Xã Pà Cò (Hòa Bình): Nhiều cách làm sáng tạo trong xóa đói, giảm nghèo

05/06/2023 14:00
Tại Pà Cò, người dân phải lấy nước ăn từ các mó nước hay các khe và dùng rất tiết kiệm.

Tại Pà Cò, người dân phải lấy nước ăn từ các mó nước hay các khe và dùng rất tiết kiệm.

Hiện nay, tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, mặc dù chính quyền đã có nhiều biện pháp khắc phục, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn...

Là địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, xã Pà Cò, tỉnh Hòa Bình là nơi đồng bào dân tộc Mông chiếm 99,5%, có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 32,3% và hộ cận nghèo chiếm 18%.


Xã Pà Cò: Vẫn còn nhiều trăn trở trong xóa đói, giảm nghèo - Ảnh 1.

Phụ nữ dân tộc Mông tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình

Người dân chủ yếu làm nghề nông, trồng ngô, đào, mận,.. theo mùa vụ. Vì vậy nguồn thu nhập cũng dao động theo mùa, không ổn định. Để tăng thêm thu nhập, chị em phụ nữ dệt thổ cẩm, chăn nuôi lợn gà; một số hộ bắt đầu làm dịch vụ du lịch… Kinh tế tại xã Pà Cò còn nhiều khó khăn, cần được khắc phục để đời sống người dân cải thiện hơn.

Xã Pà Cò: Vẫn còn nhiều trăn trở trong xóa đói, giảm nghèo - Ảnh 1.

Ông Sùng A Màng (giữa) - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Pà Cò

Trong thời gian qua, chính quyền địa phương vẫn không yên lòng với giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, giảm số hộ nghèo tại xã.

Người dân phải lấy nước ăn từ các mó nước hay các khe. Nước được chắt chiu, phải dùng thật tiết kiệm, chủ yếu để nấu nướng, sinh hoạt.

Về các vấn đề cần được quan tâm nhất hiện giờ tại xã, ông Sùng A Màng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Pà Cò cho biết: "Trăn trở nhất là thu nhập của người dân còn thấp, chỉ khoảng 16 - 17 triệu đồng/người/năm. Một vấn đề vô cùng bức thiết khác là về nguồn nước sinh hoạt. Hàng ngày người dân đi hứng nước ở mó nước gần nhà hoặc tận dụng nước chảy ở các khe, vách đá, người có điều kiện thì khoan giếng và một số ít thì đi mua nước sạch. Trước tình hình này, xã tổ chức chương trình hỗ trợ nước uống, mỗi hộ nghèo thì được nhà nước đầu tư một "téc" nước để hứng nước mưa, nhưng không phải lúc nào cũng có mưa để hứng. Hộ nghèo không có nguồn thu, chỉ chủ yếu là từ nông sản, chăn nuôi. Bà con chuyên trồng ngô, mỗi năm chỉ được một vụ hè, thu nhập không đáng kể".

Hiện tại, để khắc phục tình hình kinh tế, cải thiện đời sống của người dân, xã Pà Cò đã tích cực tổ chức các chương trình giảm nghèo - tăng giàu, hưởng ứng Chương trình Mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững. Xã đã đầu tư hạ tầng đường, điện, trường học để sinh hoạt của bà con được thuận tiện hơn. Còn về hoạt động nông nghiệp, xã cũng đã cung cấp thêm cho bà con giống cây trồng và vật nuôi.

Xã Pà Cò: Vẫn còn nhiều trăn trở trong xóa đói, giảm nghèo - Ảnh 5.

Từ năm 2022 cho đến nay, có khoảng 40% hộ gia đình trồng cà chua, đậu đỗ trong mùa lạnh, thu nhập được cải thiện

Trong thời gian qua, các tổ chức xã hội trên địa bàn đã tổ chức nhiều mô hình xóa đói, giảm nghèo như: huy động người dân đóng quỹ vì người nghèo, xoá nhà tạm, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà, kế hoạch hóa dân số, làm du lịch cộng đồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,… Bên cạnh đó, xã dự định khuyến khích các hộ trồng rau củ quả như cà chua, đậu đỗ trong mùa rét lạnh không để trống đất trồng.

Xã Pà Cò: Vẫn còn nhiều trăn trở trong xóa đói, giảm nghèo - Ảnh 4.

Sản phẩm thu hoạch của bà con xã Pà Cò sau khi thay đổi canh tác, trồng nhiều loại nông sản ngắn ngày cho thu nhập đều hơn

Nhờ sự nỗ lực trong công tác giảm nghèo của chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, hiện tại, xã đã dần có những chuyển biến tích cực. Từ năm 2022 cho đến nay, đã có khoảng 40% hộ gia đình trồng cà chua, đậu đỗ trong mùa lạnh, giúp cải thiện thu nhập. 

Có gần 10 hộ gia đình kinh doanh mô hình du lịch cộng đồng. 


Bà con chấp hành kế hoạch hóa gia đình, thế hệ cũ có từ 3 đến 4 con, nhưng thế hệ mới từ 7X, 8X ổn định, chỉ từ 1 đến 2 con mỗi hộ. Nhờ vậy, dân số so với chỉ tiêu tăng không đáng kể (1% - 2%). Nhìn chung, các mô hình đang mang lại những thay đổi tích cực cho địa phương.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Pà Cò tập trung tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. 

Cùng với đó là việc đẩy mạnh tuyên truyền công tác giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, tầng lớp dân cư, cùng nhiều biện pháp thiết thực khác. Trong đó, tạo những đột phá trong phát triển các loại hình du lịch và phát triển sản phẩm làng nghề, cũng như phát huy thế mạnh lâm nghiệp để giúp bà con nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Xã Pà Cò (Hòa Bình): Vẫn còn nhiều trăn trở trong xóa đói, giảm nghèo - Ảnh 9.

Đào lông - một đặc sản của Pà Cò

Đồng thời xã cũng mong muốn huyện Mai Châu nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung tạo cơ chế đặc thù, cụ thể thiết thực hơn với điều kiện thực tế của địa phương và tăng cường hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng; tập trung nguồn vốn để hỗ trợ những hộ có khả năng thoát nghèo phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.