Vấn đề tảo hôn và kết hôn trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số

18/08/2021 10:41
Ảnh: UN Women Việt Nam/Aiden Dockery

Ảnh: UN Women Việt Nam/Aiden Dockery

Tảo hôn, kết hôn trẻ em đe dọa cuộc sống hiện tại và tương lai của trẻ em gái và phụ nữ trên khắp thế giới, khiến họ mất quyền tự định đoạt trong cuộc sống; làm mất đi cơ hội học tập, đào tạo; khiến họ dễ bị bạo hành, phân biệt đối xử và lạm dụng hơn; làm hạn chế sự tham gia của họ vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Tảo hôn, kết hôn trẻ em cũng thường đi kèm với mang thai sớm và đẻ dày, dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong bà mẹ.

Tảo hôn ở các DTTS đã giảm nhưng vẫn phức tạp, một số DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Mặc dù bị cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại dai dẳng trong các DTTS ở Việt Nam, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng DTTS.

Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ người DTTS tảo hôn năm 2018 là 21,9%, giảm 4,7 điểm phần trăm so với năm 2014 (26,6%). Tuy nhiên tỷ lệ tảo hôn vẫn ở mức cao tại những vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống như Tây Nguyên 27,5%, Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 22,4%.

Theo dân tộc, tỷ lệ tảo hôn cao nhất là Mông 51,5% (nam 52,7%, nữ 50,4%), Cơ Lao 47,8% (nam 34,0%, nữ 63,0%), Mảng 47,2% (nam 42,7%, nữ 50,7%), Xinh Mun 44,8% (nam 42,5%, nữ 46,9%), Mạ 39,2% (nam 31,7%, nữ 51,3%). Tỷ lệ tảo hôn của nữ DTTS vẫn cao hơn nam DTTS (nam 20,1% và nữ 23,5%).

Theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, chỉ có 1,1% người DTTS tảo hôn có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong khi tỷ lệ này ở nhóm DTTS không tảo hôn cao gấp gần 18 lần (18,8%). Có 31/53 DTTS có 100% số người tảo hôn không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tuổi kết hôn trung bình của người DTTS tảo hôn năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ.

Vấn đề tảo hôn và kết hôn trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Hậu quả của tảo hôn: Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em DTTS, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em DTTS dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ DTTS liên quan đến thai sản.

Nguồn: "Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam"

(còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.