7 điều tồi tệ con phải đối mặt khi cha mẹ ly hôn

30/08/2016 - 05:00
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo - Wegood) chỉ ra những tổn thương trẻ gặp phải khi cha mẹ ly hôn. Đây là những điều tồi tệ với con nhưng không nhiều cha mẹ nhận ra.
Cha mẹ ly hôn, con phải giấu đi những nỗi buồn vô hình và cảm thấy bản thân như bị khiếm khuyết - Ảnh minh họa internet.

Thứ nhất: Khi người bố mất tích thực sự mà không biết rằng trên cõi đời này mình cũng có một đứa con. Đứa trẻ ấy thực sự đã khiếm khuyết một nửa cảm xúc, một nửa trái tim cho một người cha trong sự loay hoay, đa nghi, chẳng biết cha là ai, đang ở đâu... Nó giấu đi những nỗi buồn vô hình và cảm thấy bản thân như bị khiếm khuyết trong sự tự ti cũng vô hình.

Thứ hai: Khi bố và mẹ cứ gặp nhau là tranh giành, lôi kéo... cho thỏa mãn cảm xúc "con là của tôi ....". Đứa con ấy đứng giữa ngã ba đường của sự giằng co, sự áp đặt phải nghe, phải hiểu cho đủ cảm xúc lung tung của hai người mà không biết ai đúng, ai sai,  rồi gật bên này, gật bên kia như một con rối. Con phải sống hai khuôn mặt cho hai thái cực cảm xúc thậm chí cho cả hai cuộc đời khác nhau của hai bố mẹ.

Thứ ba: Khi bố mẹ chia tay nhau nhưng vẫn hận thù, vẫn chì chiết, hiếu thắng với nhau. Đứa con ấy cứ bị lăn qua lăn lại theo cảm hứng “lúc này lúc nọ” của bố mẹ. Nó phải sống trong sự nơm nớp lo lắng "không biết mẹ có cho nó đi chơi với bố không hay ngược lại bố có cho gặp mẹ không...".

Thứ tư: Khi bố mẹ luôn nghĩ sẽ "bù đắp cho con cái". Đứa con luôn được đáp ứng trước hoặc luôn được đáp ứng mọi thứ. Nó sẽ có thói quen đòi hỏi và coi như đó là bổn phận của cha mẹ để chuộc lỗi vì khiến nó không có đủ cả bố lẫn mẹ như bao đứa trẻ khác.

Nếu không thể duy trì hôn nhân, cha mẹ hãy bù đắp cho con bằng tình bạn và sự đồng hành yêu thương. Ảnh minh họa internet.

Thứ năm: Khi bố hoặc mẹ nó luôn bị ông bà, cô dì,  chú bác... một bên nào đó chê bai, phán xét, nói không thiện cảm về bố hoặc mẹ nó nhằm lôi kéo nó. Đứa con ấy phải sống trong sự hoang mang vì thấy bố và mẹ chẳng ai tốt. Nó chẳng biết đâu là nơi ấm áp, hay tất cả chỉ là tạm bợ và bản thân nó chẳng biết dựa vào đâu.

Thứ sáu: Khi bố hoặc mẹ hoặc cả hai bố mẹ có gia đình mới. Đứa con ấy rất khó để thuộc về gia đình đó. Nó lạc lõng khi phải chấp nhận sự sẻ chia tình cảm, lạc lõng khi phải để ý thái độ hành vi của người mới trong mỗi gia đình.

Thứ bảy: Khi có thêm những đứa em. Đứa con ấy hình như đã tự ý thức được mình đang ở vị trí nào trong trái tim của bố mẹ. Nó gồng mình lên để chống chọi với nỗi cô đơn, sự lạc lõng.

Cha mẹ hãy nghĩ thật sâu - thật xa - thật kín kẽ trong cảm xúc, tâm lý của các con trước khi quyết định thỏa mãn cảm xúc hay cái tôi của cha mẹ...

Nếu không thể duy trì hôn nhân thì hãy bù đắp cho con bằng tình bạn và sự đồng hành yêu thương, để chí ít con bớt đi sự gai góc, lì lợm khi phải chống đỡ với sự tổn thương trong tâm hồn có thể sẽ mãi mãi không bao giờ xóa được.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm