Bạn trọ cùng phòng trở thành gánh nặng

29/07/2016 - 17:59
Bị ăn cắp vặt, bị làm phiền bởi cách sinh hoạt không giống nhau, thậm chí bị lừa… là những rắc rối mà nhiều sinh viên gặp phải khi ở chung phòng để giảm chi phí thuê nhà.
bantro1.jpg
Nhiều sinh viên quảng cáo tìm bạn ở ghép để giảm chi phí nhà trọ, ăn ở, sinh hoạt. Ảnh internet.

Tính cách hơi cô độc, ít nói, Nguyễn Thị Minh (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) không có nhiều bạn thân. Thế nên, khi tìm người ở trọ cùng, “mỏi mắt” không chọn được ai, Minh liền đăng lên web phongtro123.com để tìm người ở ghép. Có rất nhiều người đăng ký và cuối cùng Minh tìm được một người bạn học ở trường gần đó.

Chỉ ở với nhau vài tuần, Minh đã vô cùng khó chịu với thói khôn lỏi và vô cùng ki bo, kẹt xỉ của cô bạn. Cô bạn ấy mang người yêu về, mua hoa quả hoặc đồ ăn ngon rồi mời Minh cùng ăn. Thế nhưng, khi người yêu vừa về, cô liền lấy giấy bút ra chia tiền. Cô bạn này thường xuyên dùng đồ của Minh, nhưng khi Minh lỡ uống một gói trà chanh của cô thì ngay lập tức bị ghi nợ.

Điều khiến Minh “chướng tai gai mắt” nhất là cô bạn thường xuyên thể hiện tình cảm quá mức thân mật với người yêu ngay cả khi Minh đang ở nhà. Căn phòng chật hẹp, Minh biết ý ngồi ra bàn học nghe nhạc thì cô bạn và chàng người yêu thản nhiên sờ mó, hôn hít nhau. Không ít lần Minh nhắc bạn nhưng cô bạn cho rằng Minh là “bà cô già” khó tính.

Cũng muốn tìm người ở cùng để chia đôi chi phí, Phạm Hạ Anh (trường ĐH Văn hóa Hà Nội) chấp nhận ở với chị họ của bạn. Dù cố gắng chịu đựng, cuối cùng Hạ Anh vẫn phải nói lời chia tay với người chị quen ở bẩn này. Chị đó không bao giờ dọn dẹp nhà cửa, quần áo. Giày dép vứt lung tung đã đành, quần áo thay ra chỗ nào cũng vứt luôn chỗ đó khiến phòng trọ lúc nào cũng bẩn thỉu, hôi hám. Bếp gas bám đầy dầu mỡ cũng không bao giờ lau chùi. Bát đũa bẩn thường xuyên tích từ bữa này sang bữa khác…

bantro2.jpg
Không ít người phải chia tay bạn trọ vì không thể chịu đựng được lối sống bẩn thỉu, bừa bộn của họ. Ảnh minh họa internet.

Nói đến tìm người ở trọ cùng, Nguyễn Minh Hạnh (ĐH Hà Nội) vẫn ấm ức. Tin tưởng bạn nên Minh Hạnh đồng ý cho bạn của bạn đó ở cùng. Ở một thời gian, số tiền gần 3 triệu đồng Minh Hạnh tiết kiệm khi đi làm thêm đã “không cánh mà bay”. Dù số tiền ấy đã được Minh Hạnh cất sâu trong tủ quần áo. Câu qua câu lại, cô bạn ấy còn gọi anh trai đến đánh Minh Hạnh. Đến giờ, nghĩ lại, cô vẫn thấy... “sởn da gà”.

Theo chị Nguyễn Trần Anh Thu (Đài tiếng nói Việt Nam), người có khá nhiều trải nghiệm trong việc ở trọ, tìm được người bạn trọ hợp với mình vô cùng khó. Nên ưu tiên người quen biết, nếu là bạn đã hiểu nhau thì càng tốt. Nếu là người do người khác giới thiệu, cần biết rõ tên tuổi, quê quán, trường học, tính cách. Không nên đăng tin tìm người ở cùng lên mạng xã hội hay tờ rơi bởi điều đó không an toàn, kẻ xấu có thể lợi dụng.

Khi tìm được người ở cùng, nên có sự trao đổi thẳng thắn trước về một số quy định như: Giờ giấc sinh hoạt, đồ đạc phân định, đồ nào dùng chung, đồ nào không. Thà “mất lòng trước, được lòng sau” còn hơn.

Nếu là người hoàn toàn xa lạ thì cần yêu cầu cho xem chứng minh thư, thẻ sinh viên. Đặc biệt có thể gõ số điện thoại lên mạng xã hội hoặc google, biết đâu sẽ tìm được nhiều thông tin về người ấy qua facebook hoặc là một vài trang web người đó để lại số điện thoại. Đó là cách để có thể nhận định sơ bộ về con người đó.

Nếu bạn đó có zalo, facebook, hãy xem bạn bè, các trang bạn đó thích. Bởi như câu châm ngôn “Hãy nói cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người thế nào”. Sở thích của người bạn đó có thể bộc lộ qua từng status, bình luận, trang bạn đó thích - qua đó, bạn có thể nhận định được xem người đó có thể trở thành bạn cùng phòng với mình. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm