Về quê, con thấm nếp nhà

16/02/2023 09:46
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Gia đình anh Lê Quang Minh và chị Hà Thu Liên sống trong một chung cư cao cấp ở thành phố, 3 con đều được học trường quốc tế. Từ nhiều năm nay, anh chị luôn duy trì một quy ước bất thành văn: Mỗi năm, cho các con được sống và trải nghiệm ở quê với ông bà ít nhất là một tháng.

Bố mẹ anh Minh đều là nhà giáo nghỉ hưu nên rất trọng nếp nhà. Khi các cháu về ở với ông bà, chúng được chỉ bảo, uốn nắn từng li từng tí. Thường sống ở thành phố, nhà nào biết nhà nấy. Đặc biệt ở chung cư, không gian sống của các hộ biệt lập, có khi cùng hành lang cũng chẳng giao tiếp với nhau. Thế nhưng ở quê, hễ ra khỏi nhà, ông bà đều nhắc các cháu phải chào hỏi người xung quanh. 

Bà dạy: "Nếu các con chưa biết người mình gặp ngoài đường là ai thì cứ theo hình dáng, độ tuổi bên ngoài mà chào". Sau này thành thói quen, khi lên chung cư, ra vào gặp hàng xóm, bọn trẻ luôn hân hoan cất tiếng chào. Và thật không ngờ, sự "mau mồm mau miệng" của bọn trẻ lại trở thành cầu nối giúp người lớn biết nhau và gần gũi nhau hơn. Ai cũng khen anh chị Minh - Liên khéo dạy con.

Cũng nhờ được trải nghiệm ở quê mà lũ trẻ trở thành "từ điển bách khoa nông nghiệp" trong mắt bạn bè. Trong khi các bạn học "mù tịt" về các loại cây cỏ, củ, quả thì từ mẫu giáo, đứa nào đứa nấy nhà anh Minh đều làu làu đâu là cây khoai lang, khoai tây, lạc, đỗ… 

Về quê, con thấm nếp nhà - Ảnh 1.

Từ nhiều năm nay, anh chị luôn duy trì một quy ước bất thành văn: Mỗi năm, cho các con được sống và trải nghiệm ở quê với ông bà ít nhất là một tháng. Ảnh minh họa

Nếu như ở độ tuổi 12-14, nhiều đứa trẻ khác tỏ ra thờ ơ với các mối quan hệ trong họ hàng thì các con của anh chị thuộc làu anh xa em gần trong họ. Được ông bà cho đọc gia phả nên chúng khá thông thạo các hàng vai vế và người trong họ. Thời gian ở quê, được tiếp xúc, chơi cùng các anh chị em họ nên chúng thân thiện, không có tư tưởng phân biệt kẻ phố - người quê. Chả thế, mỗi lần nhà có khách ở quê ra, bọn trẻ không bao giờ tỏ ra khó chịu, xa lạ mà hoà đồng, cởi mở.

Có lẽ, bởi thời gian được sống ở quê mỗi năm nhiều hơn bố mẹ nên bọn trẻ thuộc xóm, thuộc làng, thạo tin quê hơn. Mỗi lần đón các con từ quê lên phố, nhìn chúng đen nhẻm nhưng khoẻ khoắn, tranh nhau "bán tin" ở quê, hào hứng kể nhà này trong họ gặp chuyện gì, nhà kia hàng xóm của ông bà ra sao mà anh chị Minh - Liên cũng thấy rộn ràng. 

"Đúng là trăm nghe không bằng một sống, vợ chồng tôi luôn thấy quyết định cho các con có thời gian được sống ở quê mỗi năm là đúng đắn, hữu ích. Các con tôi đã được học và ngấm rất nhiều thói quê, nếp nhà từ những trải nghiệm ở làng. Nhiều đứa trẻ sẽ trở nên xa lạ, thậm chí vô cảm nếu như chúng ta không chú ý đến việc dạy con biết quê hương, nguồn cội. Chữ "nhà", tiếng "quê" sẽ trở nên thân thương hơn rất nhiều khi bọn trẻ được hoà mình trong sự thanh bình của quê hương", chị Liên chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.