Vươn lên thoát nghèo từ trồng hồng không hạt

19/10/2022 16:23
Chị Hoàng Thị Hiển chăm sóc cho vườn hồng không hạt Bảo Lâm.

Chị Hoàng Thị Hiển chăm sóc cho vườn hồng không hạt Bảo Lâm.

Nhờ mô hình trồng hồng không hạt, gia đình chị Hoàng Thị Hiển (Lạng Sơn) đã thoát nghèo. Hiện tại, sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm được thị trường hết sức ưa chuộng, đến mùa thương lái tự tìm đến mua.

Những năm qua, công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến luôn được các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) quan tâm triển khai. Nhờ đó, đã có nhiều gương điển hình tiên tiến, mô hình, cách làm hay của cán bộ, hội viên phụ nữ được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận. Tiêu biểu là hộ gia đình chị Hoàng Thị Hiển (SN 1985, thôn Chè Lân, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu với mô hình hồng không hạt Bảo Lâm.

Chị Hiển cho biết, trước khi chuyển đổi trồng cây hồng không hạt Bảo Lâm, gia đình chị có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Thời điểm ấy, thu nhập chính chủ yếu từ cây lúa, ngô, đậu đỗ nên quanh năm thiếu ăn. Nhiều lúc, chị phải vay chỗ này, đập chỗ kia để lo cho gia đình.

Sau khi được Hội phụ nữ hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn, tham quan mô hình phát triển kinh tế, năm 2009 gia đình chị đầu tư trồng gần 100 cây hồng Bảo Lâm. Giống hồng Bảo Lâm lại phù hợp và phát triển và cho chất lượng quả tốt ở vùng đất của gia đình. Với giá bán trên 40.000 đồng/kg, trong khi cây thấp nhất cũng cho sản lượng 60kg, cây nhiều thì lên đến cả tạ. Tính ra, mỗi cây hồng cho thu hoạch lên đến vài triệu đồng.

Nhận thấy quả hồng không hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao chị đã cùng gia đình mở rộng thêm diện tích, mua thêm cây giống về trồng. Đến nay, gia đình chị đã có trên 300 cây hồng Bảo Lâm với thu nhập hằng năm sau khi trừ chi phí còn lời trên 150 triệu đồng.

Người phụ nữ vươn lên thoát nghèo từ trồng hồng không hạt - Ảnh 1.

Hội viên, phụ nữ tham quan, học tập mô hình hồng không hạt bảo Lâm của gia đình chị Hiển.

Đặc biệt, hiện nay, sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm được thị trường hết sức ưa chuộng. Vì vậy, cứ đến mùa là thương lái tự tìm đến đặt mua, chủ vườn như chị không phải bán lẻ như trước nữa.

"Hồng Bảo Lâm không có hạt, khi chín có màu đỏ như lòng trứng gà, trong suốt, ăn có vị ngọt thanh, khi gọt vỏ ra thì không bị thâm vàng. Hơn nữa, hồng Bảo Lâm là giống cây khó tính, rất mẫn cảm với thời tiết, thường mắc các bệnh như thán thư, giác ban. Do đó, người trồng phải nắm bắt được để phòng, chữa bệnh kịp thời" chị Hiển chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm với hội viên, phụ nữ

Ngoài trồng hồng, gia đình chị Hiển còn trồng thêm cam canh, mận cơm, chăn nuôi lợn, gà… Hằng năm chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội LHPN phối hợp tổ chức; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong các hộ gia đình để học hỏi thêm kinh nghiệm trong sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cây, tạo điều kiện tăng thu nhập, tăng năng suất cây trồng, để kinh tế gia đình phát triển hơn. Chị luôn quan tâm, nhiệt tình hướng dẫn tạo điều kiện cho các chị em trong chi hội và ở chi hội khác đến thăm mô hình và học tập kinh nghiệm.

Theo Hội LHPN huyện Cao Lộc, không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Hiển còn là hội viên tiêu biểu tham gia hoạt động Hội và là chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Sli của thôn. Chị thường xuyên đi đầu trong các phong trào do hội phát động, duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Câu lạc bộ hát Sli. Ngoài ra, chị còn được chi bộ tín nhiệm bầu làm Phó bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư; gia đình chị đã được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen về làm kinh tế giỏi năm 2015.

Ngoài thực hiện tốt phong trào phát triển kinh tế, chị còn gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, gia đình chị đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu trong 5 năm liên tục gần nhất, con cái được học hành đầy đủ, bố mẹ gương mẫu, gia đình hòa thuận. Chị Hoàng Thị Hiển là hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình gia đình hạnh phúc bền vững, là tấm gương sáng cho hội viên phụ nữ trong thôn noi theo.

Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc: Hồng Bảo Lâm là cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện khí hậu chủa huyện, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Hiện, toàn huyện có trên 462 ha hồng, trong đó có 30 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu phân bổ tại các xã: Hòa Cư, Hải Yến, Lộc Yên, Bảo Lâm, Thanh Lòa… Sản lượng năm 2022 ước đạt 1.500 tấn (tăng 200 tấn so với năm 2021). Hiện nay, người dân đang bước vào vụ thu hoạch, giá đạt từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg.

Để nâng cao năng suất, phát triển hồng không hạt Bảo Lâm, hằng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch phấn đấu trồng mới 30 đến 40ha. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, tập huấn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, mở rộng diện tích canh tác theo hướng VietGAP và đặc biệt xây dựng thương hiệu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn