10x buông xuôi: "Học gì cũng được"

29/04/2017 - 12:40
Trong khi nhiều bạn trẻ không ngừng băn khoăn và đặt câu hỏi về chuyên ngành sẽ theo đuổi tại bậc đại học thì một bộ phận trong cộng đồng 10x lại đang có tâm lý buông xuôi: “Kệ đi! Học gì mà chẳng được!”
Nguyễn Đình Luật (THPT H.T, Bắc Ninh), sinh năm 2000 và bạn bè đồng trang lứa bắt đầu rơi vào ma trận của tên các trường đại học, cao đẳng. Luật cho biết, cậu từng băn khoăn và cân nhắc giữa trường Kiến trúc (vì cậu cũng có chút năng khiếu vẽ tranh) và trường Bách khoa (cậu thích máy tính và nghĩ rằng cậu có thể sẽ hứng thú với Công nghệ thông tin).
7.jpg
Các bậc phụ huynh không nên áp đặt con, hãy tôn trọng sở thích, quyết định của trẻ. Ảnh minh họa
Thế nhưng, thời điểm này, Luật chia sẻ: “Chị gái mình hồi trước thích học Báo chí lắm. Hồi đấy chị còn đi mua 6 bộ hồ sơ, trong đó có tới 3 bộ để nộp vào 3 khoa khác nhau của trường Báo chí. Thế nhưng, đến tháng cuối cùng, bố mẹ bảo chị nhất định phải thi trường Kinh tế. Thế nên mình cũng không cần mất thời gian nghĩ làm gì. Kiểu gì bố mẹ cũng ép mình theo ý bố mẹ thôi!”.

Khi được hỏi về câu chuyện của con mình, chị H. (mẹ Luật) cho biết: “Vợ chồng tôi lúc nào cũng khuyến khích các con tìm hiểu về các trường khác nhau và cho phép các con đưa ra các sự lựa chọn!”. Chia sẻ của mẹ vẫn không đủ làm Luật yên tâm khi mà chị gái của cậu đã phải từ bỏ đam mê để theo sự sắp đặt của bố mẹ.

Không chỉ là quyết định của 1 kỳ thi

Ở các nước phương Tây, hồ sơ vào đại học không chỉ đòi hỏi kết quả của các kỳ kiểm tra mà còn đòi hỏi thành tích hoạt động ngoại khóa, bài luận chia sẻ định hướng học tập, định hướng cuộc đời...

Vì thế, học sinh nước ngoài thường tìm hiểu và đưa trường vào tầm ngắm từ rất sớm. Từ đó, các em đặt mục tiêu phấn đấu và tìm kiếm các trải nghiệm phù hợp với tiêu chí của trường đó.
hc.jpg
Ảnh minh họa
Rất ít học sinh biết được mình thực sự muốn học ngành gì và phù hợp với ngành gì.Đa phần các em đều trải qua tâm lý hoang mang. Các bậc phụ huynh lo con em mình đưa ra lựa chọn sai lầm liền vội vàng nhảy vô “trợ giúp”. Trong phần lớn các trường hợp, sự “trợ giúp” này mang tính áp đặt và thái quá khiến các em cảm thấy mình bị cho ra rìa trong chính những quyết định liên quan đến cuộc đời mình.

“Bố tôi nói đã “nhắm” trước cho tôi một vị trí trong cơ quan nhà nước nơi bạn thân của bố tôi làm sếp. Ông nói, chỉ có đứa “dở hơi” mới muốn đi làm cho công ty tư nhân bấp bênh, không ổn định. Đằng nào tôi cũng có việc, lúc đó ngay lập tức tôi nghĩ rằng tội gì mình phải đi học mấy cái chứng chỉ hay kỹ năng này kỹ năng nọ làm gì”, Thủy Tiên (sinh năm 1993, cựu sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhớ lại.

Tâm trạng buông xuôi đó đã sớm hình thành trong những người trẻ và được các phụ huynh truyền từ đứa con này sang đứa con khác.

Quay trở lại câu chuyện của những bạn trẻ đang và sẽ đứng trước ngưỡng cửa chọn trường đại học, đó không chỉ là quyết định liên quan đến một kỳ thi, liên quan đến 4 năm học mà liên quan đến cả đời người, liên quan đến tâm lý của con em khi không được tin tưởng đưa ra lựa chọn, không được tự đi trên con đường mình mong muốn.

Sự buông xuôi thường dẫn đến tâm lý tiêu cực, các con sẽ không còn cố gắng phấn đấu. Thậm chí tệ hơn, nhiều em cảm thấy bế tắc và chán nản, tạo ra mối nguy về các hành động bất cần, thiếu suy nghĩ.

Đổi 1 lời áp đặt lấy vạn lời khuyên răn

Áp đặt con theo “phán quyết” của bố mẹ thì dễ nhưng thiết nghĩ, nếu những bậc làm cha làm mẹ chắc chắn con đường mà họ chọn cho con là tốt, tại sao không thể dùng lời khuyên và dẫn chứng cụ thể để chỉ cho con thấy, để giúp con hiểu ra.

“Tôi thích trở thành MC truyền hình nhưng cuối cùng lại thi và theo học trường ĐH Ngoại thương”, Vũ Thùy Linh, sinh năm 1996, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết: “Tôi định chọn học Báo hình nhưng bố tôi lúc đó đã nói rằng, Ngoại thương là môi trường sẽ cho tôi sự năng động và kiến thức phong phú. Có hai điều này, tôi có thể tự tin làm bất cứ nghề nào. Tôi đã bị bố thuyết phục như thế và đến bây giờ, khi vừa trúng tuyển làm thực tập sinh của Đài truyền hình, tôi thấy thật may mắn vì đã nghe theo lời khuyên của bố!”.

Cuộc đời của ai?

Hãy thử nghĩ lại và tưởng tượng: Sẽ thế nào nếu trước đây, định hướng của bố mẹ không phải là điều chúng ta muốn?

Liệu chúng ta có cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc không khi phải đi theo con đường mà chúng ta không thích? Liệu có công bằng không khi bây giờ chúng ta bắt con em mình phải nghe theo tiếng gọi của... trái tim chúng ta? Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Chúng ta đã có đủ may mắn để sống cuộc đời như mình mong muốn. Tại sao con em chúng ta không thể sống như con mong?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm