó. Điều này tương hợp với nội dung giáo dục cho trẻ em về sự mạnh mẽ, kiên cường, bất khuất của người dân Việt Nam từ xa xưa.

Trong Bát chánh đạo (Tám con đường thoát khỏi những lo lắng, bất an) có đạo "chính ngữ" (nói đúng), tức là nói đúng sự thực, không nói dối, không nói phù phiếm. Khi nói đúng thì không phải lo lắng, không sợ người nghe phát hiện mình nói dối, nói phù phiếm. Điều này rất tương hợp với nội dung cơ bản trong giáo dục cách ăn nói cho trẻ em ở nông thôn Việt Nam.

Tiến cao thêm một bước nữa, để giải thoát con người khỏi khổ đau với những điều bất như ý xảy ra xung quanh, Phật giáo chủ trương từ bi, hỷ xả, khoan dung. Những con đường này khiến cho người với người cố gắng hiểu nhau, thử đặt mình vào vị trí của đối phương, tìm cách thấu hiểu, và từ thấu hiểu đi tới dễ dàng tha thứ cho nhau, yêu thương, gần gũi nhau.

Những hạnh từ bi, hỷ xả, khoan dung của Phật giáo phù hợp với nội dung giáo dục cho trẻ em lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại, và rộng hơn nữa là yêu quê hương, yêu đất nước.

Thể hiện từ ái và bi mẫn là trung tâm của Đạo Phật và điều này cũng giải thích đến sự nuôi dưỡng con cái. Từ bi có nghĩa là yêu thương con trẻ qua những nụ cười vui vẻ và những cơn thịnh nộ dễ sợ. Như những ông cha bà mẹ bận rộn, làm việc quá nhiều và quá mệt nhọc, chúng ta thật sự thấy dễ dàng cáu kỉnh và la hét vào những đứa trẻ để vung vẩy một cơn thịnh nộ. Nếu ông cha, bà mẹ, chỉ dành một phút để thở sâu, điềm tĩnh lại và phản ứng, cuộc đời với con trẻ sẽ hạnh phúc hơn và dễ dàng hơn.

(còn tiếp)

Nguồn: Viện HLKHXHVN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn