Cha mẹ hãy cho trẻ cơ hội được 6 năm mù chữ

20/07/2017 - 19:50
Con chuẩn bị bước vào lớp 1 nhưng chị Mai Hồng Hạnh (Vũ Trọng Phụng, Hà Nội) vẫn kiên quyết không cho con học trước. “Hậu quả” là chị đã phải hứng chịu rất nhiều lời mắng mỏ từ bố mẹ hai bên và chồng.
Nhiều cha mẹ sốt sắng dạy com biết chữ sớm. Ảnh minh họa

Thấy bé Bốp (con chị Hạnh) chỉ còn hơn 1 tháng là bước vào lớp 1 nhưng vẫn “mù chữ”, không thuộc hết bảng chữ cái khiến cả nhà sốt xình xịch. Ông bà ngoại không ngày nào không mắng con gái: "Xem con mày như thế nào đi, học hành chả biết cái gì. Nhìn con bé nhà bên cạnh xem, đọc vanh vách rồi".

Bà nội ở quê cũng gọi điện lên réo rắt: "Con bận quá không cho con đi học được thì đưa nó về quê, mẹ thuê cô giáo tiểu học ở đây dạy cho cháu. Đến giờ mà chưa biết chữ thì làm sao mà học lớp 1 được".

Chồng chị trước đây không can thiệp vào việc dạy con của vợ, giờ cũng “nhảy lên” mắng vợ không ra gì: Em điên vừa thôi, giờ phải theo xã hội chứ. Giờ xã hội như thế nào thì mình phải như thế. Không thể để con ra khỏi guồng quay được. Em không thấy làm như thế là khổ thân con à?

Bạn bè, họ hàng nhà chồng cũng ùa vào “dạy dỗ” chị. Ai cũng lấy từ kinh nghiệm bản thân để “chia sẻ” với chị: Con 5 tuổi phải dạy chữ, dạy làm toán. Cứ như vậy, con mới theo kịp được các bạn và không trở thành học sinh cá biệt trong lớp.

Thế nhưng, chị Hạnh vẫn kiên quyết không dạy chữ cho con, không cho con đi học thêm. Bởi, quan điểm của chị là: Nếu con biết làm toán, biết đọc thì con cần gì học lớp 1, cho con học lên thẳng lớp 2, lớp 3.

TS Vũ Thu Hương: Nếu cả 6 năm đầu đời của trẻ được rời xa việc học chữ để chú tâm vào quan sát thì chắc chắn trẻ phát triển khả năng quan sát, liên tưởng và sáng tạo rất tốt. Ảnh minh họa

TS Vũ Thu Hương (ĐHSP Hà Nội) khẳng định, cha mẹ không nên dạy chữ trước cho trẻ. Nếu cả 6 năm đầu đời của trẻ được rời xa việc học chữ để chú tâm vào quan sát thì chắc chắn trẻ phát triển khả năng quan sát, liên tưởng và sáng tạo rất tốt. “Khi trẻ có sự quan sát tự do, không gò bó bởi các nguyên tắc, trẻ sẽ dễ dàng tìm ra những điểm mới thú vị làm cho người lớn phải ngạc nhiên. Tuy điều đó không phải là mới với người lớn nhưng lại là điều mà trẻ lần đầu phát hiện. Đó thực sự là sáng tạo của riêng trẻ”.

Khả năng quan sát cũng như liên tưởng của trẻ dưới 6 tuổi chưa biết chữ rất cao. ”Khi chúng tôi viết chữ O lên tay các bạn nhỏ mầm non chưa biết chữ, các bạn lập tức phát biểu: Hình tròn, đồng hồ, bánh xèo, bánh xe ô tô, quả bóng, nắp chai, miệng cốc... Các bé làm tôi bất ngờ vì bạn khác mà biết chữ chắc chắn sẽ trả lời: chữ O. Rõ ràng, khi trẻ học ít các nguyên tắc, trẻ sẽ liên tưởng và sáng tạo tốt hơn”, TS Hương chia sẻ.

Trẻ em Việt Nam chỉ có 6 năm để “mù chữ” bởi với chủ trương phổ cập, sau tuổi lên 6, tất cả các trẻ đều được đến trường và học chữ. Như vậy, chắc chắn trẻ sẽ biết chữ, có điều sớm hay muộn mà thôi.

Nếu 6 năm đầu đời trẻ được rời xa việc học chữ để chú tâm vào quan sát, học hỏi từ môi trường sống, từ thái độ và hành vi của những người xung quanh, chắc chắn các con sẽ phát triển khả năng quan sát tinh tế, liên tưởng và sáng tạo rất tốt”, TS. Vũ Thu Hương cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm